Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn
- '
- TRANG CHỦ
- GIỚI THIỆU
- TIN TỨC - SỰ KIỆN
- DỊCH VỤ CÔNG
- Chiến lược, Đề án, QH, KH
- CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
- Văn bản Sở
- Hệ thống VBQPPL
- Trung ương
- Thủy lợi, đê điều, PCTT, Nước sạch và VSMTNT
- Thủy sản
- Kinh tế hợp tác và PTNT
- Khuyến nông
- Nông thôn mới
- Chất lượng, chế biến và PT thị trường
- Chăn nuôi và Thú y
- Trồng trọt và Bảo vệ thực vật
- Lâm nghiệp - Kiểm lâm
- Tỉnh ủy, UBND tỉnh
- Lâm nghiệp - Kiểm lâm
- Chăn nuôi và Thú y
- Thủy sản
- Thủy lợi, đê điều, PCTT, Nước sạch và VSMTNT
- Kinh tế hợp tác và PTNT
- Khuyến nông
- Nông thôn mới
- Chất lượng, chế biến và PT thị trường
- Trồng trọt và Bảo vệ thực vật
- Trung ương
- LIÊN HỆ
Đề án Khuyến khích phát triển cây dược liệu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030
- Ngày đăng: 17-10-2023
- 918 lượt xem
SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. Sự cần thiết xây dựng đề án
Theo tổ chức y tế thế giới WHO, 80% dân số thế giới nằm ở khu vực các nước đang phát triển và 80% dân số ở các nước này sử dụng thuốc có nguồn gốc tự nhiên như một lựa chọn hàng đầu trong việc phòng và chữa bệnh. Việt Nam cũng có lịch sử lâu đời trong sử dụng cây cỏ tự nhiên và một nền y học cổ truyền có bản sắc riêng để phòng và chữa bệnh cho con người; dù có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng nguồn dược liệu trong nước mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu chế biến, còn lại phải nhập từ Trung Quốc với số lượng trên 20.000 tấn mỗi năm.
Quảng Trị có vị trí địa lý kinh tế - chính trị quan trọng, có các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt xuyên Việt đi qua, là ngã ba gặp gỡ giữa các tuyến giao thông huyết mạch xuyên Việt (Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh), xuyên Á (Quốc lộ 9) được coi là hành lang Đông Tây nối Việt Nam - Lào - Thái Lan - Mianma và các nước khác trong khu vực. Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có vị trí địa lý, địa hình và đất đai thuận lợi nên nguồn tài nguyên thực vật rất phong phú và đa dạng, trong đó có cây dược liệu, có hàm lượng dược tính cao đã được người dân, doanh nghiệp khai thác và phát triển thành các vùng nguyên liệu, gắn với các cơ sở chế biến, tạo ra các sản phẩm có thương hiệu mang lại giá trị kinh tế cao trên thị trường (trà, cao dược liệu…), điển hình như: Công ty TNHH Cao dược liệu Định Sơn Mai Thị Thủy đã xây dựng thành công thương hiệu Cao dược liệu Định Sơn Mai Thị Thuỷ, trong đó sản phẩm cao chè vằng được chứng nhận OCOP 4 sao công bố dưới dạng trà của ngành thực phẩm; Công ty TNHH Cà gai leo An Xuân với sản phẩm Cao Cà gai leo An Xuân được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (GMP) và được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao công bố dưới dạng thực phẩm chức năng... Tuy đã đạt được những kết quả nhất định nhưng việc phát triển dược liệu trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng vùng miền; Quy mô vùng nguyên liệu còn nhỏ, hạ tầng và quy trình sản xuất chưa hoàn thiện; Chưa xác định được danh mục các loài dược liệu có lợi thế của tỉnh để ưu tiên đầu tư phát triển; Việc khai thác, sử dụng các loài dược liệu trong tự nhiên chưa gắn với các giải pháp bảo tồn và phát triển; Thiếu các Doanh nghiệp có quy mô lớn, chế biến sâu đầu tư vào sản phẩm dược liệu, chủ yếu tiêu thụ ở dạng sản phẩm làm thực phẩm (trà, cao dược liệu…); Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn thiếu và chưa đồng bộ,…
Để có những định hướng, giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ dược liệu trên địa bàn tỉnh phù hợp, trong thời gian tới cần có những giải pháp đồng bộ, tổng thể nhằm đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hình thành các vùng nguyên liệu dược liệu mang tính hàng hóa, đảm bảo theo các tiêu chuẩn an toàn gắn với xây dựng, công nhận các sản phẩm OCOP tại các địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Việc ban hành Đề án “Khuyến khích phát triển cây dược liệu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” là hết sức cần thiết.
