Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCCCR, hạn chế tối đa cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia trong năm 2023 các tháng nửa đầu năm, nền nhiệt độ có xu hướng xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, các tháng nửa cuối năm nhiệt độ có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm. Dự báo nắng nóng ở mức nhiều hơn và gay gắt hơn năm 2022. Các đợt nắng nóng chủ yếu tập trung từ tháng 4 đến tháng 8 tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ. Nhằm ứng phó và ngăn chặn tình trạng cháy rừng, bảo vệ tài nguyên rừng, bước vào mùa khô năm 2023, Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCCCR, hạn chế tối đa cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra.

          Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn có tổng diện tích tự nhiên 7.713,70, thuộc địa bàn xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong; xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị; xã Hải Lâm, Hải Sơn huyện Hải Lăng. Trong thời gian vừa qua , thời tiết đang chuyển sang mùa khô, các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài bắt đầu xuất hiện, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Vì vậy, để chủ động phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) ngay từ đầu năm trên cơ sở phương án quản lý bảo vệ rừng, PCCCR được phê duyệt, BQL đã kiện toàn Ban chỉ huy bảo vệ rừng, PCCCR, phân công nhiệm vụ và lịch trực cụ thể đối với từng thành viên để chỉ đạo thực hiện; chỉ đạo cán bộ phụ trách QLBVR, các Trạm và các tổ nhận khoán bảo vệ rừng triển khai thực hiện tốt các nội dung trong phương án đề ra. Trong những tháng nắng nóng bố trí lực lượng túc trực tại chòi canh lửa 24/24 giờ để sớm phát hiện lửa rừng khi có cháy rừng xảy ra. Tổ chức ký kết quy chế phối kết hợp với các cơ quan chức năng (Kiểm lâm các Huyện, Thị), chính quyền địa phương (UBND các xã có rừng phòng hộ trên địa bàn), Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Triệu Hải để thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR trên địa bàn.

          Với phương châm “Phòng cháy hơn chữa cháy” BQL thường xuyên tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức PCCCR bằng nhiều hình thức khác nhau như tổ chức phối hợp UBND các xã, các Hạt kiểm lâm, trạm kiểm lâm thực hiện tuyên truyền lưu động tại các xã có rừng phòng hộ trên địa bàn để người dân biết được sự nguy hiểm cũng như hậu quả nghiêm trọng của việc cháy rừng, ý nghĩa của công tác PCCCR.

          Bên cạnh đó nâng cao vai trò, trách nhiệm; sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác ứng phó với tình huống cháy rừng và thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ trong PCCCR. BQL xác định PCCCR là việc làm vô cùng quan trọng, nhất là trong mùa hanh khô.

          Nhằm thực hiện hiệu quả công tác chữa cháy rừng và sẵn sàng kịp thời tham gia chữa cháy rừng BQL đã thực hiện mua sắm, bổ sung một số dụng cụ chữa cháy rừng chuyên dụng, đồng thời kiểm tra, bảo dưỡng các phương tiện, dụng cụ chữa cháy được trang bị. Đặc biệt, trong thời gian cao điểm nắng nóng, xuyên cập nhật thông tin cảnh báo cháy rừng và bảo đảm trực 100% quân số tại 02 trạm quản lý bảo vệ rừng Nam và Bắc sông Thạch Hãn. Xác định rõ các vùng trọng điểm cháy rừng và chủ động bố trí lực lượng canh lửa tại các khu vực này vào thời gian cao điểm cháy rừng, phối hợp thực hiện tuần tra, canh gác lửa rừng tại chòi canh, các điểm dễ quan sát, khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao để quan sát lửa rừng và kịp thời phát hiện, dập tắt các điểm lửa; quản lý chặt chẽ nguồn lửa trong mùa khô, kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và ven rừng… Tuy nhiên, thời tiết hanh khô còn kéo dài, vì vậy, công tác PCCCR cần tiếp tục được triển khai đồng bộ, liên tục và không được lơ là, chủ quan.

          Năm 2023, Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn cùng toàn thể các ban, ngành, địa phương, nhân dân tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy với tinh thần cao nhất nhằm hạn chế các vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 688

Tổng lượt truy cập: 3.595.240