Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Chi cục Thủy sản tiền thân là Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản được thành lập theo Quyết định số 158/QĐ-UB ngày 23/3/1992 của UBND tỉnh Quảng Trị; thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành và tổ chức thực thi pháp luật về thủy sản trên địa bàn tỉnh.

 

Qua 30 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ, ngành Trung ương và địa phương, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Sở Nông nghiệp và PTNT, cùng với sự nỗ lực, cố gắng, phân đấu của tập thể dãnh đạo và công chức, viên chức và người lao động qua các thời kỳ, Chi cục Thủy sản ngày càng lớn mạnh và khẳng định vai trò, vị trí của mình vào sự phát triển chung của ngành Nông nghiệp và PTNT.

Trong những năm qua Chi cục Thủy sản luôn tích cực, chủ động tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch, chỉ thị, các văn bản chỉ đạo điều hành về hoạt động khai thác, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, quản lý tàu cá, cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh và hàng trăm văn bản triển khai thực hiện các chính sách phát triển thủy sản theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Số 289/QĐ-TTg, 965/QĐ-TTg, 48/2010/QĐ-TTg) và Nghị định của Chính phủ (Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014, Nghị định 17/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ); tham mưu, đề xuất thành lập Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ; công tác khắc phục sự cố môi trường biển và chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định…

Hàng năm, tập thể đơn vị và nhiều cá nhân đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tặng nhiều danh hiêu thị đua và khen thưởng.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị cho biết: Sau 30 năm xây dựng và phát triển, lĩnh vực thủy sản đã khẳng định được vai trò, vị trí trong nền kinh tế, xã hội; Các chính sách của trung ương, của tỉnh được triển khai giúp bà con phấn khởi mạnh dạn đóng mới tàu có công suất lớn để vươn khơi nhằm tăng năng suất, sản lượng khai thác; Công tác khai thác thủy sản chuyển mạnh từ đánh bắt truyền thống, gần bờ sang đánh bắt xa bờ, hiện đại. Diện tích nuôi trồng được mở rộng, các đối tượng giống thủy sản chủ lực và giống thủy sản mới có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới được ứng dụng đồng bộ trên các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản. Cơ sở hậ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến thủy sản ngày càng được đầu tư và phát triển; nhiều sản phẩm chế biến thủy sản đã được xuất khẩu sang thị trưởng các nước Pháp, Trung Quốc, Thái Lan, Lào,... Đời sống của bà con ngư dân được tăng lên rõ rệt góp phần đưa ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn nói chung và kinh tế xã hội tỉnh nhà nói riêng ngày càng phát triển.

Công tác thanh tra, bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản được xác định là nhiệm vụ trọng tâm; trong quá trình hoạt động lực lượng thanh tra, bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã tích cực tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cho cán bộ, ngư dân ven biển, các khu vực trọng điểm nghề cá của tỉnh; phối hợp với lực lượng Đồn Biên phòng ven biển, Cảnh sát Giao thông đường thủy, chính quyền địa phương và lực lượng thanh tra, bảo vệ nguồn lợi thủy sản của các tỉnh bạn trong khu vực để kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý các hoạt động khai thác hủy diệt ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản của tỉnh. 

Với sự tích cực, chủ động trong triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Kết quả: Giai đoạn 1999-2021 lực lượng thanh tra, bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã xử lý 1.203 vụ vi phạm hành chính, chuyển truy tố trách nhiệm hình sự một vụ; tịch thu 45.5kg thuốc nổ, 123 kíp nổ, 20m dây cháy chậm và 48 bộ xung điện; vận động người dân tự giác giao nộp 132 bộ xung điện. Bên cạnh đó, đã triển khai cứu hộ hàng trăm cá thể Rùa biển về với đại dương. Nhờ đó, hoạt động khai thác thủy sản bằng các biện pháp hủy diệt được đẩy lùi; công tác chống khai thác IUU có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần cùng với cả nước tháo gỡ “Thẻ vàng” của EC đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam.

Công tác quản lý khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản: Năm 2008, sau khi hợp nhất Sở Thủy sản và Sở Nông nghiệp và PTNT, nhiệm vụ quản lý khai thác thủy sản được bổ sung cho Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (nay là Chi cục Thủy sản). Những năm qua, Chi cục đã tích cực tổ chức thực hiện tốt các chính sách phát triển thủy sản; hướng dẫn ngư dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; nhiều nghề khai thác thủy sản tiên tiến được chuyển giao kịp thời, công nghệ đóng tàu bằng vật liệu võ thép và vật liệu mới (Composite) được áp dụng... Nhờ vậy, số tàu tham gia khai thác vùng biển xa ngày càng tăng; ngư trường, nguồn lợi thủy sản và tình hình an ninh trật tự trên biển ổn định; sản lượng khai thác thủy sản tăng hàng năm, đời sống của người lao động nghề cá ngày càng được cải thiện, góp phần mục tiêu đưa ngành kinh tế thủy sản trở thành ngành kinh tế mạnh của tỉnh.

