Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Được thành lập vào ngày 5-7-2002, đến nay Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên (BQL Khu BTTN) Đakrông (địa chỉ tại Km 10, thôn Trại Cá, xã Tà Long, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) đã bước sang tuổi 20. Từ những ngày đầu thành lập với bộn bề khó khăn, biên chế, cơ sở vật chất thiếu thốn đủ bề, đến nay đơn vị đã không ngừng đổi thay, phát triển, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo được nâng cao rõ rệt và đạt được nhiều thành tích đáng kế. 20 năm qua, nhiều thế hệ công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị đã đem sức lực, trí tuệ đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh, của ngành.

 

BQL Khu BTTN Đakrông là đơn vị sự nghiệp công lập có tư cách pháp nhân, trực thuộc quản lý của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị. Đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trên diện tích 37.666,01 ha, nằm trên địa giới hành chính của 7 xã: Triệu Nguyên, Ba Lòng, Đakrông, Tà Long, Húc Nghì, Ba Nang, A Bung của huyện Đakrông. Ngoài ra, đơn vị đang được giao quản lý thêm Khu bảo vệ cảnh quan đường Hồ Chí Minh huyền thoại với diện tích tự nhiên 5.237,4 ha.

Những năm qua, nhiệm vụ mà BQL Khu BTTN Đakrông đặt lên hàng đầu là công tác tuyên truyền, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Trên địa bàn, có hơn 90% dân số trong vùng đệm là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp, việc mưu sinh dựa nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, vì thế, ít nhiều gây áp lực lên công tác bảo vệ rừng. Trong 20 năm qua, đơn vị đã tổ chức trên 500 lượt họp thôn để tuyên truyền và tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng cho 4.470 lượt người; tổ chức trên 50 đợt tuyên truyền lưu động, cấp phát hơn 5.000 ấn phẩm, trên 10.600 áp phích có nội dung tuyên truyền về bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức và nội dung phong phú, nên ý thức của người dân về công tác bảo vệ rừng, nhận thức về hoạt động bảo tồn ngày càng được nâng lên rõ rệt, mức độ vi phạm pháp luật bảo vệ rừng của cộng đồng dân cư trên địa bàn ngày càng giảm.

Trong 20 năm qua, đơn vị đã tổ chức được trên 1500 đợt tuần tra truy quét với hơn 8.200 lượt người tham gia, tháo gỡ trên 100 lán trại, 4.000 bẫy thú các loại đặt trái phép trong rừng. Đơn vị cũng đã phát hiện và lập biên bản hơn 380 vụ vi phạm lâm luật, khối lượng lâm sản bắt giữ 732,552 m3 gỗ quy tròn các loại. Nhờ thực hiện tốt công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng nên tình hình xâm hại tài nguyên rừng có quy mô, tính chất nghiêm trọng trong nhiều năm qua không còn xảy ra, độ che phủ rừng từ 78,5% vào năm 2001 thì đến năm 2022 đã tăng lên 92%.

Thời gian qua, để phục hồi tốt các diện tích đất trống đồi núi trọc, BQL Khu BTTN Đakrông đã tranh thủ các nguồn vốn để thực hiện việc trồng và chăm sóc rừng. Cho đến nay, diện tích rừng trồng mới, chăm sóc rừng đặc dụng phát triển lên gần 1.000 ha, gồm các loại Sao đen, Lim xanh, Trẩu… Bên cạnh đó, công tác khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng có trồng bổ sung đạt gần 37 ha. Qua kiểm tra nhận thấy các loài cây bản địa được trồng có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, nhờ vậy chất lượng và độ che phủ rừng không ngừng tăng lên.

