Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Là một trong những huyện nghèo của cả nước và là một huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị, Đakrông còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đối với lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, liên kết sản xuất gắn với thực hiện Chương trình OCOP, bố trí dân cư, bảo tồn và phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn, huyện đã bám sát các văn bản của Trung ương, của tỉnh, kịp thời cụ thể hóa để triển khai thực hiện.

Công tác phát triển HTX luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đến nay, trên địa bàn huyện có 09 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, có 05 HTX mới thành lập. Doanh thu bình quân năm 2023 ước đạt đạt 820 triệu đồng/HTX, lợi nhuận bình quân ước đạt 160 triệu đồng/HTX. Năng lực nội tại của các HTX còn yếu, thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn cao, công tác quản lý điều hành HTX còn nhiều lúng túng, trình độ quản lý kinh tế và nắm bắt thị trường còn nhiều hạn chế, phần lớn chưa được đào tạo. Việc xây dựng kế hoạch, phương hướng hoạt động sản xuất kinh doanh chưa phù hợp, hiệu quả thấp, chưa chủ động mở rộng dịch vụ kinh doanh theo hướng đa ngành nghề; chưa có các hình thức liên doanh, liên kết với các HTX, tổ chức, doanh nghiệp.

Chương trình OCOP cũng đã được chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các chủ thể đã được tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, triển khai chu trình OCOP thường niên và được hỗ trợ hoàn thiện/nâng cấp và tiêu chuẩn hóa sản phẩm. Huyện đã có 05 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, trong đó có 3 sản phẩm 4 sao (trà đậu đen xanh lòng hoa nhài, trà thất tiên thảo, trà trinh nữ) và 2 sản phẩm 3 sao (rượu men lá Ba Nang, Trà diệp thảo đan) với 3 chủ thể tham gia gồm 2 HTX và 01 hộ kinh doanh. Các chủ thể OCOP đã mạnh dạn, chủ động đầu tư máy móc thiết bị, ứng dụng khoa học và công nghệ, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, cải tiến mẫu mã bao bì, hình thức sản phẩm, gia tăng giá trị và nâng cao chất lượng sản phẩm góp phần nâng tầm giá trị của sản phẩm đặc sản địa phương. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền về sản phẩm OCOP còn hạn chế, người tiêu dùng chưa nhận thấy được giá trị và sự khác biệt của sản phẩm OCOP; một số chủ thể chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của Chương trình. Nguồn lực để triển khai thực hiện Chương trình còn khiêm tốn, chưa đáp ứng nhu cầu hỗ trợ phát triển sản phẩm của các chủ thể. Các sản phẩm trên địa bàn huyện chưa đa dạng, chủ yếu tập trung vào nhóm trà, chưa có ý tưởng mới, vẫn còn gặp khó khăn trong tìm kiếm, mở rộng thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững.

Ngành nghề, làng nghề nông thôn trên địa bàn huyện được quan tâm, hỗ trợ về đào tạo tập huấn (dệt thổ cẩm, làm chổi đót…), hỗ trợ một số máy móc thiết bị (rượu mem lá) và được hướng dẫn tư vấn để tham gia Chương trình OCOP. Tuy nhiên tình hình phát triển ngành nghề nông thôn và các làng nghề còn chậm, quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ, trang thiết bị còn lạc hậu, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh chưa cao. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất trong ngành nghề nông thôn còn hạn chế. Số lượng ngành nghề nông thôn còn ít, quy mô hoạt động của các cơ sở mang tính chất hộ gia đình nên chưa thực sự thu hút nguồn lao động địa phươngdo thiếu nguyên liệu, sản phẩm làm ra chưa cạnh tranh được với thị trường và chủ yếu là tiêu thụ trong vùng.

Chương trình bố trí dân cư thực hiện đối với dự án di dân khẩn cấp vùng sạt lở đất tại xã Húc Nghì với mục tiêu di dời các hộ dân ra khỏi vùng lũ quét, lũ ống, sạt lỡ đất. Đầu tư đồng bộ mạng lưới hạ tầng xã hội, hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo hướng xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện tự nhiên nhằm tạo điều kiện thuận lợi để định cư bền vững, phát triển sản xuất, ổn định đời sống vật chất và tinh thần của người dân, cải thiện nâng cao cuộc sống của đồng bào dân tộc ít người, xóa đói giảm nghèo góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và giữ an ninh chính trị, trật tự, xã hội. Tuy nhiên quá trình triển khai vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Trong thời gian tới, huyện cũng đã đặt ra một số phương hướng, nhiệm vụ để triển khai thực hiện nhằm giảm thiểu những khó khăn, thách thức trong tổ chức sản xuất và phát triển nông thôn trên địa bàn, trong đó tập trung: Tuyên truyền nâng cao nhận thức của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp để họ nhận thấy lợi ích của việc tham gia các hình thức liên kết, cùng hợp tác phát triển; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng dự án phù hợp để thụ hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nhất là chính sách hỗ trợ liên kết và thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ cao; tập trung điều hành, chỉ đạo triển khai thực hiện “chu trình thường niên OCOP” với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - xã hội và tự lực của các doanh nghiệp, các HTX, cơ sở sản xuất, sự nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ chuyên trách các cấp; ưu tiên hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn nhằm nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người nông dân; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung đối với dự án di dân khẩn cấp vùng sạt lỡ đất xã Húc Nghì nhằm cố gắng hoàn thành dự án đúng tiến độ theo quy định; kêu gọi các nhà đầu tư liên kết sản xuất tiêu thụ, cung cấp giống, vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân, đồng thời triển khai chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thực hiện phát triển kinh tế hợp tác (hợp tác xã, tổ hợp tác); hỗ trợ và tạo điều kiện cho các THT, HTX tham gia xúc tiến thương mại, hội thảo, hội chợ giới thiệu sản phẩm, hàng hóa ra thị trường, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý…

Đang truy cập: 12

Hôm nay: 2962

Tổng lượt truy cập: 3.556.635