Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Tết Nguyên đán là dịp nhu cầu về thực phẩm và các loại hàng hóa tăng cao đột biến, các loại thực phẩm nông lâm thuỷ sản luôn thu hút số lượng lớn người tiêu dùng sử dụng trong mỗi dịp Tết đến xuân về. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người tiêu dùng, càng gần Tết hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng tăng theo, nguy cơ thực phẩm giả, kém chất lượng, không đảm bảo an toàn được sản xuất, kinh doanh từ các cơ sở hoạt động mùa vụ, nhỏ lẽ, không được chứng nhận và quản lý về an toàn thực rất hiện hữu. Do đó tăng cường quản lý về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán là việc làm hết sức cần thiết.

Với mục tiêu đảm bảo sức khoẻ cho nhân dân vui xuân đón tết, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân 2023, đồng thời thực hiện sự phân công của Ban chỉ đạo liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tại Kế hoạch số 86/KH-BCĐLNVSATTP ngày 14 tháng 12 năm 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Kế hoạch số 3014/KH-SNN ngày 19/12/2022 chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thuộc sở triển khai các giải pháp tăng cường kiểm soát và bảo đảm an toàn thực phẩm trước, trong, sau Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân 2023 với những nội dung như sau:

Hoạt động thông tin tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức với nội dung phong phú, đa dạng như xây dựng phóng sự, treo băng rôn, tuyên truyền trên loa phát thanh các vùng trọng điểm, đưa tin về các công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Nội dung tuyên truyền trọng tâm là hướng dẫn các cơ sở thực hiện các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản; không sử dụng chất cấm, hóa chất độc hại, không rõ nguồn gốc xuất xứ, ngoài danh mục, không đúng đối tượng và liều lượng cũng như cách thức sử dụng. Đồng thời giới thiệu, hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn các sản phẩm an toàn.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm. Việc thanh tra, kiểm tra thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông lâm thủy sản phục vụ Tết Nguyên đán như thịt, giò chả, rau củ quả, thủy sản, cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản. Chú trọng kiểm soát các đầu mối sản xuất, nhập khẩu, các cơ sở sản xuất, kinh doanh số lượng lớn. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thuỷ sản, kiểm tra việc sử dụng phụ gia trong thực phẩm của cơ sở sản xuất, chế biến, nguồn gốc xuất xứ, thông tin nhãn mác. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an toàn thực phảm theo quy định.

Đẩy mạnh thực hiện lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm, trong đó tập trung lấy mẫu giám sát các loại thực phẩm nông lâm thuỷ sản được sử dụng nhiều trong dịp Tết như thịt, giò chả, rau củ quả, trái cây, thuỷ sản và các sản phẩm chế biến để kiểm tra tồn dư vi sinh vật, hóa chất cấm: Kiểm tra chất tạo nạc trong thịt; hàn the, vi sinh trong giò chả; thuốc bảo vệ thực vật, chất tẩy trắng sunfit trong rau, củ quả; focmol, ure, hàn the, kháng sinh trong thịt, thủy sản và các chất bảo quản trong sản phẩm chế biến.

 Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản chủ trì phối hợp với các đơn vị liên ngành như Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Cục Quản lý thị trường, Sở Công thương, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, UBMT Tổ Quốc Việt Nam tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về đảm bảo an toàn thực phẩm kiểm tra tại địa bàn các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng và Triệu Phong. Ngoài ra, trong dịp Tết Nguyên đán 2023, các đơn vị chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT cũng thành lập các đoàn thanh tra chuyên ngành về đảm bảo an toàn thực phẩm, tiến hành thanh tra kiểm tra việc chấp hành các quy định của Pháp luật về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ; kinh doanh rau, củ, quả; nuôi trồng, khai thác, kinh doanh thủy sản; sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm.

Ngoài ra, thực hiện Chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Trị về việc việc ngăn chặn, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép trâu bò qua biên giới, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường kiểm soát, ngăn chặn, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép trâu bò qua biên giới ngăn chặn có hiệu quả việc sử dụng các loại chất cấm trong chăn nuôi. Tổ chức lấy mẫu thịt trâu, bò không rõ nguồn gốc để giám sát, kiểm tra chất cấm kích thích tăng trưởng nhóm Beta agonist (Sabutamol và Clenbuterol) trong sản phẩm thịt gây mất an toàn thực phẩm tại các cơ sở giết mổ động vật, các chợ và các cơ sở kinh doanh sản phẩm động vật.

Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, để đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho gia đình, vui xuân, đón Tết mỗi người tiêu dùng, hãy là người tiêu dùng thông thái, tự trang bị các kiến thức và quan tâm đến vấn đề lựa chọn, sử dụng thực phẩm đảm bảo an toàn.

Lê Quang Biên – Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2075

Tổng lượt truy cập: 3.560.882