Cùng với việc bảo vệ, phát triển rừng, chương trình nghiên cứu khoa học cũng được BQL Khu BTTN Đakrông chú trọng. Từ khi thành lập đến nay, đơn vị đã thực hiện, phối hợp với các tổ chức khoa học trong và ngoài nước tham gia vào các công trình nghiên cứu khoa học trong lâm phần quản lý. Đơn cử một số đề tài như điều tra cây dược liệu tại khu vực Ba Lòng, Triệu Nguyên, Hải Phúc; xây dựng vườn dược liệu với diện tích 2.400m2; từ năm 2008-2010, tổ chức thực hiện điều tra linh trưởng ở các tiểu khu thuộc các xã Tà Long, Húc Nghì, Ba Lòng, vùng giáp ranh với Khu bảo tồn Phong Điền và ghi nhận 27 đàn với 47 cá thể Vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys); trong năm 2011 tiến hành điều tra theo dõi đàn khỉ ở khu vực núi đá vôi trong phân khu dịch vụ hành chính thuộc Khu BTTN Đakrông; năm 2012 đến 2015 đã thực hiện đề tài: Điều tra loài gà lôi lam mào trắng (Luphura edwardsi) ở khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông; Điều tra phân bố các loài thực vật quý hiếm hiện có ở khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông ( 2013-2015); Điều tra sự phân bố và khả năng tái sinh của cây Lim xanh (Erythrophloeum Fordii) làm cơ sở đề xuất các giải pháp phục hồi trong khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, tỉnh Quảng Trị (2018-2019); Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp quản lý, sử dụng, phát triển bền vững Lâm sản ngoài gỗ tại khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông (2019); Điều tra, đánh giá hiện trạng phân bố và giải pháp bảo tồn loài Vượn má vàng trung bộ (Nomacus annamensis) tại khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông (2021)…Có thể thấy rằng, hoạt động nghiên cứu khoa học đã và đang góp phần không nhỏ trong công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học của khu bảo tồn. Nhờ những kết quả nghiên cứu đó đã giúp Ban quản lý đề ra được những giải pháp, phương án tối ưu nhất trong việc gìn giữ và bảo tồn đa dạng sinh học của khu bảo tồn, nâng cao cũng như phát triển những giá trị hiện có để xây dựng một hệ sinh thái đa dạng, bền vững…Ngoài ra, Qua quá trình nghiên cứu, đã bổ sung thêm nhiều loài vào danh lục động, thực vật trong khu bảo tồn, như thực vật từ 597 loài lên 1.452 loài, động vật như thú 45 loài lên 91 loài; chim từ 173 lên 193 loài; lưỡng cư bò sát từ 44 lên 49 loài…

Để giới thiệu về giá trị tài nguyên thiên nhiên cũng như tiềm năng du lịch sinh thái trong lâm phần quản lý, thời gian qua, BQL Khu BTTN Đakrông cũng đã thiết kế nhiều tờ rơi, áp phích, phóng sự nhằm quảng bá. Hiện tại, ở Khu bảo tồn đã có 1 tuyến đưa vào sử dụng phục vụ du khách là tuyến hang động với chiều dài 2,5km. Trung bình địa điểm này thu hút khoảng 200-300 lượt người/năm, trong đó chủ yếu là khách đi về trong ngày, số lượng khách lưu lại qua đêm rất ít. Tuy nhiên, các hoạt động du lịch ở đây đang còn mang tính tự phát, đơn vị vẫn chưa tổ chức thành các tour du lịch để bán vé tham quan.

Đặc biệt, để giúp người dân sống gần rừng có thêm thu nhập, cải thiện đời sống, trong những năm qua đơn vị cũng đã bố trí cán bộ hướng dẫn, xây dựng, hỗ trợ các mô hình phát triển sinh kế như mô hình trồng tre lấy măng, trồng cây ăn quả, nuôi lợn Vân-pa, nuôi dúi… Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với chính quyền địa phương các xã Ba Lòng, Tà Long, Húc Nghì xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng của hệ thống nhà cộng đồng. Bên cạnh đó, còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động xã hội khác như đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa, ngày vì người nghèo, ủng hộ đồng bào bị bão lụt…

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức nhưng tập thể Ban quản lý Khu bảo tồn Đakrông đã cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, đảm bảo được độ che phủ rừng và đa dạng sinh học trong khu bảo tồn. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phát huy những thế manh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót để phát huy vai trò quản lý, bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh, đáp ứng các điều kiện để nâng hạng BQL Khu BTTN Đakrông lên Vườn Quốc gia Đakrông giai đoạn 2021-2025 theo định hướng của tỉnh.

Tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết bảo vệ rừng

Điều tra thực vật rừng tại Khu BTTN Đakông

Đặt máy bẫy ảnh điều tra động vật rừng

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 583

Tổng lượt truy cập: 3.561.620