Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

1. Kết cấu và bố trí trên tàu: Tàu cá phải được thiết kế thuận tiện cho việc tiếp nhận, xử lý, chế biến, bảo quản thuỷ sản, dễ làm vệ sinh và khử trùng; Các khu vực tiếp nhận, xử lý và bảo quản thuỷ sản phải được bố trí ngăn cách với các khu vực khác có thể gây nhiễm cho thuỷ sản như: buồng máy, khu vực dành cho thuỷ thủ đoàn, khu vệ sinh, các đường dẫn nước thải.
2. Cấu trúc, vật liệu của bề mặt tiếp xúc với thủy sản:  Sàn tàu: được làm bằng vật liệu cứng, bền, không độc, chịu mòn; Mặt sàn phải phẳng, kín, không trơn trượt, dễ làm vệ sinh, khử trùng và đảm bảo thoát nước;  Dàn phơi: được thiết kế chế tạo phù hợp với tàu, bảo đảm việc phơi khô được dễ dàng, an toàn và được làm từ vật liệu không độc, dễ làm vệ sinh, khử trùng; Thiết bị bốc dỡ và chuyển thuỷ sản lên bờ phải được làm bằng vật liệu không gỉ, không độc, dễ làm sạch và khử trùng.
3. Thiết bị cấp đông, làm lạnh (đối với những tàu có thiết bị cấp đông): Phải có công suất đủ mạnh để cấp đông nhanh sản phẩm đánh bắt; Nếu sử dụng thiết bị có dùng nước muối để làm lạnh, thì thiết bị lạnh và khuấy phải đủ công suất để duy trì nhiệt độ của thuỷ sản theo quy định;Nước muối phải được thay mới trước mỗi chuyến biển; Chỉ được phép sử dụng các tác nhân lạnh bay hơi tiếp xúc trực tiếp với thuỷ sản là: không khí, nitơ lỏng, điôxyt cacbon rắn.
4.  Kho bảo quản lạnh (nếu có): Được cách nhiệt tốt, làm bằng vật liệu bền, nhẵn, không thấm nước và không gỉ sét; Thiết bị làm lạnh phải có công suất đủ mạnh để giữ thuỷ sản trong kho ở nhiệt độ bảo quản thích hợp và ổn định; Có nhiệt kế được lắp đặt đúng cách để theo dõi nhiệt độ của kho.
5. Thùng bảo quản thuỷ sản: Được làm bằng vật liệu chống ăn mòn, không độc; cấu trúc chắc chắn; được bọc cách nhiệt và có nắp đậy khi cần thiết; có lỗ thoát nước đá tan ở đáy; Bề mặt nhẵn, không ngấm nước, dễ làm vệ sinh và khử trùng; Thường xuyên được giữ gìn sạch sẽ, hợp vệ sinh.
6. Hầm chứa: Mặt trong của hầm chứa tiếp xúc với thuỷ sản được làm bằng vật liệu nhẵn, không gỉ, không độc, không ngấm nước, dễ làm vệ sinh và khử trùng; Đảm bảo không bị đọng nước gây nhiễm bẩn thuỷ sản; Vách ngăn hầm chứa phải được cách nhiệt tốt.
7. Dụng cụ làm vệ sinh:  phải được làm bằng vật liệu phù hợp, không làm hư hại bề mặt các thiết bị trên tàu hoặc dụng cụ chứa thuỷ sản; được vệ sinh sạch sẽ sau mỗi lần sử dụng; được bảo quản ở nơi khô ráo và để đúng nơi quy định. Các hoá chất tẩy rửa và khử trùng phải phù hợp với mục đích sử dụng theo quy định của Bộ Y tế. Chất tẩy rửa, khử trùng phải được bảo quản ở nơi riêng biệt trong thùng chứa kín, có ghi rõ tên hoá chất và phương pháp sử dụng.
8. Hóa chất, phụ gia: Không sử dụng bất kỳ hoá chất bảo quản, chất kháng sinh không rõ nguồn và không được phép sử dụng trong hoạt động chế biến, bảo quản thủy sản. Các loại chất nổ, chất độc, xung điện, hoá chất bảo quản (không có trong danh mục được phép sử dụng) và chất kháng sinh cấm không được mang lên tàu cá dùng cho việc đánh bắt, chế biến và bảo quản thuỷ sản.
