Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Theo thống kê kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm sản của Việt Nam hiện nay cho thấy, Trung Quốc vẫn là thị trường chiếm thị phần xuất khẩu lớn nhất. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Trung Quốc đã điều chỉnh các chính sách, quy định theo hướng đặt yêu cầu cao hơn đối với thực phẩm, nông sản nhập khẩu vào Trung Quốc. Cụ thể, Trung Quốc đã 2 lần sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, đồng thời ban hành Lệnh 248 "Quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu", Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu" và Lệnh 259 về “Các biện pháp quản lý công nhận và kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” được áp dụng đối với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc.

Tại Quảng Trị, các mặt hàng thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là thực phẩm có nguồn gốc thuỷ sản như: cá nục hấp phơi khô, cá cơm hấp phơi khô, tôm thẻ chân trắng, tôm sú, ốc hương. Theo quy định, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản là cơ quan có thẩm quyền đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thuỷ sản vào Trung Quốc. Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản đã có nhiều văn bản hướng dẫn nhằm giúp các doanh nghiệp đáp ứng với những quy định mới của Trung Quốc. Dựa trên những hướng dẫn của Cục, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thuỷ sản đã tổng hợp một số quy định mới về Lệnh 248, 249 và thủ tục đăng ký doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thuỷ sản sang Trung Quốc theo Lệnh 248, 249 như sau:

1. Một số quy định mới của Lệnh 248, 249.

1.1 Phạm vi áp dụng

- Toàn bộ các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc phải thực hiện đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc từ sau ngày 01/01/2022.

- Phân loại doanh nghiệp theo mức độ rủi ro:

+ Nhóm 1: gồm các doanh nghiệp sản xuất 18 loại thực phẩm xuất khẩu (bao gồm sản phẩm thủy sản) do Cơ quan có thầm quyền đề nghị đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

+ Nhóm 2: các doanh nghiệp sản xuất các loại thực phẩm không nằm trong 18 loại thực phẩm nêu trên tự nộp hồ sơ đăng ký hoặc ủy thác đơn vị trung gian thực hiện đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

1.2 Công nhận danh sách doanh nghiệp đăng ký.

- Đối với các doanh nghiệp đã có tên trong danh sách được phép xuất khẩu sang Trung Quốc: tiếp tục được phép xuất khẩu vào Trung Quốc trong thời gian tới (kể cả sau ngày 01/01/2022).

- Các cơ sở đăng ký bổ sung vào danh sách, cập nhật thông tin, gia hạn đăng ký kể từ sau ngày 01/01/2022; thực hiện đăng ký theo Lệnh 248.

1.3 Hiệu lực đăng ký

Hiệu lực đăng ký của doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc trong vòng 05 năm. Trong thời hạn từ 3 đến 6 tháng trước khi hết hiệu lực đăng ký, doanh nghiệp cần gửi đăng ký cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc;

- Các trường hợp Tổng cục Hải quan Trung Quốc hủy đăng ký được quy định tại Điều 21, 24 của Lệnh 248.

2. Thủ tục đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc:

Kể từ ngày 01/01/2022, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản là cơ quan thẩm quyền Việt Nam được Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) cấp tài khoản, mật khẩu để thực hiện đăng ký cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc trên Hệ thống một cửa thương mại quốc tế của GACC (https://cifer.singlewindow.cn) (sau đây gọi là Hệ thống CIFER). Cục sẽ cấp tài khoản, mật khẩu riêng cho từng doanh nghiệp để khai báo các thông tin liên quan trên Hệ thống và thẩm tra, gửi đăng ký cho GACC trên Hệ thống.

2.1 Đối với doanh nghiệp đăng ký mới:

- Bước 1: Đăng ký cấp tài khoản truy cập Hệ thống CIFER.

 Doanh nghiệp khai báo thông tin theo biểu mẫu đăng ký cấp tài khoản truy cập hệ thống một cửa thương mại quốc tề của GACC và gửi đăng ký (bản scan) đến địa chỉ e-mail của Văn thư Cục: nafi@mard.gov.vn

- Bước 2: Cấp tài khoản truy cập.

