Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đối tượng trồng rừng sản xuất chủ yếu của là cây Keo các loại chiếm trên 80% rừng sản xuất, những năm gần đây cây Keo lai là đối tượng chủ lực. Thực trạng các HTX và người dân vẫn đang trồng rừng gỗ nhỏ với chu kỳ kinh doanh 4 - 5 năm, với mật độ dày 3.000 – 5.000 cây/ha dẫn đến hiệu quả tăng trưởng gỗ thấp, nên hiệu quả kinh tế mang lại đang còn thấp (mỗi chu kỳ thu lợi nhuận 50 -70 triệu đồng/ha). Xu thế trồng rừng thâm canh gỗ lớn có chứng chỉ sẻ đưa đến hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 1,5 đến 2 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ (trên 200 triệu đồng/ha).

        Tuy nhiên người trồng rừng đang còn nhiều băn khoăn về quy trình kỹ thuật áp dụng, điều kiện thiên tai ảnh hưởng đến rừng trồng khi để chu kỳ kinh doanh dài cây sẻ dễ bị ngã đỗ khi bị mưa bão, đặc biệt hiện nay hiện tượng biến đổi khí hậu khó lường, diễn biến phức tạp và tần suất ngày càng lớn trên địa bàn tỉnh nên tạo sự e ngại của người dân trong áp dụng quy trình trồng rừng gỗ lớn nhiều năm, các chính sách của nhà nước về khuyến khích nhân rộng mô hình, theo chuỗi giá trị rừng trồng vì thế mà cũng gặp trở ngại khi đưa vào thực tiển...
Thấy được thực trạng còn khó khăn trong triển khai các chủ trương lớn của Nhà nước về việc thúc đẩy trồng rừng gỗ lớn, từ năm 2014 đến năm 2022 Trung tâm Khuyến nông với chức năng nhiệm vụ của mình đã đồng hành với bà con nông dân, các chính quyền cơ sở để tạo chuyển biến trong thực hiện.  
KẾT QUẢ CÁC NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Công tác thông tin tuyên truyền

