Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Vụ Hè Thu 2023, toàn tỉnh gieo cấy trên 22.630 ha lúa, đạt 101,5% kế hoạch (KH: 22.300 ha), đến ngày 17/8/2023 có trên 90% diện tích lúa đã trổ, chín, trong đó có gần 2.000 ha lúa đã thu hoạch (chủ yếu trên địa bàn huyện Hải Lăng).

UBND TỈNH QUẢNG TRỊ

 SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT

           CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM                                        Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 2130/SNN-TTBVTV

V/v tập trung chi đạo chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch lúa vụ Hè Thu 2023.

Quảng Trị, ngày 17 tháng 8 năm 2023

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã.

Vụ Hè Thu 2023, toàn tỉnh gieo cấy trên 22.630 ha lúa, đạt 101,5% kế hoạch (KH: 22.300 ha), đến ngày 17/8/2023 có trên 90% diện tích lúa đã trổ, chín, trong đó có gần 2.000 ha lúa đã thu hoạch (chủ yếu trên địa bàn huyện Hải Lăng). Đặc biệt hiện nay còn khoảng 1.600 ha lúa chưa trổ, tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện Cam Lộ (500 ha), Đông Hà (200 ha), Gio Linh (150 ha), Vĩnh Linh (100 ha) và 02 huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông, nguy cơ ảnh hưởng rất lớn do sâu bệnh và thời tiết bất thuận cuối vụ gây ra. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia và Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Trị thời gian đến có khả năng xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoạn như mưa lớn, kèm theo lốc tố gây đỗ ngã, ngập úng hư hại lúa chưa thu hoạch, gần nhất là dự báo từ ngày 19-22/8/2023 nhiều khả năng xuất hiện mưa vừa và mưa to, kèm theo gió mạnh trên diện rộng.

Để chủ động chăm sóc, phòng trừ các đối tượng sâu bệnh trên trà muộn, ứng phó với thiên tai trên diện tích lúa chín chưa thu hoạch, tiếp tục tổ chức sản xuất thắng lợi vụ Hè Thu, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu ngành Nông nghiệp và PTNT năm 2023; Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; yêu cầu các đơn vị trong Ngành có liên quan, tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã: Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trên địa bàn (Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Trồng trọt và BVTV, Trạm Khuyến nông...) phối hợp với các địa phương kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo nông dân thực hiện các giải pháp sau:

a. Đối với diện tích lúa chưa trổ và giai đoạn trổ bông - chín  sữa:

- Thường xuyên thăm đồng để điều tra, dự tính dự báo, phòng trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại cuối vụ (Sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh bạc lá vi khuẩn, rầy các loại,…) nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra.

- Hướng dẫn nông dân tăng cường công tác chăm sóc, đặc biệt khuyến cáo người dân sử dụng các loại phân bón lá giàu Kali như: Kali Humat, Siêu kali,... để phun lên lá (phun trước trổ 5-7 ngày) giúp lúa trổ nhanh, trổ thoát, trổ tập trung, tăng tỉ lệ hạt chắc và cứng cây, hạn chế đổ ngã (phun vào lúc chiều tối, không mưa, tránh khi lúa phơi mao).

- Vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ cao trên 380C, nhất là giai đoạn lúa trổ bông, phơi mao, ở những chân ruộng có điều kiện, cần giữ nước cao trong ruộng lúa từ 10 - 15 cm, nhằm hạn chế tỉ lệ hạt lép và thoái hóa đầu bông.

- Kiểm tra, tu sửa đê bao, bờ bao; khi xuất hiện các trận mưa lớn gây ngập úng, lốc xoáy gây đổ ngã cho lúa cần huy động các phương tiện bơm thoát nhanh chóng, sau khi tháo cạn nước trong ruộng cần tiến hành dựng lúa bằng cách túm 3-5 gốc lúa lại với nhau bằng sợi ni lông, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lúa trổ, vào chắc và chín; Đối với lúa đang ở giai đoạn chuẩn bị trổ cần thoát nước nhanh, dựng lúa nếu bị đỗ rạp, sau khi thời tiết tạnh ráo tiến hành phun bổ sung phân bón lá siêu kali để cây lúa nhanh chóng phục hồi và thúc đẩy lúa trổ thoát.

- Thường xuyên cập nhật, theo dõi các bản tin dự báo thời tiết để chủ động
các giải pháp sản xuất thích ứng, ứng phó kịp thời, hiệu quả.

b. Đối với diện tích lúa chín sáp - chín hoàn toàn

- Trước khi thu hoạch 5-7 ngày cần rút nước để mặt ruộng khô ráo, giúp chặt đất, hạn chế lúa đổ ngã và thuận tiện cho việc thu hoạch.

