Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Một số gợi ý để lựa chọn thực phẩm an toàn

Thực phẩm là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể, nhưng nếu thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thì lại có thể là nguồn gây bệnh. Vì thế công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm giữ vị trí quan trọng trong công tác bảo vệ sức khỏe của nhân dân, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do thực phẩm.

Thực phẩm là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể, nhưng nếu thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thì lại có thể là nguồn gây bệnh. Vì thế công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm giữ vị trí quan trọng trong công tác bảo vệ sức khỏe của nhân dân, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do thực phẩm.

 

Thực phẩm là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể, nhưng nếu thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thì lại có thể là nguồn gây bệnh. Vì thế công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm giữ vị trí quan trọng trong công tác bảo vệ sức khỏe của nhân dân, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do thực phẩm.
Một số gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn có thể lựa chọn được thực phẩm an toàn cho gia đình.
1. Đối với mặt hàng rau, củ, quả, trái cây tươi nên lựa chọn các sản phẩm:
- Có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
- Hình dáng bên ngoài: Phải còn nguyên vẹn, lành lặn, không bị dập nát trầy xước, không bị thâm nhũn ở núm cuống, cần cảnh giác với loại quá “mập”, “phổng phao”, không có các vết lấm tấm hoặc vết trắng trên lá,
- Có màu sắc tự nhiên, không úa, héo (không lựa chọn loại có màu sắc bất thường). Lưu ý đối với củ, quả nên chọn các loại củ trơn nhẵn, da căng, có màu sắc  đồng nhất.
- Khi sờ - nắm: có cảm giác nặng, chắc tay
- Mùi: Không có mùi lạ. Nếu lượng hóa chất thuốc bảo vệ thực vật tồn dư nhiều sẽ ngửi thấy mùi hắc, mùi khó chịu.
2. Đối với mặt hàng thịt gia súc, gia cầm:
Chúng ta nên chọn mua những loại thịt của gia súc, gia cầm khỏe mạnh, miếng thịt săn, chắc, không chảy nước, có độ đàn hồi và bám dính tốt, trên da không có vết đỏ, tím hay nốt xuất huyết, không có mùi ôi thiu...
Đặc biệt thận trọng khi chọn các loại gia cầm làm thực phẩm. Nên chọn các loại đã được xác nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Tuyệt đối không sử dụng gia cầm và các sản phẩm của gia cầm bị ốm, chết để làm thực phẩm.
Kiên quyết không dùng các loại thịt gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc làm thực phẩm nhằm phòng tránh dịch cúm gia cầm lây sang người. Hạn chế sử dụng các loại gia cầm đã giết mổ sẵn mà không có dấu kiểm dịch vì rất khó phân biệt giữa thịt gia cầm khỏe và gia cầm bị bệnh nhưng được giết mổ sớm.
3. Với thực phẩm là hàng khô:
Một số mặt hàng khô như: măng, miếm, các loại nấm, các loại đậu, dưa món khô…Nên tránh mua hàng bị mốc, ẩm, hoặc có mùi bất thường do được bảo quản bằng hóa chất.
Một số mặt hàng thực phẩm được chế biến sẵn như: giò, chả, nem...  Khi chọn mua  loại thực phẩm này cần: biết rõ cơ sở sản xuất, chất lượng đảm bảo, không bị ôi, thiu. Nên sử dụng thực phẩm có màu tự nhiên, không quá sặc sỡ  để tránh các chất tạo màu thực phẩm  không an toàn. Đặc biệt nên lựa chọn những sản phẩm không có hàn the, được bao gói bằng là chuối, là dong và sử dụng dây buộc bằng tre, nứa…, không sử dụng bao bì ni lông để bao gói sản phẩm.
* Đối với thủy sản khô: 
Chúng ta nên lưu ý:

  • Không mua sản phẩm đã bị mốc
  • Không mua sản phẩm có màu sắc lạ
  • Nên chọn mua sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có thông tin ngày sản xuất, hạn sử dụng...

