Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Khu BTTN Bắc Hướng Hóa với diện tích 23.456,7ha bao gồm 5 xã phía Bắc huyện Hướng Hóa; được đánh giá là khu vực có tính ĐDSH cao, nhiều vùng rừng còn nguyên sinh, ít bị tác động, độ che phủ trên 92%, nhiều kiểu sinh cảnh, kiểu thảm thực vật. Là nơi phân bố, sinh sống của nhiều loài động vật quý hiếm như Bò tót (Bos gaurus), Mang lớn (Muntiacus vuquangensis), Voọc hà tĩnh (Trachypithecus hatinhensis), Thỏ vằn (Nesolagus timinsi), Gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi), Trĩ sao (Rheinardia ocellata), Hồng hoàng (Buceros bicornis), Niệc nâu (Anorrhinus tickelli), Gà so trung bộ (Arborophila merlini)… Với mức độ đa dạng động vật cao như vậy thì công việc tuần tra, ngăn chặn tình trạng người dân bẫy bắt động vật hoang dã ở khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hoá là hết sức quan trọng và luôn được Ban quản lý quan tâm.
Hàng năm, BQL khu BTTN Bắc Hướng Hóa xây dựng phương án Quản lý bảo vệ rừng, trên cơ sở phương án đã được phê duyệt và với kinh nghiệm hiện trường các Trạm bảo vệ rừng xác định vùng trọng điểm bẫy bắt, đối tượng, thời điểm để xây dựng kế hoạch triển khai tuần tra, bảo vệ rừng và tháo gỡ bẫy động vật. Trong 8 tháng đầu năm 2023, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng ban quản lý đã chủ động, phối hợp với các đơn vị liên quan đóng quân trên địa bàn tổ chức 346 đợt tuần tra rừng, tháo gỡ bẫy động vật (trong đó: tuần tra thường xuyên 322 đợt với 1.027 lượt người tham gia; Tuần tra dài ngày 24 đợt với140 lượt người tham gia). Qua các đợt tuần tra, đơn vị đã tháo gỡ, phá hủy 192 bẫy động vật rừng. Bẫy được tháo gỡ chủ yếu là loại bẫy thòng lọng được làm bằng dây cáp tự chế, hoặc dây phanh xe máy, xe đạp và bẫy kẹp bằng kim loại. Nhờ vào sự chủ động tuần tra, nắm bắt thông tin trên địa bàn và triển khai tháo gỡ bẫy kịp thời nên trên các tuyến không phát hiện tình trạng động vật hoang dã dính bẫy.
Để làm tốt và hạn chế triệt để tình trạng người dân vào rừng săn, bắt động vật hoang dã ngoài những nỗ lực tuần tra, tháo gỡ bẫy thì công tác tuyên truyền vận động người dân luôn được đơn vị quan tâm, triển khai thường xuyên thông qua các hội nghị tuyên truyền, họp thôn, tuyên truyền lưu động, pa nô, áp phích. Ban quản lý cũng đã chỉ đạo lực lượng nhận khoán lập chốt BVR và trực chốt chặn tại 14 khu vực trọng điểm nhằm kiểm soát và đẩy đuổi các đối tượng vào rừng trái phép. Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau mà so với cùng kỳ năm 2022 số lượng bẫy động vật giảm đáng kể, các dây bẫy chủ yếu là mới được đặt và không phát hiện tình trạng mắc bẫy (cùng kỳ năm 2022 số bẫy được tháo là 270 bẫy, số lượng năm 2023 giảm gần 1/3 so với năm 2022).
Xác định những tháng cuối năm là thời điểm thuận lợi, thời gian phát triển của động vật, thời điểm nông nhàn nên mức độ đe dọa từ nguy cơ bẫy bắt động vật hoang dã là rất lớn. Nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng người dân vào rừng đặt bẫy, quyết tâm không để động vật hoang dã dính mắc bẫy. Ban quản lý tiếp tục đẩy mạnh công tác tuần tra tháo gỡ bẫy động vật, phối hợp các chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan trên địa bàn tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân, tăng cường công tác chốt chặn, đẩy đuổi người vào rừng trái phép.


                                                                                                                                                          Bài và Ảnh: Nguyễn Tân Hiếu

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 1432

Tổng lượt truy cập: 3.560.239