Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

PHÒNG TRỪ BỆNH PHẤN TRẮNG HẠI CÂY CAO SU

PHÒNG TRỪ BỆNH PHẤN TRẮNG HẠI CÂY CAO SU

Hiện nay diện tích cao su toàn tỉnh trên 18.800 ha, cây cao su đang ở giai đoạn ra lá mới, sinh trưởng và phát triển tốt, tuy nhiên, bệnh phấn trắng đã bắt đầu phát sinh gây hại trên một số vùng trồng, đây là loại bệnh thường gặp ở cây cao su, thời điểm bệnh phát sinh gây hại mạnh nhất là giai đoạn cây ra lá mới hàng năm.

Khác với một số bệnh thường gặp trên cây cao su như bệnh héo đen đầu lá (thường hại nặng vào thời kỳ cây con và giai đoạn cao su kiến thiết cơ bản, các vườn cao su kinh doanh cũng bị bệnh nhưng mức độ nhẹ hơn), bệnh phấn trắng có khả năng gây hại cho cây cao su ở mọi lứa tuổi, từ vườn nhân, ươm, kiến thiết cơ bản đến vườn cao su khai thác.

Bệnh gây rụng lá, làm chậm thời gian khai thác dẫn đến giảm sản lượng mủ ở vườn cao su kinh doanh và làm chậm tốc độ sinh trưởng, thậm chí có thể gây chết cây ở những vườn cao su kiến thiết cũng như ở vườn nhân và vườn ươm. Bệnh tấn công chủ yếu lá non, làm lá rụng hàng loạt nếu gặp thời tiết lạnh và có sương mù. Sau giai đoạn này, lá không bị rụng nữa mà để lại các vết bệnh có nhiều dạng loang lổ khác nhau, thậm chí toàn bộ phiến lá bị biến dạng và chuyển qua màu vàng nhạt, trên các vết bệnh sinh ra lớp bột màu trắng như phấn, cây sinh trưởng kém, hoa bị bệnh thì nhỏ hoặc thối rụng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                         

 

                             Ảnh 1: Triệu chứng bệnh trên lá non

Với điều kiện thời tiết đêm và sáng sớm có sương mù, ẩm độ không khí cao như hiện nay sẽ là điều kiện rất thuận lợi cho nấm bệnh tiếp tục phát sinh gây hại trên diện rộng.

Để phòng trừ  bệnh phấn trắng kịp thời, hiệu quả đảm bảo bộ lá phát triển tốt, ổn định thời gian khai thác trong mùa vụ tới, bà con cần thực hiện các biện pháp sau:

- Bón phân sớm cho cây để thúc đẩy quá trình ra lá nhanh tránh gặp thời tiết bất lợi, nhất là khi gặp nhiệt độ thấp.

- Vệ sinh vườn đảm bảo độ thông thoáng

- Thăm vườn thường xuyên để phát hiện bệnh sớm, từ đó có biện pháp phòng trị thích hợp và kịp thời. Ở các vườn cây có nguy cơ nhiễm bệnh cao hoặc những vườn cây năm trước đã nhiễm bệnh, nhất thiết phải căn cứ vào sự ra lá mới để quyết định xử lý bằng cách phun thuốc trực tiếp để trừ ngay trong mùa bệnh, với chu kỳ 7 - 10 ngày/lần.

Để phòng trừ bệnh này, cần sử dụng một trong các loại thuốc có hoạt chất Hecxaconazon, Azoxystrobin, Difenoconazole, Copper Oxychloride, Diniconazole, Sulfur như Anvil, Amistar Top® 325SC,  Sumi-Eight 12.5 WP,Sulox 80WP, Kumulus 80WG …với nồng độ, liều lượng theo hướng dẫn trên toa nhãn. Phun ướt toàn bộ 2 mặt lá, ngọn, thân, cành. Nên phun ít nhất 2 lần cách nhau 7 – 10 ngày. Thời điểm phun hiệu quả cao là giai đoạn khi lá nhú chân chim (lá có màu tím nhạt) hoặc mới nhiễm bệnh ở mức rất nhẹ (cấp 1), chỉ phun thuốc trong thời gian trời mát (sáng sớm hoặc chiều tối).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

   Ảnh 2: Phun phòng trừ bệnh bằng thiết bị bay không người lái

Ngoài ra, để cây cao su sinh trưởng phát triển tốt trong thời kỳ ra lá non, sớm ổn định tán lá, tăng sức để kháng với bệnh, cần chăm sóc hợp lý như bón đầy đủ, cân đối giữa lượng phân đạm và kali vào giai đoạn cao su bắt đầu ra lá mới để giúp tầng lá sớm ổn định, vệ sinh vườn cây ngay trong và sau khi rụng lá.

      Trạm Trồng trọt và BVTV Cam Lộ

Đang truy cập: 7

Hôm nay: 1096

Tổng lượt truy cập: 3.557.769