II. Căn cứ xây dựng đề án
- Luật Dược số 105/2016/QH13 của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 06/4/2016;
- Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược;
- Nghị định số 65/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ về Chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu;
- Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
- Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
- Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm;
- Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Kế hoạch cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025;
- Thông tư số 04/2018/TT-BKHĐT ngày 06/12/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ và Quyết định số 1203/QĐ-TTg ngày 18/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ;
- Quyết định số 3657/QĐ-BYT ngày 20/8/2019 của Bộ Y tế về việc ban hành Danh mục 100 dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao để tập trung phát triển giai đoạn 2020 - 2030;
- Thông tư số 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế về việc ban hành danh mục dược liệu; các chất chiết xuất từ dược liệu, tinh dầu làm thuốc; thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu xuất khẩu, nhập khẩu được xác định mã số hàng hóa và Thông tư số 03/2021/TT-BYT ngày 04/3/2021 của Bộ Y tế về việc bãi bỏ một phần quy định tại phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế;
- Kết luận số 168-KL/TU ngày 14/11/2021 của tỉnh ủy Quảng Trị về tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị;
- Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND ngày 20/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị về khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030;
- Nghị quyết số 162/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021 của HĐND tỉnh về Quy định chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026.
Phần II
THỰC TRẠNG VÀ TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN CÂY DƯỢC LIỆU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
I. Nguồn, chất lượng cây dược liệu, hiện trạng sản xuất và các sản phẩm trên địa bàn tỉnh
1. Nguồn và chất lượng cây dược liệu
Ngày 24/8/2020 của UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2392/QĐ-UBND về phê duyệt đề cương nhiệm vụ và dự toán chi phí điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng và chính sách khuyến khích phát triển cây dược liệu. Kết quả khảo sát, điều tra trên địa bàn tỉnh bước đầu đã thống kê được hơn 230 loài cây dược liệu, trong đó có 199 loài thuộc danh mục dược liệu được Bộ Y tế quy định tại Thông tư số 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018. Toàn bộ 199 loài dược liệu này thuộc 1 Ngành (Ngành Ngọc lan), 2 Lớp (lớp Hành và lớp Ngọc lan), 36 Bộ, 72 họ thực vật. Trong số các loài dược liệu trên có hai loài thuộc nhóm IA, gồm Lan Kim tuyến có trong tự nhiên và Sâm Ngọc linh được gây trồng; Có 6 loài thuộc nhóm IIA, gồm: Đẳng sâm, Vù hương (Xá xị, Re hương), Bình vôi, Hoàng đằng, Bách hợp, Thạch hộc.
(Chi tiết phụ lục I đính kèm)
Diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh hiện nay là 3.555,6 ha, phân bố hầu hết trên địa bàn toàn tỉnh, tập trung phần lớn ở 05 huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh. Có khoảng 40 loài dược liệu đã được nghiên cứu ứng dụng, mở rộng quy mô sản xuất, khai thác trong tự nhiên để chế biến và tiêu thụ cùng với hàng trăm loài dược liệu được người dân thu hái để làm thuốc như: Cây Ba kích tím, Sa nhân tím, Sâm ngọc linh, Quế, Đẳng sâm, Lan Kim tuyến,... trồng dưới tán rừng (chủ yếu trên địa bàn huyện Hướng Hóa và Đakrông); Chè vằng, Sả, Nghệ, Đinh lăng, Cà gai leo, Sâm bố chính,... trồng ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh. Một số loài có trữ lượng lớn như: Nghệ 1.234,2 tấn/năm, Đinh lăng 175,5 tấn/năm, Gừng 413,1 tấn/năm, Sả 2.464 tấn/năm, Cát căn (sắn dây) 350 tấn/năm, tinh dầu tràm 2.500 tấn lá/năm (tương đương 4.600 lít dầu tràm/năm),… đã tạo ra các sản phẩm dược liệu với số lượng lớn như: Tinh bột Nghệ, tinh dầu Sả, tinh dầu