Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Kỹ thuật sản xuất lúa Nếp than bản địa

          Nếp than là giống lúa nếp bản địa của người Pa Cô, có từ ngàn xưa, được bà con giữ giống qua từng mùa và sản xuất theo phương thức canh tác tự nhiên. Nếp than còn được gọi là Đệp-cù-cha, theo tiếng đồng bào, đệp có nghĩa là nếp, cù-cha là than. Hiện nay, giống lúa nếp than đang được nhiều người dân ở nhiều thôn bản trên địa bàn huyện Đakrông gieo trồng và nhân rộng như thôn A Đeng (xã A Ngo), Ly Tôn, Tà Lao (xã Tà Long). Các địa phương đang tiếp tục hỗ trợ người dân mở rộng diện tích, phấn đấu xây dựng nếp Than thành sản phẩm OCOP của huyện.

Đặc điểm của giống lúa Nếp than:

Nếp than có khả năng chịu hạn, chịu lạnh rất tốt, đẻ nhánh khoẻ, cứng cây, chiều cao cây thấp, bông to, hạt to mẩy, gạo dẻo. Thân, lá và bông nếp than có màu tím, đến khi hạt nếp bắt đầu ngậm sữa, là lúc màu hạt chuyển sang tím đen như than, gạo xay cũng có màu đen.

Thời gian sinh trưởng: Đông Xuân 125-130 ngày; Hè Thu 105- 110 ngày.

Thời vụ: Vụ Đông Xuân 05-15/01; vụ Hè Thu 15-25/5.

* Các biện pháp kỹ thuật:

- Làm đất: làm sạch cỏ, nhuyễn bùn, bằng phẳng và không bị đọng nước. Nên chia luống rộng khoảng 2-2,5 m để thoát nước và dễ đi lại trong quá trình sạ, chăm sóc.

- Lượng giống gieo: 4-5kg/sào

- Ngâm, ủ hạt giống:

+ Bước 1: xử lý giống bằng nước ấm 54oC trong thời gian từ 15 - 20 phút để kích thích giống nẩy mầm và phòng trừ nấm bệnh trên vỏ hạt; loại bỏ những hạt lép, lững.

+ Bước 2: Ngâm hạt giống bằng nước sạch từ 24 - 36 giờ để hạt hút no nước (ngoại hình hạt căng đều, nhìn rõ thấy phôi màu trắng ở đầu hạt), trong quá trình ngâm tiếp tục loại bỏ những hạt lép, lững và thay nước để tránh bị chua.

+ Bước 3: Khi hạt hút đủ nước đem ủ. Dùng rơm rạ để ủ thật kín và ấm, tạo nhiệt độ ban đầu 30-350C để nhanh nẩy mầm, trong quá trình ủ, nên kiểm tra và đảo giống qua nước sạch để khỏi bị chua và khô, giúp hạt nẩy mầm đều.

- Kỹ thuật gieo: Sau khi làm đất xong, tiến hành gieo theo luống đã chia, phải gieo đều trên khắp mặt luống, gieo hai lần, lần sau gieo ngược chiều lần trước (đảm bảo gieo đều và đủ lượng giống).

94989316_849995148843056_6297666922141974528_n- Làm cỏ, tỉa dặm: khi lúa được 3 – 4 lá cần tiến hành tỉa dặm đảm bảo mật độ kết hợp với làm cỏ để hạn chế sự cạnh tranh dinh dưỡng của cỏ dại.

- Quản lý nước: sau gieo giữ đất ẩm tránh đọng nước hoặc để nước tràn mặt ruộng để giúp cho hạt mọc đều và mạ phát triển nhanh. Đến thời kỳ mạ 3-4 lá cần giữ mực nước ở mức 2- 3cm. Khi lúa đẻ nhánh giữ mực nước 3- 5 cm và rút nước phơi ruộng 5- 7 ngày khi cây lúa kết thúc đẻ nhánh, sau đó cho nước vào và giữ mức 5- 10 cm trong suốt thời kỳ làm đòng, trổ bông và chín sữa.

* Quy trình bón phân: tính cho 1 sào 500m2.

- Đối với vụ Đông Xuân:

+ Bón lót: vôi 25 kg/sào, bón trước khi sạ 10 - 15 ngày; phân chuồng hoai mục 3 - 5 tạ/sào hoặc phân hữu cơ vi sinh 20 – 30 kg/sào + Supe lân 20 kg/sào, bón ngay trước khi làm đất lần cuối.

+ Thúc lần 1: đạm Urê 5kg/sào, bón sau gieo 12-15 ngày.

+ Thúc lần 2: đạm Urê 5kg/sào hoặc NPK hổn hợp, ngay sau khi làm cỏ và tỉa dặm xong.