- Đã xây dựng được 9 chuyên mục truyền hình về lĩnh vực lâm nghiệp phát trên đài phát thanh, truyền hình tỉnh Quảng Trị (bình quân mỗi năm lĩnh vực khuyến lâm xây dựng một chuyên mục truyền hình).
Nội dung chuyên mục: tuyên truyền, phổ biến các chính sách về phát triển trồng rừng thâm canh gỗ lớn, hướng dẫn quy trình trồng rừng thâm canh gỗ lớn để đưa những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các bước thực hiện cụ thể đến với người dân.
Kết quả đã phần nào chuyển tải các nội dung làm chuyển biến nhận thức để tạo sự an tâm cho người dân khi chuyển đổi phương án sản xuất.
- Viết bài cho các báo địa phương, bản tin nông nghiệp của ngành hàng năm được thực hiện với 2 – 3 bài mỗi năm, với các nội dung tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể người dân có thể áp dụng vào để thực hiện trồng rừng gỗ lớn; các điển hình về trồng rừng gỗ lớn; cách làm mới hiệu quả của những phương án sản xuất mới thông qua đó được tuyên truyền để người dân học tập và làm theo.
- Với kết quả thực hiện các mô hình đã tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết, tham quan học tập cho các chính quyền địa phương nơi triển khai mô hình, những địa phương xung quanh và người dân các địa phương trồng rừng trên địa bàn tỉnh đến để trực tiếp nắm bắt, đánh giá hiệu quả từ đó có thể học tập làm theo. Kết quả đã tổ chức được được 10 cuộc với trên 300 lượt người tham gia. 
2. Công tác đào tạo tập huấn
Trước khi triển khai trồng rừng tại các điểm trình diễn mô hình của các năm đã được cán bộ kỹ thuật Trung tâm khuyến nông Quảng Trị tổ chức tập huấn kỹ thuật lý thuyết và kết hợp thực hành bắt tay chỉ việc cho bà con nông dân thực hiện. Thông qua các lớp tập huấn đó người dân đã nắm vững kỹ thuật vào áp dụng ngay trên mô hình nên kết quả đạt được rất cao. Ngoài ra Trung tâm còn mở các lớp đào tạo cho người dân trong cộng đồng tham gia. Cụ thể:
Kết quả tập huấn cho nông dân trong mô hình, nông dân ngoài mô hình: Tổng số lớp tập huấn năm từ 2014 đến 2022 là 35 lớp tập huấn với khoảng 1.000 người được tập huấn chương trình trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng từ gỗ nhỏ sang thực hiện gỗ lớn.
3. Xây dựng các mô hình trình diễn
        3.1. Mô hình trồng Keo lai dâm hom ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng gỗ được triển khai thực hiện từ năm 2014 đến năm 2017
Với mô hình mô hình này đã lựa chọn đối tượng là các dòng Keo lai được khẳng định thích nghi tốt, có năng suất cao và chất lượng gỗ tốt đưa vào thực hiện là dòng BV32 và BV33, với quy mô 25 ha, cụ thể thực hiện tại các điểm như sau: TX Quảng Trị 5ha, Cam Lộ 5ha, Đông Hà 5ha, Vĩnh Linh 5ha, Gio Linh 5ha.
Quy trình thực hiện áp dụng trồng rừng với mật độ trồng rừng ban đầu là 1.660 cây/ha, cự ly bố trí 2 x 3m; Xữ lý thực bì ban đầu đưa vào trồng rừng không đốt, làm đất ở mức tối thiểu cục bộ theo hố trồng (không cày và ủi toàn diện) đảm bảo đúng theo quy định quy trình trồng rừng bền vững. 
- Tiến hành chăm sóc rừng trồng : Từ năm thứ nhất đến năm thứ tư tiến hành phát thực bì toàn diện và bón phân theo quy định của kỹ thuật; Đặc biệt năm thứ 2 chú ý một số biện pháp kỹ thuật như sau:  
Tỉa thân: với mục đích tạo cây đơn thân để tập trung cho cây sinh trưởng về đường kính và chiều cao. Khi cây cao từ 2m trở lên, chọn 1 thân thẳng tốt nhất để lại, còn những thân khác dùng dao, cưa hoặc kéo chặt bỏ cách gốc 1 - 2cm. Những cây phát triển nhiều ngọn cũng loại bỏ bớt chỉ để lại 1 ngọn chính, vì những điểm này thường bị hiện tượng tước thân, gãy đổ khi có gió lớn.
Tỉa cành: Mục đích để gỗ ít mắt, ít khuyết tật, tạo chiều cao dưới cành như mong muốn. Công tác tỉa cành lưu ý không tỉa quá 50% tán cây nhằm giúp cây có đủ khả năng quang hợp; không tỉa cành vào mùa mưa, vì các vết cắt sẻ dễ bị nấm bệnh xâm nhập.
Đến năm thứ 5 (cây tròn 4 tuổi), tiến hành tỉa thưa chuyển hóa rừng để lại mật độ 1.000 cây/ha. Năm thứ 7 đến năm thứ 8 tỉa thưa lần 2 chỉ để lại 500- 600caay/ha.
Nhìn chung trồng rừng gỗ lớn cây keo lai cho thấy: về tốc độ sinh trưởng phát triển nhanh, chất lượng gỗ tốt. Đảm bảo tỷ lệ cung cấp gỗ lớn trên lâm phần trên 60%. Đánh giá năng suất cụ thể tại một mô hình tại xã Cam Thủy huyện Cam Lộ trồng từ năm 2014 đến năm 2022, mật độ còn lại 900 cây/ha đạt năng suất 180m3/ha, giá trị 250 triệu/ha.
3.2. Mô hình chuyển hóa rừng keo lai, keo tai tượng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn trong giai đoạn năm 2018 đến năm 2022
