Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

       Trung tâm Khuyến nông là đơn vị Sự nghiệp trực thuộc Sở nông nghiệp có chức năng phục vụ quản lý nhà nước của Sở và triển khai các hoạt động khuyến nông trên địa bàn, là đơn vị đi đầu trong chuyển giao KHKT, xây dựng triển khai mô hình trình diễn, trong những năm qua đạt được những thành tích đáng kể về cả công tác chuyên môn, nghiên cứu khoa học. Theo đó, việc định hướng hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo nhằm đưa ra các biện pháp nâng cao chất lượng công tác chuyển giao kỹ thuật của đội ngủ cán bộ, hướng tới mục tiêu thiết thực, hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới là việc làm hết sức quan trọng.
 

       Một số kết quả về đề tài nghiên cứu Khoa học, ý tưởng sáng tạo, dưới đây đã minh chứng cho sự nổ lực sáng tạo trong công tác nghiên cứu khoa học của đơn vị, góp phần xây dựng, thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh nhà.
       - Đề tài KHCN cấp tỉnh: “Nghiên cứu, xây dựng mô hình thí nghiệm một số giống cà phê chè có triển vọng trên địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị” năm 2018-2021. Bố trí so sánh 5 giống cà phê  TN6, TN7, TN9, THA1, Catimor. Kết quả đã tìm ra được giống cà phê có năng suất, chất lượng nổi trội phù hợp với vùng trồng cà phê của tỉnh Quảng Trị, đó là giống thuần THA1 và 2 giống lai TN7 và TN9. Các giống này sinh trưởng khỏe, năng suất trung bình lần lượt là 2,36;  2,56 và 2,61 tấn nhân/ha, chất lượng nước uống cải thiện hơn so với giống Catimor. Nên thời gian tới cần tiếp tục khảo nghiệm các giống lai TN7 và TN9 tại các vùng, xã khác trên địa bàn huyện Hướng Hóa để một lần nữa khẳng định tính thích ứng. Riêng giống thuần nhân từ hạt là THA1 là giống có dạng cây thấp tán chặt, chất lượng cao hơn Catimor, năng suất trung bình là 2,36 tấn nhân/ha, kháng bệnh gỉ sắt...thì cần đưa vào cơ cấu bộ giống cà phê chè của tỉnh và sản xuất thay thế dần giống Catimor để nhân rộng giống mới tại các vùng sinh thái phù hợp. Tiến tới xây dựng các thương hiệu cà phê chè chất lượng cao gắn với vùng sinh thái, đồng thời làm đa dạng giống cà phê chè trong sản xuất tại huyện Hướng Hóa.
       - Đề tài KHCN cấp cơ sở: “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình thâm canh chuối tiêu hồng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị” năm 2021-2023. Đã xây dựng thành công mô hình thử nghiệm trồng thuần 01 ha chuối Tiêu hồng bằng giống nuôi cấy mô tại xã A Ngo, huyện Đakrông. Kết quả mô hình cho thấy cây chuối Tiêu hồng nuôi cấy mô sinh trưởng và phát triển tốt, đồng đều trong sinh trưởng và rút ngắn thời gian thu hoạch, thời gian từ trồng đến thu hoạch từ 11-12 tháng, tìm ra công thức ưu việt nhất với mật độ 2.000 cây/ha, liều lượng phân bón 1 gốc/năm là 240N:65P:480K (N, P, K nguyên chất) tương đương 520 gr ure+ 406 gr Lân supe + 800grKali cho năng suất cao nhất 43,5 tấn/ha, lợi nhuận trung bình từ 80 đến gần 100 triệu đồng/ha; Đề tài được Hội đồng khoa học xếp loại xuất sắc và được đánh giá cao về tính hiệu quả cũng như tính thực tiễn, có hiệu ứng lan tỏa về thành công của mô hình. Minh chứng về kết quả đó là trong quá trình thực hiện đã thu hút được rất nhiều bà con quanh vùng, người dân bản địa vốn xưa nay đã quen với lối canh tác truyền thống, không mật độ, không phân bón được tận mắt chứng kiến hiệu quả mô hình đem lại. Một số người dân của huyện Vĩnh Linh vượt hàng trăm cây số tìm đến tận nơi học hỏi kinh nghiệm, mua giống về trồng và cho kết quả tốt về tốc độ sinh trưởng phát triển, cho buồng to quả dài, đạt năng suất sao. Qua đó, có thể khẳng định hiệu quả và sự phù hợp về khí hậu thổ nhưỡng của cây chuối Tiêu hồng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Bên cạnh đó, đề tài cũng đã tuyển chọn được 10 gốc chuối Tiêu hồng làm vật liệu ban đầu cho công tác nuôi cấy mô nhằm chủ động cung ứng nguồn cây giống tại chổ.
