Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Với thành tích thu được hơn 5.000 dây bẫy động vật rừng và 01 khẩu súng tự chế là kết quả, sự nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức của 03 đội tuần tra, tháo gỡ bẫy (CPT) “Ăn cơm nắm, đội nắng, tắm mưa, ngủ rừng” hoàn thành sứ mệnh bảo vệ sự sống cho các loài động vật hoang dã tại Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông trong một năm vừa qua.

Trước mối đe dọa nguy hiểm từ thực trạng săn bắt, bẫy động vật rừng gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái rừng tự nhiên, Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông đã không ngừng nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp tích cực bảo vệ động vật hoang dã. Được sự đồng hành, phối hợp và hỗ trợ kinh phí từ tổ chức WWF tại Việt Nam, Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông đã thành lập 03 đội tuần tra, tháo dỡ bẫy động vật rừng. Với lực lượng nồng cốt là các thành viên nhận khoán bảo vệ rừng và cán bộ Kiểm lâm tiểu khu, thực hiện sứ mệnh bảo vệ sự sống cho các loài động vật hoang dã trước các nguy cơ đe dọa như săn, bẫy, bắt… Sau hơn một năm đi vào hoạt động, các đội tuần tra đã tổ chức hơn 153 đợt, 278 ngày tuần tra, bước chân của thành viên các đội tuần tra đã in dấu trên 2.297,05 km đường rừng, phát hiện và tháo dỡ trên 5.000 bẫy động vật rừng, bắt giữ 01 khẩu súng tự chế, phá hủy 64 lán trại bất hợp pháp. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, các đội tuần tra bảo vệ rừng và tháo gỡ bẫy phải ngày đêm len lỏi dưới những cánh rừng rậm để tháo gỡ các loại dây bẫy được thợ săn giăng mắc, ngụy trang chực chờ các loài thú kiếm ăn “sa chân”, đó là còn chưa kể đến sự chống trả quyết liệt của những kẻ đi săn thú rừng, những mối hiểm họa rình rập từ rừng như vắt, muỗi rừng, các loài rắn độc, cành cây mục gãy đổ và lũ ào về bất ngờ.

Đạt được những kết quả nói trên là giá trị to lớn các đội CPT đem lại trong công tác bảo vệ rừng, bảo tồn động vật, đặc biệt mang lại môi trường sống an toàn và tốt hơn cho các loài động vật hoang dã. Nhưng để bảo quản và phát huy được những giá trị đạt được là vấn đề được quan tâm khi nhắc đến các biện pháp xữ lý số lượng lớn dây bẫy sau khi được thu gom về. Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông đã đề xuất với Ban quản lý dự án VFBC tỉnh Quảng Trị, Văn phòng dự án WWF tại Quảng Trị sử dung dây bẫy để kết thành “Đôi Sao La” phục vụ hoạt động truyền thông tại đơn vị. Nhận thấy đây là đề xuất hết sức có ý nghĩa đối với hoạt động truyền thông bảo tồn động vật hoang dã cũng như giá trị hoạt động của các đội tuần tra, tháo gỡ bẫy mang lại, Ban quản lý dự án VFBC tỉnh Quảng Trị, Văn phòng dự án WWF tại Quảng Trị thống nhất tài trợ kinh phí cho Khu bảo tồn thực hiện hoạt động này.

Để hoàn thành tác phẩm “Đôi Sao La” nghệ nhân Lê Tiến cùng cộng sự đã tích cực thực hiện hơn 30 ngày, với hơn 4.000 dây bẫy thú rừng, chủ yếu sử dụng bẫy dây để kết. Tác phẩm ngoài việc tôn vinh vẻ đẹp của loài Sao La (Được mệnh danh là "Kỳ lân châu Á”, là một trong những loài thú lớn đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới), còn mang giá trị tuyên truyền tác hại của nạn săn bắt động vật hoang dã, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân tầm quan trọng về công tác bảo tồn động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học. Các dây bẫy là công cụ nguy hiểm đe dọa sự sống của các loài động vật quý hiếm, giờ đây đã được sử dụng, hóa thành biểu tượng mạnh mẽ trong lời kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ động vật hoang dã.

                    

                                
                                                                          Ảnh: Hàng ngàn dây bẫy được thu gom sau các đợt tuần tra, tháo gỡ
           

Tác phẩm được trưng bày tại nhà Truyền thông của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, “Đôi Sao La” được kết thành từ dây bẫy động vật rừng không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, biểu tượng của sự sống còn là lời nhắc nhở về những nguy cơ mà các loài động vật hoang dã phải đối mặt và sự cần thiết của cộng đồng chung tay ngăn chặn nạn săn, bắt, bẫy động vật rừng.

Trần Thị Thu Hương- BQL KBTTN Đakrông

Đang truy cập: 10

Hôm nay: 368

Tổng lượt truy cập: 3.520.344