Cụ thể như:
+  Mực khô ngon thường có bụng trắng, màu hồng tự nhiên; thân thẳng, mình dày; đầu còn gắn liền và chắc vào thân mực; mùi không tanh, thân mực khô.
Tôm khô ngon sẽ có màu hồng đỏ tự nhiên; thịt săn, chắc, không có mùi nồng
+ Cá khô: có màu vàng trong và không dính ướt; có mùi tanh nhẹ, mắt cá màu trắng.
          4. Nước mắm:
Để lựa chọn nước mắm ngon, chúng ta cần căn cứ vào các đặc điểm đó là màu sắc, độ đạm, mùi vị.
+ Màu sắc: n­ước mắm chuẩn ngon sẽ có màu nâu vàng, vàng rơm hay cánh gián trong suốt, không lắng cặn, không vẩn đục (ngoại trừ các tinh thể muối);
+ Hàm lượng đạm cũng là thông tin phản ánh chất lượng của nước mắm, được thể hiện trên bao bì của sản phẩm. 
+ Mùi vị: Thông thường, nước mắm ngon sẽ mang một mùi vị thơm nhẹ, đặc trưng của nước mắm, không có mùi lạ; có vị ngọt của đạm cá thủy phân, có vị mặn, nhưng không phải mặn chát; không nhìn thấy tạp chất.
Ngoài ra, trên chai nước mắm thường có ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng, chúng ta cần chú ý để trách mua phải sản phẩm hết hạn.
5. Các loại thủy, hải sản tươi sống:  Tốt nhất chúng ta nên chọn các loại còn sống, hoặc nếu không còn sống phải được bảo quản trong đá lạnh
- Đối với cá tươi phải có miệng ngậm kín, thân cá rắn chắc, đàn hồi,  Vảy cá óng ánh, bám chặt thân cá, không có mùi hôi thối khó chịu. Mang cá màu đỏ hồng, không bị nhớt hay mùi hôi.
- Tôm tép vỏ sáng, dài và trơn láng; không bị bong lóc đầu. Nghêu sò ốc phải còn sống. Mực nang, mực ống  nên chọn loại có thịt trắng, chọn loại vừa, không quá lớn và chưa vỡ túi đen.
- Các loại thủy hải sản khác nên chọn loại còn tươi, có màu sắc bình thường, đặc biệt không có mùi ươn hôi.
Nhằm cung cấp cho thị trường những sản phẩm an toàn và rõ ràng nguồn gốc. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Để xây dựng được các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn thì các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, sản phẩm được lấy mẩu kiểm tra ban đầu phải đảm bảo an toàn. Ngoài ra, hằng năm các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra và lấy mẫu giám sát định kỳ đối với các chuỗi này.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xây dựng được nhiều chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn gồm: chuỗi thịt heo, thịt gà, trứng gà, chuỗi rau, chuỗi nước mắm, chuỗi gạo. Các sản phẩm này hiện đang được bày bán tại một số địa điểm bán sản phẩm an toàn như: Cửa hàng Nông sản sạch Triệu Phong (155 Hàm Nghi -  Thành phố Đông Hà), siêu thị Coop mart Đông Hà, nước mắm Huỳnh Kế (TT. Cửa Tùng, Vĩnh Linh), HTX. Thành Công (Chợ TT. Hồ Xá – Vĩnh Linh), Đại lý nước mắm Trần Thị Hằng (Kp2 - TT. Cửa Việt – Gio Linh).
Mỗi người tiêu dùng hãy là nhà mua sắm thông thái, tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về an toàn vệ sinh thực phẩm để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình mình.

Tác giả bài viết: Đỗ Thị Phương Thảo

Nguồn tin: Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản:

Đang truy cập: 10

Hôm nay: 641

Tổng lượt truy cập: 3.561.678