Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Để hiện thực hóa khát vọng phát triển cùng với những mục tiêu quan trọng của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”(7), đối với mục tiêu xây dựng một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả cần được xem xét tổng thể, toàn diện, từ tổng kết lý luận và thực tiễn đến đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới. Trên cơ sở đó, để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII, “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”, cần thống nhất nhận thức và hành động về cải cách hành chính trong toàn hệ thống chính trị. Theo đó, tiếp tục thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính. Sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính thể hiện thông qua việc quyết định các mục tiêu, quan điểm, chủ trương và giải pháp lớn về cải cách hành chính; lãnh đạo công tác tuyên truyền, giáo dục bảo đảm sự nhận thức sâu sắc và thống nhất hành động trong các tổ chức đảng, trong cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, xã hội về công tác cải cách hành chính. Tăng cường lãnh đạo, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, uốn nắn kịp thời việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác cải cách hành chính. Các cấp ủy lãnh đạo cơ quan chính quyền xây dựng chương trình, kế hoạch cải cách hành chính, thông qua kết quả cải cách hành chính để xem xét, đánh giá, sử dụng cán bộ, đảng viên. Tiếp tục đổi mới phương thức làm việc và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ và cơ quan hành chính địa phương các cấp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cũng như trong triển khai công tác cải cách hành chính. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp về đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; lấy kết quả cải cách hành chính hằng năm là tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của cơ quan, đơn vị; nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; coi trọng công tác thi đua, khen thưởng gắn với kết quả, hiệu quả cải cách hành chính.

Hai là, xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả lĩnh vực, trọng tâm là hoàn thiện thể chế, pháp luật về tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị; phát huy dân chủ, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quan tâm tới chất lượng xây dựng hệ thống văn bản pháp luật theo hướng tạo môi trường pháp lý bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, khuyến khích đổi mới sáng tạo, cạnh tranh lành mạnh của các thành phần kinh tế trên cơ sở tuân thủ pháp luật. 

Ba là, đẩy mạnh cải cách TTHC góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cung ứng dịch vụ công của bộ máy hành chính nhà nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế. Ðơn giản hóa TTHC, cắt bỏ thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, cản trở cạnh tranh lành mạnh; tăng cường rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, quy định TTHC, điều kiện kinh doanh, bảo đảm thực chất, hiệu quả trên cơ sở lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của cải cách, đồng thời áp dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến. Tập trung ưu tiên nguồn lực để đẩy mạnh triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC. Ban hành các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân theo Đề án 06. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Bốn là, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tổ chức các bộ, cơ quan ở Trung ương, các cơ quan chuyên môn ở địa phương đa ngành, đa lĩnh vực, số lượng hợp lý. Phát huy đầy đủ vị trí, vai trò của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội; xác định rõ thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ðổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tập trung quản lý phát triển; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân. Hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với các địa bàn đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; giảm cấp chính quyền phù hợp ở một số địa phương; xây dựng mô hình quản trị chính quyền địa phương phù hợp với từng địa bàn, gắn với yêu cầu phát triển các vùng, khu kinh tế. Ðẩy mạnh phân cấp, phân quyền khoa học, hợp lý, đi đôi với nâng cao trách nhiệm, gắn với bảo đảm nguồn lực, năng lực thực hiện pháp luật cho các địa phương và các bộ. Tiếp tục cải cách, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, bảo đảm chất lượng, hoạt động hiệu quả. Thực hiện việc chuyển giao các chức năng, nội dung công việc không thuộc chức năng của hệ thống hành chính cho các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, tổ chức sự nghiệp dịch vụ công, tổ chức, doanh nghiệp khu vực tư nhân đảm nhiệm ngày càng nhiều hơn theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa.

Năm là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về một nền công vụ minh bạch, trách nhiệm, công bằng và liêm chính. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ và có đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, tiêu chuẩn nghiệp vụ, tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao bằng sản phẩm cụ thể và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Áp dụng khoa học - công nghệ hiện đại, chuyển đổi số trong xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác đánh giá công chức theo kết quả thực thi công vụ. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nâng cao chất lượng phục vụ người dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên tinh thần lắng nghe, cầu thị, trách nhiệm, hết lòng phục vụ người dân, tổ chức..., đồng thời sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, kỷ luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, không còn uy tín với nhân dân.

Sáu là, đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử hướng tới Chính phủ số, Chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số theo lộ trình của Chính phủ, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tiễn của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong đó, khẩn trương hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng, nền tảng số, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành, cơ sở dữ liệu địa phương đồng bộ, liên thông. Phát triển dữ liệu mở, cơ sở dữ liệu và các nền tảng số để bảo đảm sử dụng thống nhất, đồng bộ trên phạm vi toàn quốc và tại mỗi địa phương. Mở rộng, phát triển và nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. Phát triển hệ thống thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Phát triển các ứng dụng, dịch vụ nghiệp vụ, chuyên ngành phục vụ nội bộ và kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin trong và ngoài bộ, ngành, địa phương; ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp, bảo đảm mỗi người dân cần nhìn thấy rõ và thụ hưởng kết quả cụ thể của chuyển đổi số./.

                                                                                                                               Lê Trần Ngọc Anh - Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn

Đang truy cập: 11

Hôm nay: 2241

Tổng lượt truy cập: 3.555.914