       - Đề tài KHCN cấp tỉnh: “Xây dựng mô hình thử nghiệm nuôi thâm canh cá chim vây vàng theo hướng VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm” năm 2022-2023. Với mục tiêu tạo ra sản phẩm của dự án là cá chim vây vàng đáp ứng đủ tiêu chuẩnVietGAP, tăng giá trị sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Tăng tỉ lệ sống và an toàn dịch bệnh khi nuôi, nhằm tăng năng suất và nâng cao hiệu quả kinh tế cho hộ nuôi trồng thủy hải sản trên địa bàn tỉnh. Kết quả: Sau chu kỳ nuôi (gần 6 tháng thả cá nuôi), đã thu hoạch sản lượng thu được 2,7 tấn, tỷ lệ sống đạt 90%, với giá bán giá bán 130.000đ/kg, lợi nhuận của mô hình 50 triệuđồng, lợi nhuận tính cho 1 ha là 250 triệu đồng. Mô hình thử nghiệm nuôi thâm canh cá chim vây vàng theo hướng VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm đã mang lại hiệu quả cao, đây là đối tượng nuôi mới, có tốc độ tăng trưởng nhanh, phù hợp với điều kiện tự nhiên, cần nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh.
       Bên cạnh những những kết quả đã được ghi nhận trên, hàng năm Trung tâm Khuyến nông còn tham gia các giải pháp, ý tưởng sáng tạo kỹ thuật về chuyên môn Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp thuộc lĩnh vực nông lâm do BTC hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức. Sáng kiến kỹ thuật: “Nuôi tôm kết hợp với cua và cá trong ao tại các vùng nuôi tôm ven sông” với sự tham gia của nhóm tác giả thuộc đơn vị đã đạt Giải Khuyến khích Hội thị lần thứ IX (2020-2021), Sáng kiến về sản xuất lúa sử dụng công cụ sạ cụm cho năng suất cao, được ứng dụng trong thực tiễn và được người dân đón nhận nhân rộng; Dự án khởi nghiệp“trang trại chăn nuôi thông minh, cung cấp sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sạch bằng ruồi lính đen” đạt Giải nhì cuộc thi “Khởi Nghiệp đổi mới Sáng tạo” tỉnh Quảng Trị năm 2020, là công trình có sự tham gia của đoàn viên Trung tâm khuyến nông. Đây là 1/30 công trình được Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cụm Bắc Trung Bộ công nhận là công trình tuổi trẻ sáng tạo tiêu biểu năm 2021.
       Ngoài ra, Công tác chuyển giao Khoa học kỹ thuật, công nghệ mới được đánh cao về hiệu quả kinh tế như: Mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ liên kết tiêu thụ sản phẩm được gắn tem truy xuất nguồn gốc QR code (Đề án 6060/ĐA-UBND); Mô hình chuyển đổi đất lúa thiếu nước sang trồng cây dưa hấu có gắn tem truy xuất nguồn gốc QR code mang lại hiệu quả hơn 4-5 lần so với trồng lúa. Mô hình sản xuất lúa hữu cơ, trồng ngô sinh khối kết hợp với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân; Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2,3 giai đoạn theo công nghệ Biofloc; Mô hình trồng rừng nguyên liệu, trồng rừng gỗ lớn bằng giống nuôi cấy mô invitro; Mô hình vườn ươm cải tiến sản xuất giống keo lai nuôi cấy mô invitro (thực trạng hiện trồng rừng hiện nay ở tỉnh ta chủ yếu trồng giống Keo các loại chiếm 95% và trong đó Keo lai giâm hom chiếm đa số, Keo lai mô chỉ chiếm 1%). Trên cơ sở đó, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã thực hiện xây dựng được 2 vườn ươm cải tiến ươm giống Keo lai nuôi cấy mô. Đến nay mô hình rất thành công, đã ươm những lứa Keo lai mô đầu tiên và xuất trồng, đây là bộcây giống đạt chất lượng, độ đồng đều cao sẻ cung ứng cho những vùng trồng rừng trên địa bàn tỉnh, nhằm đáp ứng nhu cầu của vùng nguyên liệu gỗ cho tỉnh và khu vực trong thời gian tới.
