Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Vụ Đông Xuân năm nay, toàn tỉnh đã gieo cấytrên 25.600ha lúa , đạt 100,7% kế hoạch, tập trung gieo các giống lúa chủ lực, sản xuất đại trà: ĐD2, HN6, HC95, Bắc thơm 7, Dự Hương 8, Đài thơm 8, Khang dân 18, Hà Phát 3, VNR20,...
 

       Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia và dự
báo của Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh Quảng Trị, trong và sau tết Nguyên đán do ảnh hưởng không khí lạnh có thể xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển các loại cây trồng, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh và gây hại trên tất cả các loại cây trồng đặc biệt bệnh đạo ôn gây hại trên cây lúa.
       Sau đây, xin hướng dẫn bà con biện pháp chăm sóc cây lúa trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024 như sau:
Về chế độ phân bón: 
       Bón phân có 3 thời kỳ: Bón lót trước khi gieo cấy, bón thúc đẻ nhánh, bón thúc đón đòng để bổ sung trỗ bông nuôi hạt. Không bón thúc khi nhiệt độ thấp dưới 180C.
Bón thúc đẻ nhánh: Ðây là thời kỳ quyết định số bông hữu hiệu/m2. Thông thường bón với lượng 3 - 4kg phân urê/sào và giữ mức nước trong ruộng từ 3 - 5 cm để tạo điều kiện cho cây lúa đẻ nhánh khỏe. Ðợt này bà con có thể bón thêm phân Kali nếu bón lót chưa đủ theo quy trình.
       Tùy theo tình hình thời tiết, mức độ gây hại của sâu, bệnh và khả năng sinh trưởng của cây lúa trên đồng ruộng để bón phân bón qua lá nhằm bổ sung dinh dưỡng cho cây lúa, đặc biệt nên phun khi bộ rễ bị tổn thương.
Bón thúc đón đòng: Khi lúa tượng đòng (còn gọi là đòng đất). Ðây là thời kỳ quyết định số hạt/bông. Cho nên cần phải bón phân đúng vào thời kỳ này mới có hiệu quả cao.
       Khi 2/3 số cây trên ruộng lá chuyển màu vàng chanh, chóp lá thắt eo, lá so le thì bón đón đòng, và giữ mực nước trong ruộng từ 5 - 7cm. Lượng phân bón đón đòng được quyết định từ màu sắc lá, màu sắc bộ rễ lúa để quyết định lượng và loại. Thông thường bón từ 1,5 - 2kg urê/sào tuỳ theo màu xanh của lá lúa; kali bón từ 5 -6 kg/sào. Nhằm cung cấp kịp thời, đầy đủ dinh dưỡng để cây lúa hình thành số hạt trên bông cao nhất. 
Khi bón phân cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Phải nhìn trời, nhìn đất, nhìn cây và dùng bảng so màu lá lúa để bón phân cho chính xác nhằm tiết kiệm phân bón.  
- Những ngày mưa lớn, rét (nhiệt độ dưới 18oC) hoặc khi cây lúa đang bị bệnh không nên bón phân đặc biệt là phân đạm.
- Lúa tốt, lá mềm, cây yếu không nên bón thêm phân đạm mà cần tăng cường bón thêm phân Lân và Kali tạo cho lúa cứng cây, chống lốp đổ.
- Những chân ruộng chua phèn, đất xấu thường bị nghẹt rễ hoặc vàng lá cần bón thêm phân hữu cơ hoai mục hoặc phân vi sinh tổng hợp 20-30kg/sào và 15-20kg Super lân/sào kết hợp làm cỏ sục bùn, sau khi lúa có rễ trắng và ra lá mới tiến hành bón thúc đạm và kali.
- Không nên bón phân nhiều lần làm cho lúa đẻ lai rai, ảnh hưởng đến năng suất.
Về chế độ nước tưới:
       Quản lý nước trong ruộng phù hợp giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít chịu tác động của phèn, ngộ độc hữu cơ... Quản lý tốt trong ruộng còn giảm thất thoát dinh dưỡng và hạn chế được sự phát triển của các loại dịch hại như: sâu, bệnh, cỏ dại. 
       Giai đoạn này là giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ và tối đa, phần lớn chồi vô hiệu thường phát triển trong giai đoạn này nên chỉ cần nước vừa đủ. 
Về phòng trừ sâu bệnh:
       Thường xuyên thăm đồng, kiểm tra tình hình sâu bệnh hại, phát hiện sớm để có biện pháp phòng trị kịp thời, tránh ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng gạo. Lúa vụ Đông Xuân thường có một số sâu bệnh hại như sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh đạo ôn, rầy nâu…
- Bệnh đạo ôn (còn gọi là bệnh cháy lá lúa): Phát hiện và phun trừ sớm khi tỷ lệ bệnh xấp xỉ 5% bằng các loại thuốc có hoạt chất Tricyclazole như Beam 75WP, Bamy 75WP, Newtec 300SC,  hoạt chất Fenoxanil + Tricyclazole như Map Famy 700 WP, hoạt chất Isoprothiolane như Fujione 40WP. Dùng thuốc Filia 525SE, Beam 75WP, Amistar Top để phòng trừ khi bệnh mới xuất hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Sâu cuốn lá nhỏ thường nở rộ và gây hại nặng trên diện rộng vào giai đoạn lúa đẻ nhánh (khoảng 20 - 25 ngày sau gieo) và giai đoạn từ làm đòng đến trỗ (khoảng 40- 60 ngày sau gieo) nên áp dụng các biện pháp tổng hợp ngay từ đầu vụ như phát quang bờ ruộng, dùng bẫy đèn tiêu diệt ngài, bón phân cân đối tránh để thừa đạm, tưới tiêu hợp lý và phun thuốc theo nguyên tắc 4 đúng sẽ cho hiệu quả phòng trừ cao. 
Kiểm tra, phát hiện sớm, phun nơi mật độ sâu cao  và phun khi sâu tuổi 1 tuổi 2 mới hiệu quả. Sử dụng các loại thuốc có hoạt chất trừ sâu Abamectin, Emamectin, Emamectin Benzoat, Chlorfenafyr + Indoxacarb như DYLAN 10 WP, Angun 5WG, CHLORIN 10SC…
Đối với bọ trĩ, rầy mềm, rầy nâu, dòi đục lá: phun trừ bằng một trong các thuốc sau: Abamectin, Actara, Regent 800WG.

Trần Thị Thúy - TTKN
 

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 1209

Tổng lượt truy cập: 3.557.882