Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, trong năm 2023, ở miền Trung thời tiết nắng nóng sẽ diễn ra từ tháng 5 đến hết tháng 8 và thời gian nắng nóng gay gắt nhất từ tháng 6 đến đầu tháng 8. Đáng chú ý, thời tiết nắng nóng gay gắt hơn và các đợt nắng nóng dự báo kéo dài hơn so với năm 2022. Các đợt nắng nóng có thể kéo dài trên 7 ngày. Nhiệt độ cao khoảng 37 - 39oC, có nơi cao hơn từ 40 - 42oC.

Nhiệt độ nước là thông số quan trọng trong quản lý chất lượng môi trường nuôi thủy sản. Nhiệt độ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của động vật thuỷ sản hoặc gián tiếp thông qua các quá trình lý hoá của thuỷ vực. Nhiệt độ cao hoặc dao động lớn sẽ gây sốc, giảm sức đề kháng của động vật thủy sản, tăng mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh, ảnh hưởng tỷ lệ sống. Nhiệt độ nước cao còn là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn virus gây bệnh phát triển.

Nắng nóng kéo dài làm nhiệt độ nước tăng lên, các chất hữu cơ tích tụ ở đáy ao sẽ phân huỷ mạnh, quá trình phân hủy chất hữu cơ không chỉ tiêu hao nhiều oxy hoà tan trong nước mà còn thải ra các khí độc ở đáy ao như: N-NH3, N-NO2 khuyếch tán vào nước gây ngộ độc cho động vật thủy sản. Mặt khác, nắng nóng trong thời gian dài tạo điều kiện cho các loại tảo trong ao phát triển mạnh làm giảm hàm lượng oxy hòa tan trong nước vào ban đêm và sáng sớm.

Để bảo vệ các đối tượng thủy sản nuôi, hạn chế thấp nhất tác động bất lợi của thời tiết nắng nóngnâng cao hiệu quả sản xuất, Chi cục Thủy sản đã ban hành văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế và UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện các nội dung sau:

1. Chủ động theo dõi, cập nhật các thông tin về diễn biến thời tiết nhất là vào mùa nắng nóng để kịp thời thông báo đến các chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản biết và có các giải pháp ứng phó.

2. Tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ vùng nuôi, cơ sở nuôi. Chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nuôi trồng thủy sản. Tổ chức nạo vét kênh, mương, khơi thông dòng chảy các công trình thủy lợi nhằm hỗ trợ, phục vụ người dân bơm nước cho hoạt động nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm.

3. Hướng dẫn, khuyến cáo các chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản thực hiện một số giải pháp sau:

Đối với nuôi tôm mặn, lợ

- Kiểm tra bờ, cống ao để tránh hiện tượng rò rỉ mất nước. Duy trì mực nước trong ao tối thiểu từ 1,2 - 1,8m để ổn định nhiệt độ nước ao nuôi. Chuẩn bị nước sạch trong ao lắng/lọc để cung cấp hoặc thay thế một phần nước ao nuôi khi cần.

- Chỉ thả giống khi điều kiện thời tiết thích hợp, thả giống với mật độ hợp lý và có biện pháp chăm sóc, quản lý đúng quy trình kỹ thuật.

- Tăng cường quạt nước vào thời điểm từ 10 - 18h để tránh sự phân tầng nhiệt, tăng cường oxy hòa tan ở tầng đáy. Quạt khí vào ban đêm từ 2h đêm đến 4h sáng để tránh thiếu oxy hòa tàn trong nước.

- Đối với ao nuôi có điều kiện, nên dùng lưới che nắng làm mái che cách mặt nước 0,8 - 1m nhằm giảm lượng nhiệt và ánh nắng tác động trực tiếp lên mặt ao nuôi.

- Cho tôm ăn vào sáng sớm và chiều mát. Giảm 30 - 40% lượng thức ăn cho tôm vào những ngày nắng nóng trên 35ºC. Ngừng cho tôm ăn ở những thời điểm môi trường nước trên 39 - 40ºC. Kiểm tra lượng thức ăn dư thừa và xi phông đáy để loại bỏ nguồn chất hữu cơ.

