Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hoá quản lý 23.456,72 ha rừng và đất lâm nghiệp thuộc Khu BTTN Bắc Hướng Hoá. Địa bàn quản lý rộng, địa hình chủ yếu là đồi núi cao, hiểm trở, điều kiện đi lại khó khăn, trải dài trên địa bàn 5 xã miền núi gồm xã Hướng Phùng, Hướng Linh, Hướng Sơn, Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Sơn của huyện Hướng Hoá; trong khi lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Ban còn mỏng, trung bình mỗi viên chức phải quản lý gần 2.000ha nên công tác quản lý bảo vệ rừng còn nhiều khó khăn. Vì vậy, thời gian qua, Ban quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hoá đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, có ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số thực hiện nhiệm vụ. 
Trước đây, việc tuần tra, kiểm tra rừng chủ yếu dựa vào máy định vị GPS và bản đồ giấy, thu thập dữ liệu tuần tra và giám sát đa dạng sinh học bằng các phiếu hoặc sổ tay ghi chép gây khó khăn, mất thời gian hơn trong việc xác định vị trí cũng như thu thập dữ liệu, báo cáo kết quả tuần tra rừng. Đến nay, thông qua các chương trình, dự án, cán bộ của đơn vị đã dần được trang bị đầy đủ hơn các trang thiết bị phục vụ cho công tác bảo vệ rừng, trong đó có Smartphone; được tập huấn ứng dụng các phần mềm, công cụ hỗ trợ trong theo dõi diễn biến rừng, tuần tra và giám sát đa dạng sinh học. Đơn vị đã tích hợp các phần mềm, công cụ như: Locus map, SMART vào điện thoại thông minh để xem bản đồ hiện trạng, vị trí, ranh giới, theo dõi diến biến rừng, thu thập dữ liệu tuần tra rừng…Nhờ đó, việc xác định ranh giới, vị trí, thu thập dữ liệu ngoài hiện trường cũng chính xác, nhanh chóng và thuận lợi hơn. Đặc biệt, SMARTmobile là ứng dụng thu thập dữ liệu tuần tra và nhập trực tiếp các thông tin bằng mô hình dữ liệu mẫu được thiết lập sẵn với nhiều trường thông tin khác nhau như: hoạt động vi phạm, vị trí phát hiện các loài động thực vật quý hiếm, vị trí phát hiện các lán vi phạm, vị trí bẫy… vào thiết bị di động thông minh. Dữ liệu tuần tra sau đó có thể được truyền trực tiếp từ điện thoại vào máy tính. Đây là công cụ hỗ trợ tích cực và nâng cao hiệu quả hoạt động tuần tra bảo vệ rừng, giám sát đa dạng sinh học. Sau các chuyến tuần tra bảo vệ rừng, kết quả, dữ liệu  tuần tra được chuyển đến phòng KHKT&HTQT. Hàng tháng, hoặc khi có yêu cầu của Lãnh đạo, Phòng KHKT&HTQT sẽ xuất tự động báo cáo kết quả tuần tra trong một khoảng thời gian cụ thể (đầy đủ các thông tin về số đợt tuần tra, khoảng cách tuần tra, số liệu vi phạm… của từng Trạm QLBVR, của từng viên chức) gửi lãnh đạo đơn vị để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, định hướng nội dung công việc trong thời gian tới.


Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý bảo vệ rừng, Ban quản lý cũng đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số trong việc quản lý hồ sơ viên chức. Trước đây, công tác quản lý hồ sơ công chức, viên chức đa phần được thực hiện thủ công dễ dẫn đến thất thoát hồ sơ và việc cập nhật và bổ sung thông tin thay đổi của viên chức sẽ mất nhiều thời gian, công sức. Hiện nay, song song với việc quản lý hồ sơ gốc của công chức, viên chức, Ban quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hoá cũng tích cực ứng dụng phần mền quản lý thông tin cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh để quản lý hồ sơ công chức, viên chức trong đơn vị. Thông qua việc sử dụng phần mềm với các trường đã được thiết lập sẵn, toàn bộ thông tin về cá nhân, gia đình, quá trình đào tạo, quá trình công tác, quá trình lương, hoàn cảnh kinh tế …của công chức, viên chức được cập nhật, lưu trữ kịp thời, đầy đủ hơn dưới dạng dữ liệu số và có thể tra cứu sử dụng một cách nhanh chóng, chính xác, giúp thực hiện nhanh các báo cáo thống kê (thống kê số lượng CCVC, thống kê lương, thống kê đến hạn nâng lương, đến hạn bổ nhiệm, đến hạn nghỉ hưu…) từ đó tham mưu tốt hơn trong công tác theo dõi, quản lý và thực hiện các chế độ chính sách đối với viên chức.


Việc ứng dụng các tiến bộ công nghệ thông tin và chuyển đổi số như hiện nay góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là công tác quản lý bảo vệ rừng cũng như hiệu quả công tác giám sát, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo đơn vị. Từ đó, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cải cách hành chính của cơ quan, của ngành nông nghiệp.


Trần Thị Kim Liễu- Ban quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hoá

Đang truy cập: 9

Hôm nay: 919

Tổng lượt truy cập: 3.533.752