Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Thế giới có hai khu vực mà nhân loại sử dụng chung là bầu khí quyển và đại dương. Tuy nhiên, khi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (tiếng AnhUnited Nations Convention on Law of the Sea – UNCLOS 1982), có hiệu lực vào năm 1994, đa dạng sinh học biển không phải là một khái niệm được công nhận rộng rãi. Theo UNCLOS 1982 thì: Vùng đặc quyền kinh tế (ĐQKT) là một chế định pháp lý mới, lần đầu tiên được ghi nhận. Đây là một vùng biển đặc thù, trong đó quốc gia ven biển có những thẩm quyền riêng biệt nhằm mục đích kinh tế, tuân theo những quy định của Công ước. Điều 57 Công ước UNCLOS 1982 quy định chiều rộng vùng đặc quyền kinh tế "không được mở rộng ra quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở của lãnh hải"; Thềm lục địa là vành đai mở rộng của lãnh thổ đất cho tới mép lục địa (continental margin), hoặc 200 hải lý tính từ đường cơ sở, chọn lấy giá trị lớn hơn. Thềm lục địa của một quốc gia có thể kéo ra ngoài 200 hải lý cho đến mép tự nhiên của lục địa, nhưng không được vượt quá 350 hải lý, không được vượt ra ngoài đường đẳng sâu 2.500m một khoảng cách quá 100 hải lý. Tại đây, nước chủ có độc quyền khai thác khoáng sản và các nguyên liệu không phải sinh vật sống. Vùng biển quốc tế nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia có biển, cho nên, sẽ không chịu sự kiểm soát hoặc luật pháp của bất cứ quốc gia riêng lẻ nào. Vì vậy, cần có một khung pháp luật cập nhật để bảo vệ sinh vật biển ở vùng biển quốc tế. Vào năm 2004, Liên hợp quốc thành lập nhóm đặc biệt để thảo luận về việc bảo vệ đại dương. Đến năm 2015, tổ chức này đã thông qua nghị quyết phát triển thỏa thuận ràng buộc về đại dương và sau nhiều năm chuẩn bị, các cuộc đàm phán đã bắt đầu một cách nghiêm túc vào năm 2018.

Vùng biển quốc tế, vốn chiếm gần 2/3 diện tích đại dương trên thế giới, hiện chỉ có 1,2% được bảo vệ và chỉ 0,8% được bảo vệ ở mức độ cao. Theo Báo cáo sách đỏ về các loài thực vật, động vật công bố ngày 09/12/2022 của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế có hơn 1.550 trong tổng số 17.903 loài thực vật, động vật biển có nguy cơ tuyệt chủng (gần 10%). Thực tế này một lần nữa khẳng định tính cấp thiết của hợp tác quốc tế trong bảo vệ các loài sinh vật biển.

Sau hai tuần đàm phán tại trụ sở Liên hợp quốc (New York, Mỹ), vào tối ngày 04/3/2023, 193 nước trên thế giới đã đồng ý ký kết thỏa thuận mang tính pháp lý để bảo vệ sinh vật biển ở các vùng biển quốc tế, mang tên Thỏa thuận về đa dạng sinh học ngoài vùng tài phán quốc gia (tiếng Anh: Biodiversity Beyond National Jurisdiction - BBNJ).

BBNJ là hiệp ước quốc tế đầu tiên mang ý nghĩa vô cùng quan trọng trong nỗ lực toàn cầu để bảo vệ 30% diện tích đất và biển của thế giới vào năm 2030. Hiệp ước BBNJ ràng buộc về pháp lý nhằm bảo tồn và bảo đảm sử dụng bền vững đa dạng sinh học đại dương đã được thảo luận trong suốt 15 năm, trong đó có 4 năm đàm phán chính thức và được các nhà đàm phán của 193 nước nhất trí sau 5 vòng đàm phán kéo dài, do Liên hợp quốc chủ trì tại New York (Mỹ). Đại diện Liên hợp quốc cho biết, hiệp ước sẽ được chính thức thông qua sau khi ngôn từ được các luật sư xem xét chặt chẽ và được dịch ra 6 ngôn ngữ chính thức của Liên hợp quốc. Song các nhà hoạt động môi trường đánh giá việc các nước cùng nhất trí về hiệp ước sau thời gian dài đàm phán là “bước đột phá” trong việc bảo vệ đa dạng sinh học đại dương./.

                                                                                             Bài viết: Nguyễn Văn Hòa

                                                                           Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 332

Tổng lượt truy cập: 3.592.710