Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

     Trong bối cảnh quỹ đất dành cho phát triển lâm nghiệp khó mở rộng, tỉnh Quảng Trị đang tập trung phát triển trồng rừng gỗ lớn. Đây được xác định là hướng đi mới giải quyết sinh kế, nâng cao đời sống của người dân, góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.
 

      Trồng, chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho người dân, tiết kiệm cây giống, giảm chi phí trồng, chăm sóc mà còn giảm sâu bệnh, hạn chế suy thoái đất và bảo vệ môi trường rừng.
Hàng năm tỉnh Quảng Trị trồng mới khoảng 8.500ha rừng các loại. Mục tiêu đến năm 2024, tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,8%, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng ước đạt 1.008.000 m3/năm, đạt 100,8% kế hoạch (KH 1.000.000 m3). Với mục tiêu đã xác định, tỉnh Quảng Trị đã sớm ban hành các chính sách, hỗ trợ người dân tuy nhiên vẫn còn gặp một số khó khăn.
     Sau khi có Quyết định số 774/QĐ-BNN-TCLN ngày 18/4/2014 của Bộ NN-PTNT về việc phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng suất và giá trị rừng trồng. Trong đó, có một mục tiêu quan trọng là chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn. Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã lập kế hoạch, triển khai chỉ đạo cụ thể để phát triển rừng gỗ lớn.
      Qua đó, giai đoạn 2018 - 2024 triển khai chuyển hóa rừng gỗ lớn tại một số địa phương có thế mạnh về đất rừng như: Xã Hải Phú huyện Hải Lăng, xã Triệu Thượng huyện Triệu Phong, xã Cam Thủy huyện Cam Lộ và xã Vĩnh Sơn và Vĩnh Thủy huyện Vĩnh Linh... Xây dựng mô hình rừng chuyển đổi rừng trồng gỗ nhỏ các loài cây keo tai tượng, keo lai, keo lai mô sang rừng trồng gỗ lớn với diện tích khoảng 133,5ha.
      Khi chuyển sang thành rừng trồng gỗ lớn, cây từ 10 năm trồng mới khai thác,  đạt đường kính khoảng 16 - 20cm trở lên, sản lượng gỗ đạt từ 250m3- 290m3/ha, gỗ được bán theo giá gỗ chế biến, gỗ xẻ với giá từ 1,4 - 2,4 triệu đồng/m3, tương đương 240 - 280 triệu đồng/ha/ chu kỳ kinh doanh 10 năm, lợi nhuận bình quân hơn 20 triệu đồng/năm/ha/ chu kỳ kinh doanh 10 năm, hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5 -2 lần so với trồng keo lai gỗ nhỏ với chu kỳ kinh doanh 5 năm.
      Việc trồng rừng gỗ lớn vừa giảm chi phí so với rừng trông gỗ nhỏ mà còn hạn chế được việc các doanh nghiệp thu mua ép giá, tạo được vùng nguyên liệu tập trung, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, hạn chế xói mòn đất.
      Vì vậy, cần đẩy mạnh xây dựng, phát triển rừng trồng theo hướng quản lý rừng bền vững để nâng cao giá trị. Tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi sản phẩm từ trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh Quảng Trị đã tập trung nguồn lực triển khai nhiều chương trình hỗ trợ trồng rừng sản xuất theo quy mô tập trung, hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến lâm sản.


Đặng Thị Mến - TTKN

Đang truy cập: 6

Hôm nay: 400

Tổng lượt truy cập: 3.589.074