+ Thúc đòng: Kaliclorua 3kg/sào + đạm Urê 2kg/sào hoặc NPK hổn hợp, bón sau gieo khoảng 65 ngày.

- Đối với vụ Hè Thu:

+ Bón lót: vôi 25 kg/sào, bón trước khi sạ 10 - 15 ngày; phân chuồng hoai mục 3 - 5 tạ/sào hoặc phân hữu cơ vi sinh 20 – 30 kg/sào + Supe lân 20 kg/sào + đạm Urê 3 kg/sào hoặc NPK hỗn hợp, bón ngay trước khi làm đất lần cuối.

+ Thúc lần 1: đạm Urê 5kg/sào hoặc NPK hổn hợp, ngay sau khi làm cỏ và tỉa dặm xong.

+ Thúc đòng: Kaliclorua 3kg/sào + đạm Urê 2kg/sào hoặc NPK hổn hợp, bón sau gieo khoảng 45 ngày.

Chú ý: lượng phân NPK hỗn hợp bón theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

* Phòng trừ sâu bệnh chính gây hại:

- Đối với ốc bươu vàng: Tiến hành bắt, diệt ốc và trứng ốc bằng nhiều biện pháp như tạo rãnh chia băng để ốc tập trung giúp dễ thu gom; đối với những nơi mật độ ốc cao, ốc tuổi nhỏ, không thể bắt bằng tay, có thể sử dụng một số loại thuốc để phun như AnPuma 700 WP, Molluska 700WP,... hoặc thuốc rải như Map passion 10GR, Anhead 6GR, Honeycin 6GR,... Đối những vùng chủ động nguồn nước tưới thì quản lý tốt mực nước trong ruộng nhằm hạn chế sự gây hại của ốc bươu vàng.

- Đối với sâu cuốn lá: khi phát hiện sâu cuốn lá chủ yếu ở tuổi 1-2 và có mật độ từ 20 con/m2 trở lên đối với lúa đang giai đoạn đẻ nhánh hoặc 10 con/m2 trở lên đối với lúa đang giai đoạn làm đòng-trổ thì tiến hành phun trừ thuốc bằng các loại thuốc như: Map Winner 5WG, Angun 5WG,...

- Đối với chuột: diệt chuột bằng các biện pháp thủ công như đào bắt, dùng bẫy bán nguyệt kết hợp sử dụng các loại thuốc như Broma 0.005AB, Gimlet 800SP, Linh miêu 0.5WP,... phòng trừ chuột phải tiến hành thường xuyên, liên tục và đồng loạt, đặc biệt ở những vùng ruộng gần khu dân cư, ven đồi núi.

- Đối với nhện gié: tăng cường điều tra phát hiện, kịp thời phòng trừ nhện gié. Những ruộng nhện gié phát sinh gây hại sớm, nên phun thuốc trừ nhện 2 lần, lần 1 ở thời kỳ lúa làm đòng (trước trổ 14 ngày) và lần 2 trước khi lúa trổ 7 ngày; những vùng nhện phát sinh gây hại muộn có thể phun thuốc trừ nhện 1 lần trước khi lúa trổ 7 ngày. Sử dụng một số loại thuốc bảo vệ thực vật trừ nhện như: Nissorun 5 EC, Kinalux 25EC, Obamax 25EC, Comite 73 EC,... Chú ý lượng nước phun phải ít nhất 20 lít/sào.

- Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng: theo dõi chặt chẽ mật độ rầy trên đồng ruộng. Tiến hành phun thuốc trừ rầy ở những nơi có mật độ cao (trước trổ 1000 con/m2; sau trổ 500 con/m2) bằng các loại thuốc có hoạt chất Pymetrozine, Nitenpyram, Etofenprox,... như: Chess 50WG, Cheestar 50WP, Trebon 10EC, ...; để phun thuốc có hiệu quả cần đi chậm, phun vào gốc lúa nơi rầy tập trung, đồng thời phải đảm bảo lượng nước thuốc ít nhất 20 lít/sào.

- Đối với bệnh vi khuẩn (đốm sọc, bạc lá): tiến hành phun phòng trừ bệnh vi khuẩn bằng các loại thuốc BVTV như Bony 4SL, Xantocin 40WP,...

Ngoài ra cần theo dõi chặt chẽ các đối tượng dịch hại khác như: bệnh đốm nâu, bệnh khô vằn, sâu đục thân, rầy nâu,... để có biện pháp xử lý kịp thời.

Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Đakrông.

Đang truy cập: 22

Hôm nay: 1047

Tổng lượt truy cập: 3.500.460