9. Nước và nước đá:  Nước và nước đá sử dụng phải đủ lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh, được kiểm soát đúng cách: Nước sử dụng để rửa thuỷ sản hoặc rửa các bề mặt của thiết bị, dụng cụ tiếp xúc với thuỷ sản phải là nước sạch. Không được dùng nước biển ở cảng cho mục đích này; Nước dùng để làm nước đá phải là nước sạch. Nước đá phải được sản xuất, bảo quản, vận chuyển, xay nghiền trong điều kiện hợp vệ sinh; Ðược sản xuất từ nguồn nước đảm bảo an toàn vệ sinh theo quy định của Bộ Y tế; Tàu cá phải đủ nước sạch, nước đá sạch và dụng cụ chứa đựng để bảo quản thuỷ sản; Máy xay đá có kết cấu thích hợp, dễ làm vệ sinh; được làm bằng vật liệu bền, không gỉ và không gây nhiễm độc cho thuỷ sản.
10. Xử lý chất thải: Chất thải không là nguồn lây nhiễm cho nguyên liệu thủy sản và môi trường. Hệ thống thoát nước từ sàn tàu, hầm chứa thuỷ sản hoặc phòng vệ sinh phải đảm bảo thoát hết nước, dễ làm vệ sinh và khử trùng. Hệ thống đường dẫn nước thải phải được bố trí ngăn cách để không làm nhiễm bẩn thuỷ sản. Phế liệu thuỷ sản sau khi sơ chế phải được chuyển nhanh khỏi mặt sàn tàu và được bảo quản riêng. Chất thải phòng vệ sinh phải được xử lý không gây ô nhiễm môi trường.
11. Vệ sinh công nhân: Người tiếp xúc với thuỷ sản phải được trang bị bảo hộ lao động được khám sức khỏe định kỳ theo qui định và không bị mắc bệnh truyền nhiễm. Khu vực vệ sinh không là nguồn lây nhiễm cho thuỷ sản. Có đủ nước sạch và xà phòng sát trùng để rửa tay.
12. Các điều kiện đảm bảo cho hoạt động quản lý chất lượng phù hợp với việc kiểm soát trong thực tế: 
+ Mỗi tàu cá phải xây dựng nội quy riêng về vệ sinh an toàn thực phẩm; phổ biến cho thuỷ thủ về công tác vệ sinh, khử trùng thiết bị, sàn tàu, hầm chứa, dụng cụ chứa và các bề mặt khác tiếp xúc với thuỷ sản trước và sau mỗi chuyến đi biển.
+ Nội quy vệ sinh phải quy định rõ phương pháp, tần suất làm vệ sinh cho phù hợp với từng loại tàu cá và xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân đối với từng nội dung công việc.
+ Trên tàu cá phải có người chịu trách nhiệm chính về vệ sinh an toàn và chất lượng thuỷ sản. Mỗi thành viên trên tàu phải nắm vững các biện pháp phòng tránh nhiễm bẩn hoặc làm hư hại đến thuỷ sản trong quá trình tiếp nhận, xử lý, chế biến, bảo quản, bốc dỡ và vận chuyển.
+ Có phương pháp chế biến, bảo quản và vận chuyển phù hợp đối với từng loại nguyên liệu thuỷ sản.
+ Việc thực hiện hoạt động quản lý chất lượng và truy xuất nguồn nguyên liệu theo đúng với qui định đề ra.
+ Có biện pháp ngăn chặn sự xâm nhập và diệt trừ chuột cùng các loại côn trùng, động vật gây hại khác. Không được phép nuôi gia súc, gia cầm trên tàu cá.
+ Tàu cá phải ghi nhật ký khai thác và hồ sơ theo dõi xử lý, chế biến trên tàu, bảo đảm dễ dàng trong việc truy xuất nguồn gốc và đánh giá chất lượng thuỷ sản.

Đang truy cập: 8

Hôm nay: 924

Tổng lượt truy cập: 3.589.598