Thực hiện các diện tích trồng rừng keo lai gỗ lớn đã thành công và trồng rừng kinh tế của người dân trên địa bàn, với quy mô 96,0 ha; Quy trình áp dụng, với mật độ hiện tại từ 1.660 cây/ha đến 2.000 cây/ha; Thời vụ tỉa thưa:Thời vụ tỉa thưa rừng thích hợp nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là vào mùa xuân tháng 2, tháng 3, và vào mùa thu tháng 8, tháng 9. 
Tỉa thưa lần 1 ở tuổi 4 và tuổi 5: Luỗng phát thực bì, chọn cây bài cây, tỉa thưa, cắt cành nhánh, để lại mật độ 1.000 cây/ha, chăm sóc bón phân năm thứ 4 sau khi đã tỉa thưa rừng.
Tỉa thưa lần 2 ở tuổi 7 và tuổi 8: mật độ để lại thích hợp 500 - 600 cây/ha.
Cụ thể các địa điểm thực hiện như sau: Hải Lăng 22ha, Triệu Phong 10ha, TX Quảng Trị 5ha, Cam Lộ 25ha, Đông Hà 5ha, Gio Linh 5ha, Vĩnh Linh 24ha.
Đây được xem là một bước trong quy trình trồng rừng gỗ lớn mà các chủ rừng bắt buộc phải thực hiện khi thực hiện phương án trồng rừng gỗ lớn của mình.
Hiện tại chuyển hóa rừng cây Keo lai phát triển đồng đều về đường kính và chiều cao, có xu hướng phát triển mạnh về đường kính D1.3 (đường kính D1.3  tăng 3 -4cm/năm). Vì vậy, việc chuyển hóa rừng keo lai từ gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn không chỉ giúp tiết kiệm cây giống, tiết kiệm chi phí trồng và chăm sóc, mà còn giảm sâu bệnh hại và hạn chế suy thoái đất rừng... Do đó, khi chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn cần nhìn nhận trên diện rộng, để so sánh về mặt kinh tế, xã hội và môi trường thì tin chắc rừng gỗ lớn sẽ cho hiệu quả cao hơn rõ rệt.  
3.3. Mô hình trồng rừng gỗ lớn cây Keo lai mô và Keo tai tượng giống Úc được thực hiện giai đoạn 2019 đến năm 2022
Keo lai nuôi cấy mô đưa vào thực hiện các dòng AH1, AH7 và TB1 
Keo tai tượng Úc xuất xứ Pongakii
Mật độ thực hiện: 1.660 cây/ha, cự ly bố trí 2 x 3m.
Quy trình áp dụng là quy trình trồng rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC.
Quy mô thực hiện 154,5ha
Thực hiện tại các địa phương như sau: 
Keo lai mô tại Hải Lăng 20ha, Triệu Phong 42,5ha, Cam Lộ 38ha, Gio Linh 9ha, Đông Hà 5ha.
Keo tai tượng Úc: Triệu Phong 20ha, Cam Lộ 20ha 
       Qua theo dõi chỉ tiêu kỹ thuật mô hình trồng cây Keo lai mô, Keo tai tượng gỗ lớn tại các  điểm trên chúng  tôi có một số đánh giá như sau:
- Cây keo lai mô dòng AH1, AH7,TB1,  Keo tai tượng Úc xuất xứ Pongakii là các giống mới có tốc độ sinh trưởng, phát triển nhanh, đồng đều, đến năm thứ 3 chưa thấy cây phát dục ra hoa, kéo dài thời gian sinh trưởng chiều cao và đường kính thân cây. Cây có bộ rễ cọc phát triển nên chống chịu với hạn hán, gió bão rất tốt. Năng suất tăng trưởng bình quân hàng năm của keo lai mô dòng AH1, AH7 và TB1 đạt trên 25 m3/ha/năm với chu kỳ 5 năm đầu. Tốc độ tăng trưởng so sánh với rừng Keo lai dâm hom đã thể hiện được tính sinh trưởng vượt trội trên 20% trong những năm đầu.
- Với mức giá bán các loại cây gỗ xẻ như hiện nay, lợi nhuận bình quân đạt 210 triệu đồng/ha/chu kỳ kinh doanh 10 năm, hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5 -2 lần so với trồng Keo lai gỗ nhỏ với chu kỳ kinh doanh 5 năm. Ngoài ra, kinh doanh rừng Keo lai gỗ lớn cũng giúp giảm bớt số lần khai thác, trồng lại rừng, do đó giảm xói mòn, rửa trôi đất do quá trình khai thác. Rừng keo lai gỗ lớn cũng có khả năng hấp thụ nhiều cacbon, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu.
4. Định hướng thời gian đến và giải pháp thực hiện
- Thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngủ cán bộ làm công tác khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở để từ đó cập nhật những kiến thức mới ứng dụng vào chuyển giao.
- Tăng cường các hội thảo, hội nghị sơ kết, tổng kết mô hình để có thể tuyên truyền nhân rộng kết quả thực hiện các mô hình thành công.
- Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị tiếp tục xây dựng các mô hìnhtrồng rừng gỗ lớn cây Keo lai mô và Keo tại tượng Úc, chuyển hóa rừng từ gỗ nhỏ sang thực hiện gỗ lớn để làm mô hình trực quan cho người dân đến tham quan học tập
- Chú trọng công tác giống: xây dựng vườn ươm chất lượng cao đáp ứng nguồn giống tốt cho người dân trồng rừng, vì hiện nay trên địa bàn tỉnh nguồn giống chất lượng cao Keo lai mô đang rất hạn chế. 
- Kết nối, đồng hành các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để liên kết với người dân tổ chức sản xuất rừng gỗ lớn theo chuỗi gia trị bền vững.

Phan Ngọc Đồng
Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị

Đang truy cập: 7

Hôm nay: 1632

Tổng lượt truy cập: 3.592.354