Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Nước CHXHCN Việt Nam và Nước CHDCND Lào có chung đường biên giới khoảng 2.340 km, nằm trên địa bàn 10 tỉnh Việt Nam trải dài từ tỉnh Điện Biên (phía bắc) đến Kon Tum (phía nam) và 10 tỉnh của Lào từ Phongsali (phía bắc) đến Attapu (phía nam).

Biên giới giữa Việt Nam và Lào phần lớn nằm ở vùng miền núi, chủ yếu là vùng rừng tự nhiên. Nơi đây được đánh giá là vùng có tiềm năng lớn về Lâm nghiệp và có chỉ số đa dạng sinh học cao, với nhiều loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu.

Hai nước Việt Nam và Lào đã thành lập được một số khu bảo tồn thiên nhiên (KBT), Vườn Quốc gia (VQG) dọc theo biên giới hai nước như “VQG Nam Et-Phou Louey (thuộc 3 tỉnh Houaphan, Xieng Khouang và Luang Prabang) giáp với KBT Xuân Nha (tỉnh Sơn La); KBT Nam Kading (tỉnh Bolikhamxai) với VQG Pù Mát (tỉnh Nghệ an); KBT Hin Namno (tỉnh Khăm Muộn) và VQG Phong Nha-Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình)...Việc các khu rừng đặc dụng hai nước giáp nhau đã tạo ra một vùng sinh cảnh rộng lớn, rất tốt cho công tác bảo tồn thiên nhiên. Tuy nhiên, diện tích rừng khu vực biên giới 2 nước đang có nhiều thách thức trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép gỗ và Lâm sản còn diễn biến phức tạp tại một số địa phương.

Trong giai đoạn từ 2009 đến 2023, Cục Kiểm lâm Việt Nam và Cục Thanh tra Lâm nghiệp Lào đã ký kết nhiều văn bản ghi nhớ về hợp tác trong Lâm nghiệp. Đến năm 2024, đã có 09/10 Chi cục Kiểm lâm các tỉnh của Việt Nam ký biên bản ghi nhớ về hợp tác trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo vệ động vật hoang dã với Chi cục Thanh tra Lâm nghiệp các tỉnh của Lào.

Tỉnh Quảng Trị có hơn 200 km biên giới tiếp giám với tỉnh Salavan và Savannakhet của Lào, có 02 cửa khẩu Quốc tế, 04 cửa khẩu phụ và 84 đường mòn lối mở là nơi đi lại, giao lưu, trao đổi thương mại hàng hóa giữa cư dân 02 nước. Với địa hình và hệ thống giao thông khá thuận lợi trên cả nước bạn Lào và Việt Nam, nên địa bàn này cũng là điểm tập kết, trung chuyển, buôn bán nhiều loại Lâm sản, đặc biệt là việc buôn bán động vật hoang dã.

Cộng đồng dân cư dọc hai biên giới của Quảng Trị Việt Nam và Savanakhet, Salavan của Lào phần lớn là người dân tộc Vân Kiều, vốn từ lâu đã có quan hệ gần gủi, văn hóa, phong tục tập quán giống nhau. Nhiều gia đình có quan hệ họ hàng, em là công dân Việt Nam nhưng anh ruột lại công dân Lào. Vì vậy, việc qua lại giao lưu, trao đổi văn hóa, thương mại... là hoạt động thường xuyên, trong đó có hoạt động mua bán, trao đổi Lâm sản.

Là tỉnh cuối cùng chưa hoàn thành việc ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác trong quản lý, bảo vệ rừng với nước bạn Lào và để làm sâu sắc, cụ thể hóa các nội dung của biên bản ghi nhớ đã ký giữa Cục Kiểm lâm Việt Nam và Cục Thanh tra Lâm nghiệp Lào.

Ngày 10 và 12/9/2024, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị đã ký kết biên bản ghi nhớ về Hợp tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ đông vật hoang dã với tỉnh Salavan và Savannakhet của Lào.

Việc ký kết biên bản ghi nhớ, đánh dấu mốc quan trọng trong hợp tác bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng buôn bán Lâm sản bất hợp pháp giữa các lực lượng chức năng của Tỉnh Quảng Trị, với tỉnh Salavan và Savannakhet của Lào.

Thông qua, biên bản ghi nhớ hợp tác, các hoạt động bảo vệ rừng, quản lý rừng ở khu vực biên giới được thực hiện tốt hơn, các thông tin thực trạng, tình hình buôn bán Lâm sản bất hợp pháp, các thủ đoạn vận chuyển, cất dấu...của các đối tượng được chia sẻ kịp thời, giúp cho việc đấu tranh với các hành vi vi phạm về Lâm nghiệp ngày càng hiệu quả hơn, góp phần vào việc thực hiện tốt công ước Cites của Liên hiệp Quốc về bảo vệ động, thực vật hoang dã trên thế giới./.

                                                                                                                         Nguyễn Ngọc Tuấn

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 2782

Tổng lượt truy cập: 3.556.455