Về công tác phát triển nguồn lợi thủy sản: Xác định công tác phát triển nguồn lợi thủy sản có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo, duy trì phát triển bền vững, tạo sinh kế cho người dân. Hàng năm, Chi cục đã tiến hành thả hàng vạn con giống thủy sản các loại tại các thủy vực tự nhiên trên địa bàn tỉnh để phát triển nguồn lợi và lưu giữ các loài thủy sản bản địa, đồng thời bảo tồn các loài thủy sản quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng.

Công tác quản lý tàu cá: Thực hiện các chính sách phát triển thủy sản và quản lý tàu cá của Trung ương, Chi cục Thủy sản đã tham mưu tổ chức thực hiện tốt các chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ nên số lượng tàu thuyền có công suất lớn tăng nhanh. Đã triển khai thực hiện đóng mới 25 tàu cá có công suất trên 400 CV (17 tàu cá vỏ thép, 01 tàu cá vỏ Composite và 07 tàu cá vỏ gỗ) và cải hoán nâng cấp 93 tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP đưa vào sử dụng cho hiệu quả cao. Năm 1992, số tàu, thuyền chỉ có vài trăm chiếc với tổng công suất trên 7.500cv phần lớn là tàu công suất nhỏ phục vụ đánh bắt ven bờ, đến hết năm 2021, tổng số tàu cá toàn tỉnh là 2.882 chiếc với tổng công suất 142.208 CV; tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên có 241 chiếc, trong đó có 211 chiếc thường xuyên tham gia khai thác thủy sản ở vùng biển xa.

Về cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá và chế biến thủy sản: Trong những năm đầu đơn vị mới thành lập, cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá chưa phát triển, chưa có cơ sở sản xuất kinh doanh ngư lưới cụ và cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền; chế biến thủy sản đang còn thô sơ, sản phẩm sau khai thác chỉ tiêu thụ nội địa, giá trị thấp. Đến nay, đã hình thành hai trung tâm nghề cá lớn của tỉnh đó là Cửa Việt và Cửa Tùng, cơ sở kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển; có hai cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, nhiều cơ sở chế biến, nhà máy thủy sản đông lạnh, Surumi và bột cá được đầu tư hiện đại tại Cửa Tùng và Cửa Việt với công suất hàng chục ngàn tấn/năm, góp phần thu mua, tiêu thụ sản phẩm khai thác của bà con ngư dân. Nhiều sản phẩm chế biến được xuất khẩu ra thị trường các nước Trung Quốc, Lào và thị trường Pháp.

Công tác quản lý nuôi trồng thủy sản: Người nuôi đã từng bước chú trọng đầu tư về giống, tuân thủ quy trình kỹ thuật, thời vụ, mở rộng nhiều hình thức nuôi. Nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao được triển khai và nhân rộng; từng bước xây dựng mô hình liên kết với Công ty, doanh nghiệp với người nuôi trong việc cung ứng giống, thức ăn, vật tư sản phẩm đầu vào và thu mua sản phẩm tôm nuôi để giảm thiểu rủi ro về thị trường, giá cả và tăng hiệu quả sản xuất.

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, trong những năm qua hoạt động thủy sản của tỉnh Quảng Trị phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh, nhất là diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Song với sự chỉ đạo, hỗ trợ của các cơ quan chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt sự quan tâm của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng với sự lãnh, chỉ đạo sâu sát của Sở Nông nghiệp và PTNT nên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Hữu Vinh - Phó Giám Đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết: Phát huy những thành tựu đạt được trong 30 năm qua, trong thời gian tới để hoàn thành tốt nhiệm vụ UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT giao phó, Chi cục thủy sản cần tiếp tục bám sát Các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch phát triển thủy sản giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ, Bộ ngành Trung ương và của Tỉnh để tổ chức thực hiện nhằm đạt hiệu quả cao nhất; Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ cấu tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lao động nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách trên lĩnh vực thủy sản; Tập trung rà soát lại quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, để tham mưu, đề xuất, khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất thủy sản, đặc biệt là nuôi trồng và chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh; Tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 vào quy trình sản xuất, để tăng hiệu quả kinh tế và nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản. Khuyến khích phát triển các đội tàu khai thác xa bờ, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá; nâng cao năng lực quản lý các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và thực hiện quy định pháp luật về thủy sản; nghiêm túc, quyết liệt công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Sau 30 năm xây dựng và phát triển Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị đã từng bước khẳng định vai trò và ví trí của mình vào sự phát triển chung của ngành Nông nghiệp và PTNT. Trong thời gian đến hoạt động thủy sản sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức và lao động thuộc Chi cục Thủy sản sẽ tiếp tục chủ động, sáng tạo, không ngừng đổi mới phương thức làm việc, quyết liệt, huy động và sử dụng tốt nhất mọi nguồn lực để sát cánh cùng các đơn vị đưa ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh nhà ngày càng phát triển.

                                                                                                                                                                                        Phan Việt Toàn - TT KN   

Đang truy cập: 10

Hôm nay: 82

Tổng lượt truy cập: 3.561.119