 Phòng Chất lượng thủy sản thuộc Cục thẩm tra thông tin, cấp tài khoản truy cập cho doanh nghiệp (thông báo cho doanh nghiệp qua e-mail)

- Bước 3: Khai báo thông tin trên Hệ thống CIFER.

 Sau khi được cấp tài khoản, doanh nghiệp thực hiện khai báo thông tin trên Hệ thống CIFER.

- Bước 4: Thẩm tra thông tin khai báo của doanh nghiệp.

Cục/Chi cục Quản lý chất lượng NLS&TS Trung bộ/Nam bộ thẩm tra thông tin khai báo của doanh nghiệp trên địa bàn; cung cấp Báo cáo thẩm tra đối với doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn do Chi cục Quản lý chất lượng NLS&/TS Trung bộ/Nam bộ quản lý.

 - Bước 5: Phê duyệt hồ sơ đăng ký.

Phòng Chất lượng thủy sản thuộc Cục trình Lãnh đạo Cục phê duyệt hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp kèm theo Thư giới thiệu doanh nghiệp và gửi hồ sơ đăng ký cho GACC trên Hệ thống CIFER.

2.2 Đối với doanh nghiệp đăng ký sửa đổi, cập nhật thông tin:

- Bước 1: Cấp tài khoản truy cập.

Cục/Chi cục Quản lý chất lượng NLS&TS Trung bộ/Nam bộ cung cấp tới các cơ sở thông tin truy cập trên Hệ thống CIFER.

- Bước 2: Khai báo thông tin trên Hệ thống CIFER.

Sau khi được cấp tài khoản, doanh nghiệp thực hiện khai báo thông tin trên Hệ thống CIFER.

- Bước 3: Thẩm tra thông tin khai báo của doanh nghiệp.

Cục/Chi cục Quản lý chất lượng NLS&TS Trung bộ/Nam bộ thẩm tra thông tin khai báo của doanh nghiệp trên địa bàn; cung cấp Báo cáo thẩm tra đối với doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn do Chi cục Quản lý chất lượng NLS&/TS Trung bộ/Nam bộ quản lý.

- Bước 4: Phê duyệt hồ sơ đăng ký.

Phòng Chất lượng thủy sản thuộc Cục trình Lãnh đạo Cục phê duyệt hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp kèm theo Thư giới thiệu doanh nghiệp và gửi hồ sơ đăng ký cho GACC trên Hệ thống CIFER.

2.3 Một số lưu ý khi thực hiện thủ tục đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thuỷ sản vào Trung Quốc.

-  Đối với cơ sở sản xuất thủy sản sống (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, tôm hùm): tiếp tục thực hiện đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc theo các văn bản hướng dẫn của Cục trước đây (văn bản số 507/QLCL-CL1 ngày 19/4/2020 và số 503/QLCL-CL1 ngày 23/4/2021).

- Các doanh nghiệp cần thay đổi mật khẩu truy cập trong vòng 24h kể từ thời điểm nhận được thông tin truy cập bởi Cục/Chi cục Chất lượng NLS&TS Trung bộ/Nam bộ.

- Theo Điều 19, Lệnh 248: khi chuyển địa điểm sản xuất, thay đổi người đại diện pháp luật hoặc mã số cơ sở do Cục cấp thì không thực hiện đăng ký sửa đổi thông tin mà thực hiện đăng ký mới trên Hệ thống CIFER.

Sau khi Lệnh 248, Lệnh 249, Lệnh 259 được áp dụng đã tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm có nguồn gốc thuỷ sản xuất khẩu tại Quảng Trị. Do đó, để có thể xuất khẩu thành công, người sản xuất và các doanh nghiệp cần chuyển nhanh, chuyển mạnh sang hình thức thương mại chính ngạch; nghiên cứu và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, tăng cường công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu, đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn mới của thị trường.

Người viết: Đỗ Thị Phương Thảo

Chi cục Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản

Đang truy cập: 7

Hôm nay: 555

Tổng lượt truy cập: 3.557.228