Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

     Phát triển chăn nuôi hiện đại, bền vững theo hướng sinh thái, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu hướng đến mục tiêu “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” đó là định hướng quan trọng đặt ra trong phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2020-2030.

Những năm qua, bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ tỉnh, các Nghị quyết HĐND Tỉnh cùng với những chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, sự đầu tư, chỉ đạo của các cấp từ Trung ương đến địa phương, sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt được những bước tăng trưởng mạnh mẽ. Tổng đàn gia súc, gia cầm đều tăng về số lượng và chất lượng, phương thức chăn nuôi ngày càng đi dần vào hướng tập trung, công nghiệp gắn với đảm bảo vệ sinh môi trường, sinh thái và an toàn thực phẩm; giá trị kinh tế ngành chăn nuôi trong tổng giá trị ngành nông nghiệp ngày càng được nâng cao. Một số chỉ tiêu đến cuối năm 2022 đã đạt và vượt so với mục tiêu đến năm 2025. Cụ thể như sau: Tổng đàn lợn 204.500 con (đạt 84,16% mục tiêu đến năm 2025); tổng đàn gia cầm 3,85 triệu con (đạt 110,23% mục tiêu đến năm 2025); tổng đàn trâu 20.521 con; tổng đàn bò 55.980 con, tỷ lệ bò lai Zebu 69,68% (đạt 99,54% mục tiêu đến năm 2025). Tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 56.306 tấn (đạt 119,79% mục tiêu đến năm 2025).

     Phương thức chăn nuôi chuyển biến mạnh mẽ theo hướng trang trại. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 629 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm (tăng 376 trang trại so với năm 2020). Trong đó: chăn nuôi quy mô lớn có 22 trang trại, chăn nuôi quy mô vừa có 167 trang trại, chăn nuôi quy mô nhỏ có 440 trang trại. Đặc biệt, toàn tỉnh hiện có 60 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, liên kết với các doanh nghiệp.

       Việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi giai đoạn 2020-2022 được đẩy mạnh, đã có nhiều dự án chăn nuôi của các tổ chức, cá nhân xin chủ trương cấp phép đầu tư vào địa bàn tỉnh, trong đó một số dự án lớn đã đi vào hoạt động góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi như: Dự án Trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao đã tại thôn Rào Trường, xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh liên kết với Công ty Golden Star - quy mô 7.000; Trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp tại Vĩnh Hà (liên kết với Công ty CP - quy mô 6.000 con, Tổ hợp tác chăn nuôi CNC Vinaga với 02 cơ sở có quy mô 55.000 con gà tại Vĩnh Hoà, Vĩnh Linh; 03 Dự án đã khởi công xây dựng dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2023: Dự án Trang trại chăn nuôi công nghệ cao khép kính Vĩnh Tú (quy mô 2.500 lợn nái, 20.000 lợn thịt), Dự án trang trai chăn nuôi kết hợp Nông nghiệp công nghệ cao trồng dược liệu của Công ty TNHH Solar Kesap1 tại Hướng Linh- Hướng Hóa (quy mô 12.000 con lợn thịt), Trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao Hướng Linh - Hướng Hóa với quy mô 7.500 con lợn nái, 72.000 con lợn thịt, 1.000 con bò hiện đang xây dựng, lắp đặt cơ sở vật chất và chuồng trại và nhiều dự án khác đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.

                  Trang trại của Tổ hợp tác chăn nuôi CNC Vinaga Vĩnh Hoà, Vĩnh Linh

     Cùng với đó việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các thể chế, chính sách về nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng đã góp phần tạo sự đột phá trong phát triển chăn nuôi của tỉnh. Việc phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị vào sản xuất đã góp phần quan trọng tạo ra các sản phẩm mới, quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ mới, phương thức sản xuất mới; các giống vật nuôi vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương áp dụng có hiệu quả vào sản xuất và kinh doanh góp phần tích cực trong tái cơ cấu lại lĩnh vực chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chúng. Hầu hết các trang trại chăn nuôi quy mô lớn đều ứng dụng quy trình công nghệ cao, trang thiết bị tự động, hệ thống giám sát trang trại chăn nuôi (camera) kết nối internet và điện thoại thông minh; công nghệ chuồng trại khép kín với hệ thống điều hòa nhiệt độ chuồng nuôi, máng ăn và nước uống tự động.

     Công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi được tỉnh quan tâm chú trọng, các giải pháp khoa học công nghệ được áp dụng để xử lý chất thải chăn nuôi như: Hố ủ phân; sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý chất thải, khử mùi hôi, đệm lót sinh học, hầm  Biogas; công nghệ xử lý chất thải bằng hầm phủ bạt HDPE, máy tách ép phân đã phát huy vai trò góp phần hạn chế ô nhiểm môi trường, tận thu khí CH4 phục vụ cho đun nấu, phát điện, sưởi ấm... góp phần giảm khí thải nhà kính, giảm ô nhiểm môi trường, đảm bảo môi trường sinh thái.

            Chăn nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học tại Trang trại Vinaga Vĩnh Hoà, Vĩnh Linh

     Bên cạnh đó UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các địa phương tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi; thông qua các chính sách của tỉnh và các chương trình dự án của trung ương và địa phương đã hỗ trợ, khuyến khích các hộ chăn nuôi, các trang trại, các lò giết mổ đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi. Hàng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tổ chức kiểm tra điều kiện chăn nuôi của các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định điều kiện về môi trường của các trang trại chăn nuôi trong quá trình cấp giấy phép môi trường.

     Trên cơ sở những kết quả đạt được bước đầu trong chăn nuôi của tỉnh Quảng Trị, trong thời gian để chăn nuôi của tỉnh tiếp tục phát triển bền vững cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, đặc biệt ưu tiên các tổ chức, doanh nghiệp chế biến các sản phẩm chăn nuôi. Tăng cường liên kết trong theo chuỗi giá trị trong chăn nuôi, đặc biệt tục đẩy mạnh liên kết các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ thành những tổ hợp tác, hợp tác xã để cùng chia sẻ rủi ro, tăng cường năng lực cạnh tranh, giảm chi phí và truy xuất được nguồn gốc, quản lý được chất lượng sản phẩm. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi ứng yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong chăn nuôi nhằm giúp giải quyết những tồn tại của ngành chăn nuôi, giúp tăng năng suất, chất lượng, giá trị của ngành chăn nuôi, qua đó, giúp cho ngành chăn nuôi từng bước ổn định và phát triển bền vững hơm để đạt được mục tiêu đến năm 2030 tại Nghị quyết 19-NQ/TƯ ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra là Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hoá nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu”.

                                          Đoàn Trần Anh MinhChi cục Chăn nuôi và Thú y

Đang truy cập: 4

Hôm nay: 2332

Tổng lượt truy cập: 3.556.005