Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Vào mùa hè thời tiết nắng nóng cũng chính là mùa bùng phát dịch bệnh dại mạnh nhất. Bệnh dại lây từ nước bọt của động vật nuôi như chó, mèo bị dại lây qua vết cắn, liếm hoặc tiếp xúc với nước bọt của chó, mèo qua các vết thương hở. Ngoài ra, virus dại cũng được phát hiện ở mèo, chồn, dơi và các động vật có vú khác. Thời gian ủ bệnh ở người thường từ 2 - 8 tuần và có thể kéo dài đến trên 1 năm, thời gian này phụ thuộc vào lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương… Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, ngón tay, cơ quan sinh dục ngoài… thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Tất cả các bệnh nhân lên cơn dại đều bị tử vong.

Cách Xử lý khi bị chó, mèo cắn

Khi không may bị chó mèo cắn, để làm giảm đến mức tối thiểu lượng virus dại tại nơi xâm nhập, ngay khi bị cắn chúng ta cần thực hiện những biện pháp sau đây để phòng ngừa lây nhiễm vi rút bệnh dại như sau:

- Xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 70° hoặc cồn Iốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Trong lúc rửa vết thương, không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn.

- Đến ngay cơ sở tiêm chủng để được bác sĩ tư vấn và chỉ định tiêm phòng dại.

- Thông báo với bác sĩ về tình trạng con vật đã cắn bạn và theo dõi con vật trong vòng 15 ngày kể từ ngày bị cắn/cào. Trong thời gian 15 ngày theo dõi, nếu con vật có biểu hiện bất thường như ốm, chết, mất tích, bị bán hay bị giết…, hãy đến gặp bác sĩ ngay.

- Khi tiêm vắc xin phòng bệnh dại, yêu cầu phải tuân thủ: Tiêm đủ mũi, đúng lịch, không uống rượu bia, không dùng thuốc Corticoid và thuốc ức chế miễn dịch.

- Theo dõi tình trạng con vật sau khi cắn người trong vòng 2 tuần (ốm, chết, lên cơn dại…) để có hướng xử lý tiếp theo.

- Không tiếp xúc với con vật bị dại, nghi dại; không mua bán, vận chuyển chó mèo ra, vào vùng dịch.

- Báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y tại địa phương để có biện pháp tiêu hủy chó mèo bị dại; cách ly theo dõi động vật nghi dại; tiêm phòng dại cho động vật khỏe mạnh sống trong vùng dịch.        

Phòng bệnh dại

Bệnh dại, hiện nay trên thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiện, hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để chủ động phòng, chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Cách phòng bệnh tốt nhất là phải tiêm phòng 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành Thú y.

-  Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.

- Diệt chó chạy rông, chó vô chủ.

- Không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi.

- Đến ngay cơ sở y tế để được tiêm vắc xin phòng dại khi bị súc vật cắn

                     

                              Hình ảnh người dân đưa chó đến nơi tiêm phòng dại

Mỗi chúng ta cần phát huy hơn nữa ý thức cá nhân cùng tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng, cùng thực hiện cam kết 5 không: Không nuôi chó, mèo mà không tiêm phòng dại; Không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương; Không nuôi chó, mèo thả rông; Không để chó, mèo cắn người; Không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường.

  Dương Đức Nhã

                      Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Đang truy cập: 6

Hôm nay: 534

Tổng lượt truy cập: 3.557.207