- Tranh thủ thời tiết thuận lợi, huy động nhân lực, phương tiện cơ giới hóa để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch khi lúa chín đạt 80-85%, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; đồng thời có phương án phơi sấy, bảo quản, cất giữ nông sản phù hợp, thích ứng với diễn biến thời tiết bất thuận.

- Rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ ngập úng khi xảy ra mưa lớn để chủ động xây dựng phương án để xử lý cho diện tích lúa chưa đến kỳ thu hoạch.

- Huy động tối đa mọi phương tiện như máy bơm điện, bơm dầu để bơm tiêu nhanh cho những diện tích lúa bị ngập, đổ ngã,…

2. Đối với các đơn vị trong ngành có liên quan

a. Chi cục trồng trọt và BVTV

- Tăng cường cán bộ chuyên môn bám sát đồng ruộng, kịp thời phát hiện, hướng dẫn xử lý hiệu quả các đối tượng sâu, bệnh phát sinh gây hại trên trà muộn và chỉ đạo thu hoạch kịp thời vụ lúa Hè Thu 2023;

- Theo dõi, cập nhật thường xuyên về tình hình sản xuất và diễn biến thời tiết để tham mưu các biện pháp chủ động ứng phó kịp thời với những tình huống bất lợi do thiên tai gây ra; Kịp thời tổng hợp, báo cáo tình hình sản xuất cho Sở Nông nghiệp và PTNT khi thiên tai xảy ra.

- Chỉ đạo Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện, thành phố, thị xã chủ động tham mưu, đề xuất các phương án, giải pháp, hướng dẫn các biện pháp ứng phó, khắc phục thiên tai, phòng trừ sâu bệnh hại phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp trên địa bàn đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

b. Trung tâm Khuyến nông, Giống Nông nghiệp

- Phân công cán bộ bám sát cơ sở, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương để hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa cuối vụ và các giải pháp ứng phó với thiên tai.

- Tăng cường thông tin tuyên truyền để cảnh báo, hướng dẫn các giải pháp ứng phó với thiên tai, phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại lúa cuối vụ.

c. Chi cục Thủy lợi, Công ty TNHH MTV QLKT CTTL Quảng Trị

- Phối hợp với các địa phương để có phương án điều tiết nước phù hợp đối với diện tích lúa chưa trổ, trổ bông - chín sữa nhằm hạn chế thiệt hại năng suất do ảnh hưởng của nắng nóng gây ra.

- Chủ động các giải pháp phòng chống và khắc phục sự cố sau thiên tai, bảo vệ an toàn hồ đập, các công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất.

3. Đề nghị Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, các cơ quan truyền thông

- Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh: Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo và thông tin kịp thời tình hình thời tiết, đặc biệt các hiện tượng thời tiết cực đoan để chủ động trong phòng, chống thiên tai.

- Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Trị: Tiếp tục phối hợp, tăng cường thời lượng tuyên truyền về các giải pháp ứng phó với thiên tai và phòng trừ sâu bệnh hại lúa cuối vụ Hè Thu 2023.

Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã quan tâm chỉ đạo; các đơn vị liên quan phối hợp; yêu cầu các đơn vị trong Ngành có liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung, giải pháp trên, đồng thời báo cáo kịp thời tình hình sản xuất, thiên tai dịch bệnh về Sở Nông nghiệp và PTNT để kịp thời tổng hợp, chỉ đạo, xử lý./.

Nơi nhận:                                                                                    

- Như trên;

- UBND tỉnh (B/cáo);

- Cục Trồng trọt, Cục BVTV;

- Giám đốc Sở (B/cáo); PGĐ Sở: Nguyễn Hồng Phương;

- Đài PTTH tỉnh, Đài KTTV tỉnh, Báo Q.Trị;

- Chi cục thủy lợi;

- Cty TNHH MTV QL và KTCT Thủy lợi;

- Các Trung tâm: Khuyến nông, Giống Nông nghiệp;

- Phòng NN và PTNT các huyện/ Phòng KTế TP, TX;

- Lưu: VT, TTBVTV.

.          

KT. GIÁM ĐỐC

PHÓ GIÁM ĐỐC

(Đã ký)

Nguyễn Hồng Phương

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 1122

Tổng lượt truy cập: 3.591.844