Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Phù hợp với những ao nuôi thấp triều, mức đầu tư thấp, ít dịch bệnh, hiệu quả kinh tế ổn định… Đó là một số kết quả tích cực mà mô hình nuôi xen ghép mang lại. Thực tế thời gian qua cho thấy, việc triển khai mô hình này đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nuôi, tăng hiệu quả kinh tế và hướng tới nghề nuôi bền vững. 
 

          Sau hơn 5 năm kể từ khi những mô hình nuôi xen ghép đầu tiên được triển khai thực hiện, đến nay đã có một sự chuyển biến rỏ rệt diện tích nuôi và diện tích ao nuôi tôm kém hiệu quả bị bỏ hoang ngày càng thu hẹp nhờ thay đổi phương thức nuôi và đối tượng nuôi. Hiện nay toàn tỉnh đã có gần 200ha nuôi tôm xen ghép với các đối tượng cá và cua. Đây là một trong những chuyển biến tích cực mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi tôm. Ông Nguyễn Sản ở xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề nuôi tôm trong ao đất truyền thống. Tuy nhiên, qua một thời gian, môi trường ao nuôi bi ô nhiễm, dịch bệnh bùng phát nên hiệu quả kinh tế giảm, thậm chí có nhiều năm bị  thua lỗ. Năm 2020, ông đăng kí tham gia thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ kết hợp cá đối mục và cua trong ao do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai. Ông Sản cho biết, với diện tích ao nuôi 4.000 m2 ông thả nuôi 6 vạn con tôm giống và 2.000 con cua giống, tương đương mật độ 15 con/m2 đối với tôm và 0,5 con/m2 đối với cua. Sau gần 15 ngày, ông thả nuôi tiếp 4.000 con cá đối mục, mật độ 1 con/m2. Sau gần hơn 3 tháng nuôi đối với tôm và cua, 5 tháng nuôi đối với cá đối mục, ông thu được hơn 600 kg tôm thương phẩm, 310 kg cá đối và 150 cua. Trừ chi phí ông lãi trên 67 triệu đồng. “Khi nuôi xen ghép cá đối mục và cua biển, con tôm phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh như trước. Đây thực sự là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, nhất là đối với những vùng nuôi thấp triều như của tôi. Từ thành công của mô hình nuôi thử nghiệm do Trung tâm KN tỉnh hỗ trợ, đến nay tôi đã chuyển toàn bộ diện tích nuôi tôm còn lại của mình sang nuôi xen ghép”, ông Sản cho biết thêm. 
           Tại xã Gio Mai, ông Trương Hữu Anh đầu tư nuôi ghép tôm sú, cua, cá đối, và tôm thẻ, cua và cá dìa trên 6 ao nuôi có diện tích gần 2 ha từ năm 2020 đến nay. Theo ông Anh, ưu điểm của nuôi xen ghép là các loại thủy sản trong ao nuôi sẽ phân tầng tận dụng được thức ăn, chất thải của nhau và sử dụng hết thức ăn trong ao sau mỗi lần cho ăn. Từ đó không chỉ giảm chi phí thức ăn mà còn giảm thiểu ô nhiễm từ nguồn thức ăn dư thừa dưới đáy ao. Ông Anh cho biết, do thả nuôi với mật độ vừa phải nên sau 3 tháng nuôi ông có thể bắt đầu thu tỉa để bán cho thương lái và thu toàn bộ trước mùa mưa bão. 
           Với địa phương đi đầu trong nuôi tôm xen ghép bà Trương Thị Kim Cúc Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Phước thông tin, xã Triệu Phước là một trong những xã có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn của huyện Triệu Phong. Để tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản, ngoài các biện pháp như quy hoạch lại các vùng nuôi, tăng cường phổ biến kỹ thuật canh tác, ban hành lịch thời vụ hợp lý cho từng đối tượng, phòng chống dịch bệnh... thì đa dạng hóa đối tượng nuôi là điều cần thiết đểphát triển nuôi trồng thủy sản một cách bền vững. Theo đó, từ những ao nuôi thử nghiệm đầu tiên do Trung tâm KN tỉnh thực hiện, đến nay, trong tổng số 236 ha diện tích ao nuôi toàn xã đã có hơn 100 ha được người dân thả nuôi theo hình thức xen ghép. Các đối tượng nuôi chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá dìa, cá đối, cá nâu… Theo bà Cúc, mặc dù hiệu quả kinh tế của nuôi xen ghép không cao bằng nuôi độc canh con tôm nhưng ít rủi ro hơn, mang lại thu nhập cho người nuôi ổn định hơn. Đặc biệt, nếu trong quá trình nuôi phát sinh dịch bệnh trên con tôm thì người nuôi vẫn có thể có thu hoạch các đối tượng còn lại, đây là ưu điểmcủa hình thức nuôi xen ghép so với nuôi chuyên canh con tôm. “Với nuôi xen ghép, chỉ sau khoảng 2 tháng thả giống là đã cho thu hoạch theo hình thức thu tỉa, bình quân mỗi ao nuôi từ 4 - 5 kg tôm, cua/ngày và cho thu hoạch liên tục trong 2 - 3 tháng. Với giá bán hiện nay, trừ chi phí người nuôi có thu nhập từ 500.000 - 600.000 đồng/ngày”, bà Cúc chia sẻ.
         Nhằm khôi phục lại một số diện tích nuôi tôm kém hiệu quả, đa dạng đối tượng nuôi và tăng hiệu quả kinhtế trên đơn vị diện tích theo hướng an toàn và bền vững. Trong những năm qua, Trung tâm KN tỉnh đã triển khai một số mô hình trình diễn các quy trình nuôi mới như: nuôi xen ghép tôm, cua; luân canh tôm, rong câu; nuôi xen ghép tôm, cá đối và cua; nuôi xen ghép tôm, cá dìa và cua… tại các vùng nuôi tôm thấp triều, kém hiệu quả và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo Phó Giám đốc Trung tâm KN tỉnh Phan Văn Phương, việc nuôi kết hợp, xen ghép nhiều đối tượng trên cùng một đơn vị diện tích, nuôi luân canh các đối tượng khác nhau theo mùa vụ trong năm nhằm tận dụng những đặc điểm sinh học của các đối tượng đó để hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất. Trong hình thức nuôi xen ghép, việc kết hợp các đối tượng nuôi có đặc tính hỗ trợ lẫn nhau đã tận dụng hết thức ăn từ tầng mặt, tầng giữa đến tầng đáy, hạn chế sử dụng các loại thuốc xử lý môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế theo hướng sản xuất bền vững. Những mô hình này khi triển khai ra thực tế người dân đều dễ thực hiện, không đòi hỏi đầu tư vốn quá lớn, kỹ thuật lại đơn giản dễ áp dụng. Hình thức nuôi này đã nâng cao hiệu quả của việc sử dụng đất, duy trì tính ổn định của vùng nuôi, tạo hướng đi mới cho nghề nuôi thủy sản, tạo cho người dân ý thức về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. “Điểm đáng lưu ý của hình thức nuôi này là phải đúng thời điểm mùa vụ, nuôi đúng yêu cầu kỹ thuật từ khâu chọn giống, phòng bệnh đến chăm sóc. Đồng thời, người nuôi cần tìm hiểu đặc điểm, điều kiện tự nhiên của từng vùng để kết hợp đối tượng nuôi trồng cho phù hợp”, ông Phương nhấn mạnh.

Trương Thị Quyết - TTKN

Đang truy cập: 9

Hôm nay: 279

Tổng lượt truy cập: 3.592.657