       Định hướng phát triển Khoa học công nghệ trong thời gian tới: Chúng ta đang ở trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiện đại, đặc biệt với ngành Nông nghiệp đang có những bước chuyển biến mới theo hướng ứng dụng công nghệ số hóa ngành nông nghiệp. Vì vậy phải không ngừng tìm tòi, nghiên cứu để đáp ứng sự phát triển của KHCN nhất là trong thời kì hội nhập như hiện nay. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ưu tiên các hoạt động thông tin truyền thông, đào tạo huấn luyện khuyến nông có phạm vi ảnh hưởng, tác động sâu rộng tới sản xuất; Chuyển đổi tư duy từ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sang hỗ trợ nông dân có kiến thức, kỹ năng làm kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp tuần hoàn, tổ chức sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, HTX, kết nối thị trường, công nghệ số để có thể hướng dẫn, định hướng và tư vấn giúp người nông dân nhằm huy động các nguồn lực phục vụ Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới; Tổ chức các chuyên đề giới thiệu những ý tưởng sáng tạo, công trình NCKH qua đó thúc đẩy phong trào NCKH trong ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ.
       Đối với hoạt động khuyến nông của tỉnh nhà, trên cơ sở kết quả đạt được của các đề tài nghiên cứu, sáng kiến kỹ thuật và các chương trình/dự án thử nghiệm đã thành công, mang lại hiệu quả thiết thực... cần tiếp tục có những đầu tư thích đáng để tổ chức các mô hình trình diễn khuyến nông nhằm khuyến cáo, lan tỏa, nhân rộng kết quả ra các địa bàn, vùng sinh thái khác nhau, để nông dân gần xa nhìn nhận, học tập và áp dụng thực hiện mang lại hiệu quả ở phổ rộng hơn, đại trà hơn. Cụ thể, đối với lĩnh vực trồng trọt: Trên cơ sở thành công của các đề tài thâm canh cây chuối Tiêu hồng, chính quyền địa phương đã nhìn nhận và định hướng để đưa cây chuối trở thành cây trồng chủ lực của huyện ĐaKrông, các địa phương khác học hỏi, trồng thử nghiệm bổ sung vào đối tượng cây trồng thay thế mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đối vưới lĩnh vực lâm nghiệp: với mô hình vườn ươm cải tiến giống keo lai mô cần nhân rộng sự thành công của dự án đến với người trồng rừng, khuyến khích đưa giống Keo lai nuôi cấy mô vào trồng rừng trong thời gian tới để nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng trên địa bản tỉnh đáp ứng tiêu chuẩn chế biến và xuất khẩu. Đối với lĩnh vực thủy sản: cần nhân rộng xây dựng mô hình nuôi cá chim vây vàng thuộc chương trình Khuyến nông hàng năm. Bên cạnh đó, cần phát triển nuôi các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là các đối tượng nuôi biển, như xây dựng dự án sản xuất thử nghiệm nuôi cá Giò trong lồng HDPE trên vùng biển huyện đảo Cồn Cỏ. Đăng ký đề tài KHCN cấp tỉnh năm 2024: “Xây dựng hệ thống xử lý nước bằng công nghệ điện phân trong hệ thống ao nuôi tôm 02 giai đoạn”. Đối với lĩnh vực chăn nuôi: Định hướng ứng dụng khoa học công nghệ phát triển chăn nuôi Dê theo hướng kinh tế tuần hoàn tại hai huyện Miền núi Hướng Hóa và ĐaKrông tỉnh Quảng Trị. Phát triển chăn nuôi Dê cả về số lượng, chất lượng, thay đổi tập quán chăn nuôi chăn thả, phụ thuộc vào tự nhiên. Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn, dự trữ thức ăn bằng cách ủ chua, phơi khô trong chăn nuôi dê, cũng như hiệu quả kinh tế mang lại. Hướng đến chăn nuôi dê bền vững liên kết tiêu thụ sản phẩm góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị...

Thanh Tùng, Lê  Tú - TTKN

Đang truy cập: 9

Hôm nay: 604

Tổng lượt truy cập: 3.591.326