Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến quá trình phát triển kinh tế xã hội. Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, các tổ chức trong nước và nước ngoài đã ưu tiên hỗ trợ cho tỉnh Quảng Trị triển khai nhiều giải pháp phi công trình và công trình hạ tầng phòng, chống thiên tai nhằm nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai trên địa bàn.

Hình ảnh: Bản đồ vị trí các trạm quan trắc KTTV tự động, cảnh báo thiên tai tự động được lắp đặt trên địa bàn tỉnh

Tuy nhiên trong điều kiện nguồn lực còn nhiều khó khăn nên chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn; cùng với đó, hiện nay biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng cực đoan và khó lường, xảy ra trên diện rộng, đòi hỏi công tác phòng, chống thiên tai cần được đồng bộ và chuyên nghiệp hơn nhằm giảm thiểu tối đa các thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại vào công tác quản lý, giám sát, cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết là xu thế tất yếu và là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Trong thời gian gần đây, tỉnh nhà đã tập trung nguồn lực cho việc phát triển công tác phòng, chống thiên tai theo hướng tiên tiến, hiện đại. Có thể kể đến như việc triển khai lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống trên 35 trạm đo mưa tự động kết nối dữ liệu trực tuyến để các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn, người dân và toàn thể cộng đồng có thể cập nhật, khai thác trên điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử thông dụng vô cùng thuận lợi; các trạm quan trắc khí tượng, thuỷ văn tự động, các trạm đo mực nước tự động hỗ trợ quan trắc mực nước, nhất là trong mùa mưa lũ, thay cho các trạm đo thủ công bị động trước đây; triển khai ứng dụng tin nhắn sms cảnh báo thiên tai; cập nhật trực tuyến các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh (IOC); hệ thống các tháp cảnh báo lũ thông minh tại cộng đồng; hệ thống giám sát tàu cá trên biển…

Hình ảnh: Trích xuất dữ liệu từ hệ thống camera giám sát thiên tai

Mới đây, năm 2023, trong khuôn khổ tài trợ của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam với kinh phí 89.432 USD (tương đương hơn 2,0 tỷ đồng), Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh được hỗ trợ hệ thống máy móc, thiết bị văn phòng kết nối và khai thác đồng bộ cùng với hệ thống 16 camera giám sát tại các vị trí xung yếu về thiên tai thuộc địa bàn của 05 huyện Hướng Hoá, Đakrông, Vĩnh Linh, Gio Linh, thị xã Quảng Trị và huyện đảo Cồn Cỏ; 04 trạm đo mực nước tự động kết nối với 04 trạm cảnh báo ngập lụt tự động cho cộng đồng, được lắp đặt tại các xã Hải Định, Hải Phong, huyện Hải Lăng và xã Triệu Độ, Triệu Đại, huyện Triệu Phong.

Hình ảnh: Trạm đo mực nước tự động tại xã Hải Phong, huyện Hải Lăng

Hình ảnh: Trạm phát thanh cảnh báo ngập lụt tự động tại chợ Gia Độ, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong

Dự án hoàn thành đã hỗ trợ đắc lực cho công tác chỉ đạo điều hành ứng phó thiên tai. Trong đó, hệ thống camera giám sát tại các ngầm tràn thường xuyên bị chia cắt do mưa lũ ở miền núi, với công nghệ độc lập về điện và mạng internet đã hỗ trợ đắc lực cho việc kịp thời theo dõi mực nước lũ, cảnh báo cho cộng đồng có phương án đảm bảo an toàn; camera tại các khu neo tàu thuyền tránh trú bão theo dõi chỉ đạo phương án tàu thuyền tránh trú bão; camera tại công trình thuỷ lợi trọng điểm giúp theo dõi, quan sát tình hình vận hành công trình thuỷ lợi trong điều kiện hạn hán, mưa lũ…; các trạm đo mực nước tự động tại các vùng thấp trũng giúp theo dõi mực nước thuận lợi, nhất là kết nối trạm cảnh báo tự động bằng loa phát thanh sẽ kịp thời cảnh báo cho người dân chủ động phương án phòng tránh mưa lũ, ngập lụt có thể xảy ra. Đặc biệt, việc kết nối các hệ thống này với phòng họp trực tuyến qua 04 Tivi màn hình lớn đặt tại Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống tiên tai và tìm kiếm cứu nạn để phục vụ tổ chức các cuộc họp trực tuyến khi có thiên tai, bão lụt xảy ra... đã góp phần thông tin kịp thời, chính xác phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ huy, UBND tỉnh.

Hình ảnh: Hệ thống màn hình kết nối, thể hiện dữ liệu, hình ảnh đặt tại Trung tâm điều hành

Ngoài ra, bên cạnh việc truyền dữ liệu tổng thể (hình ảnh, số liệu…) về văn phòng đầu mối thì các thông tin, dữ liệu cảnh báo hướng đến chia sẻ khai thác dùng chung cho các cấp chính quyền liên quan và người dân nhằm chủ động trong sản xuất, sinh hoạt và sẵn sàng các phương án phòng tránh đảm bảo an toàn và giảm thiểu các thiệt hại.

Việc ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin vào công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh đến nay đã bước đầu đạt một số kết quả tích cực. Với sự hỗ trợ đắc lực của khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, công tác dự báo, cảnh báo sớm các loại hình thiên tai ngày càng hiệu quả hơn. Có thể khẳng định việc “Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số” là hướng đi tất yếu nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trước thiên tai. Các hoạt động tăng cường ứng dụng KHCN và nền tảng công nghệ đang là hướng đi mang lại hiệu quả cho cả 2 phía cơ quan chức năng và người dân. Một mặt, chuyển đổi số và KHCN giúp cơ quan chức năng tăng cường khả năng dự báo, cảnh báo thiên tai và có phương án xử lý kịp thời, hiệu quả. Mặt khác, việc triển khai áp dụng những tiện ích mới trong công tác tuyên truyền, liên lạc, cung cấp thông tin cần thiết, kịp thời sẽ giúp cộng đồng “chuyển mình” trong “cuộc chiến” với thiên tai, từ bị động ứng phó sang chủ động từ trong khâu phòng ngừa./.

(Phòng Phòng, chống thiên tai và Đê điều - Chi cục Thuỷ lợi và PCTT Quảng Trị)

Đang truy cập: 11

Hôm nay: 2599

Tổng lượt truy cập: 3.556.272