- Bổ sung Vitamin C, khoáng vi lượng, men tiêu hóa trộn vào thức ăn cho tôm định kỳ 2 đợt/tháng, mỗi đợt cho ăn liên tục từ 5 - 7 ngày để tăng cường sức đề kháng, giúp tôm lột xác đồng loạt và nhanh cứng vỏ.

- Hạn chế đánh bắt, san thưa và vận chuyển tôm khi thời tiết nắng nóng, trong trường hợp cần thiết nên tiến hành vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Thường xuyên quan sát màu nước ao nuôi và tôm thông qua phản xạ, màu sắc, đường ruột, gan tụy và phân. Nếu có biểu hiện bất thường cần báo ngay cán bộ kỹ thuật phụ trách để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đối với nuôi cá nước ngọt

- Duy trì mực nước trong ao trên 1,5m để hạn chế sự biến động nhiệt độ, pH nước ao nuôi.

- Thả bèo tây, bèo tấm khoảng 1/3 diện tích ao nuôi để tạo bóng mát cho cá.

- Hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng, thời điểm nắng nóng trong ngày. Khi đánh bắt và vận chuyển cá phải tiến hành vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.

- Sử dụng máy bơm nước trong những này nắng nóng để tránh hiện tượng phân tầng nước. Tăng cường máy quạt nước vào ban đêm, đặc biệt từ 2h đêm đến 4h sáng để tăng hàm lượng oxy hòa tan trong ao tránh thiếu oxy vào ban đêm và sáng sớm do tảo phát triển mạnh khi nắng nóng kéo dài.

- Nắng nóng kéo dài, nhiệt độ chênh lệch ngày đêm lớn có thể làm cá yếu, sức đề kháng giảm, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh xâm nhập và gây hại, do đó nên bổ sung Vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá với liều lượng 3 g/kg thức ăn.

- Cho ăn vào sáng sớm và chiều mát. Khi nhiệt độ nước trên 35°C thì giảm lượng thức ăn xuống còn 1/3 so với bình thường. Ngừng cho ăn ở những thời điểm môi trường nước trên 39 - 40 ºC.  

Đối với cá nuôi lồng, bè trên sông, hồ, đập

- Thường xuyên vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ và thông thoáng để lưu thông nước trong và ngoài lồng, nhằm tăng cường oxy hòa tan trong nước, giảm vật bám, chất bẩn ở trong lồng.

- Khi mực nước trên sông, hồ, đập giảm, cần hạ thấp lồng nuôi hoặc di chuyển lồng nuôi đến nơi có mực nước sâu để bảo đảm độ sâu lồng nuôi luôn ở mức 2,5 - 3m nhằm giảm sự tác động của nhiệt độ cao.

- Tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi bằng cách bổ sung Vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa, tinh dầu tỏi vào thức ăn cho cá với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Đồng thời, phòng bệnh cho cá bằng cách cho vôi bột vào túi vải treo ở các góc lồng nuôi, mỗi lồng 1 - 2 túi, mỗi túi 3 - 4 kg vôi, độ sâu treo túi vôi bằng 1/3 độ sâu mực nước trong lồng nuôi.

- Cho cá ăn vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều mát (buổi sáng cho ăn nhiều hơn buổi chiều) để cá nuôi có thể sử dụng thức ăn hiệu quả nhất. Khi nhiệt độ nước trên 35°C thì giảm lượng thức ăn xuống còn 1/3 so với bình thường. Ngừng cho ăn ở những thời điểm môi trường nước trên 39 - 40 ºC.  

Tiến hành thu tỉa khi cá nuôi đạt kích cỡ thu hoạch để giảm mật độ nuôi trong lồng. Hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng, thời điểm nắng nóng trong ngày./.

                                                                                                      Dương Văn Chinh - Chi cục Thủy sản Quảng Trị

Đang truy cập: 7

Hôm nay: 1354

Tổng lượt truy cập: 3.560.161