Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Thời điểm này, người dân một số xã ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) đang bước vào vụ thu hoạch quả Trẩu. Những năm trở lại đây, nhận thấy cây Trẩu có nhiều ưu điểm về khả năng sinh trưởng và cho nguồn thu nhập đáng kể, nhiều gia đình đã quyết định mở rộng diện tích trồng thay vì chỉ thu hái từ rừng như trước đây.

     Cây Trẩu hay còn có những tên gọi khác là Trẩu nhăn, Trẩu cao, Trẩu ba hạt, Mộc du đồng (có tên khoa học Aleurites montara willd) thuộc họ Thầu dầu. Cây Trẩu có chiều cao trung bình từ 05 – 15m, thân nhẵn, không có lông và có nhựa mủ màu trắng. Hình thái của lá Trẩu khá đa dạng, khi thì xẻ nông, khi thì nguyên có phiến hình tim, khi thì có thùy sâu. Mặt lá dưới mờ, màu nhạt hơn, mặt trên màu sẫm. Hoa trẩu đơn tính, sắc màu trắng, ở giữa ngã màu hung đỏ tía. Hoa thường mọc thành chùm, khá thơm. Cây bắt đầu ra hoa ở tuổi 4 – 5; và mùa hoa thường vào tháng 3 đến tháng 5. Trái Trẩu hình trứng, hơi nhọn đằng chỏm, và tròn đằng cuống, lớn chừng 5 cm. Vỏ nhăn nheo, có lông tơ; ở mặt vỏ có những rãnh dọc ngang. Trái trẩu thường chia thành 3 múi; khi quả Trẩu chín thì trái ngả sang màu vàng. Mỗi trái thường có ba hạt. Hạt trẩu thì hình bầu dục, sần sùi, dài chừng 25 mm, rộng khoảng 20 mm. Mùa quả chín thường là tháng 9 đến tháng 10. Trong hạt Trẩu thì nhân chiếm khoảng 50 – 70% trọng lượng hạt và hàm lượng dầu trong nhân khá cao (46-65%), chính vì vậy dầu Trẩu được ứng dụng nhiều trong công nghiệp như làm sơn cao cấp (sơn ô tô, máy bay, tàu thuyền), sơn cách điện, cách nhiệt, chất dẻo, cao su nhân tạo, xà phòng, vãi sơn, vãi dầu, sơn mĩ thuật, mực in…Khô dầu dùng làm phân bón hoặc thức ắn cho gia súc sau khi đã khử các độc tố. Vỏ quả có thể dùng làm than hoạt tính.

     Ở nước ta, cây phân bố tương đối rộng rãi từ các tỉnh miền núi phía bắc cho đến các tỉnh Bắc Trung bộ. Tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị thì cây Trẩu rất thích hợp với điều kiện khí hậu và đất đai ở đây, nhất là tại khu vực rừng thuộc xã Hướng Phùng, Tân Thành, huyện Hướng Hóa, nó không chỉ là loài cây bản địa tạo sinh kế cho người dân sống tại địa phương mà còn có chức năng phòng hộ.

Ảnh: Người dân thu hạt Trẩu

      Từ giá trị kinh tế và đặc tính thích nghi thì từ năm 1996, Ban QLRPH Hướng Hóa - Đakrông đã đưa cây Trẩu vào trồng cho đến nay và được xem là một trong những cây trồng phụ trợ đa mục đích. Ban QLRPH Hướng Hóa - Đakrông hiện nay có khoảng 2500 ha rừng có Trẩu, trong đó có khoảng 2000 ha đã cho thu hoạch, sản lượng hàng năm vào khoảng 1200 tấn, ngoài ra cây Trẩu do người dân trồng tại các địa phương có sản lượng ước tính khoảng trên 300 tấn, như vậy mỗi năm sản lượng hạt Trẩu trên địa bàn huyện Hướng Hóa vào khoảng trên 1500 tấn. Thực tế cho thấy giá Trẩu dao động trong khoảng từ 8.000 đồng – 14.000 đồng/kg. 

      Đến mùa thu hái Trẩu các cán bộ Bảo vệ rừng của Ban QLRPH Hướng Hóa- Đakrông thường xuyên đến tận hiện trường tuyên truyền, nhắc nhở bà con hái những quả Trẩu đã rụng xuống vừa đảm bảo năng suất chất lượng, vừa ko ảnh hưởng đến cây trồng. Đồng thời tuyên truyền bà con không được chặt cây bẻ cành để cho cây phát triển tốt nhằm đảm bảo chức năng phòng hộ cũng như cho người dân tiếp tục thu hái ở những năm tiếp theo.

NGUYỄN VIẾT LANH - TRẠM QLBVR HƯỚNG PHÙNG

Đang truy cập: 6

Hôm nay: 319

Tổng lượt truy cập: 3.595.769