Tràm, cao An Xoa, cao Lá vằng, chè Vằng hòa tan, cao Cà gai leo, trà Cà gai leo, Sâm bố chính, Linh chi hòa tan Đất lửa, Đông trùng hạ thảo Sa mù, cao Dây thìa canh, cao lá Đung, cao Hà thủ ô,... đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Báo cáo kết quả phân tích dược tính các loài cây dược liệu năm 2021 và các đề tài nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu, các cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đều có tiềm năng, các chỉ tiêu chất lượng tương đương hoặc cao hơn so với các tỉnh khác và bình quân toàn quốc, cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn nguyên liệu cho sản xuất dược liệu. Đã lấy mẫu, phân tích, đánh giá, xác định các tính chất lí hóa cũng như hàm lượng các thành phần hóa học có trong 4 mẫu dược liệu tinh dầu; Phân lập, xác định cấu trúc và xác định những thành phần hóa học chính trên 10 loài dược liệu tiềm năng trên các vùng sinh thái khác nhau. Thử nghiệm, sàng lọc và đánh giá hoạt tính sinh dược học (gồm hoạt tính gây độc tế bào; hoạt tính chống oxi hóa; hoạt tính kháng viêm, hoạt tính chống tiểu đường và mỡ máu) trên 4 loài tiêu biểu nhất. Kết quả đã xác định được 13 loài dược liệu ở Quảng Trị có các hoạt chất nổi trội, hàm lượng các chất tương đương và cao hơn trung bình của các tỉnh thành, gồm: Tràm gió, Sả, Nghệ, Dây thìa canh, Chè vằng, Cà gai leo, An xoa, Bảy lá một hoa, Giảo cổ lam, Đẳng sâm, Sâm cau, Sâm bố chính, Lá khôi. Cụ thể: Tràm có hàm lượng 2 hoạt chất chính là 1,8-cineole (46,95%) và α-terpineol (12,54%) khá cao so với hai mẫu nghiên cứu còn lại cũng như so với các địa phương khác và trên thế giới. Sả có tổng hàm lượng citral (neral + geranial) tương đối cao (73,9%), cao hơn so với hầu hết một số địa phương khác cũng như trên thế giới. Đối với các loài cây dược liệu còn lại kết quả phân tích thành phần hóa học cho thấy hàm lượng của các chất có tác dụng y học ở mức độ cao so với các tỉnh thành cũng như trên thế giới.
Các mẫu dược liệu Giảo cổ lam, Sâm cau, Bảy lá một hoa, Dây thìa canh ở Quảng Trị đều cho tác dụng gây độc tế bào rất hứa hẹn và thể hiện tác dụng kháng viêm rất tốt. Các mẫu dược liệu Bảy lá một hoa và Sâm cau còn cho tác dụng chống oxi hóa. Riêng đối với Dây thìa canh kết quả phân tích cho thấy khả năng chống tiểu đường (ức chế enzyme alpha-glucosidase) và tác dụng chống mỡ máu là khá tốt.
(Chi tiết kết quả phân tích của các loài dược liệu có phụ lục kèm theo).
Bên cạnh diện tích dược liệu trồng tập trung, Quảng Trị có diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng lớn (rừng tự nhiên hơn 126.000 ha, rừng trồng hơn 119.000 ha), phân bố ở nhiều vùng địa hình với khí hậu, độ cao phong phú, nhiều diện tích thích hợp để phát triển dược liệu dưới tán rừng. Ngoài cây dược liệu hiện có phân bố tự nhiên trong rừng, có thể mở rộng trồng dược liệu dưới tán rừng tự nhiên phòng hộ (hiện có 50.000 ha), sản xuất (hiện có 22.000 ha) và trồng xen trong rừng trồng phòng hộ (hiện có 14.000 ha). Trong giai đoạn 2022 – 2025 toàn tỉnh phấn đấu đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích phát triển thêm 2.000 – 3.000 ha dược liệu trồng dưới tán rừng với các loài có giá trị y học, kinh tế cao, có tiềm năng phát triển phù hợp với việc trồng xen dưới tán rừng (Sâm cau, Đẳng sâm, Bảy lá một hoa,....). Tại vùng núi cao các huyện Đakrông và Hướng Hóa, có nền nhiệt độ tương đối ôn hòa, có thể mở rộng trồng dưới tán rừng nhiều loài cây dược liệu có nguồn gốc ôn đới, mang lại giá trị kinh tế cao. Các huyện, thành phố, thị xã còn lại đều có thể mở rộng trồng dưới tán rừng các loài cây dược liệu nhiệt đới phổ biến.
(Chi tiết phụ lục II đính kèm)
2. Sản xuất, chế biến và các sản phẩm có nguồn gốc nguyên liệu từ cây dược liệu được chứng nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn
Trong những năm qua từ việc xác định cây dược liệu là cây có giá trị kinh tế cao và có ý nghĩa trong Đông y và Tây y, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh bắt đầu hình thành nên các vùng sản xuất dược liệu, một số sản phẩm dược liệu của tỉnh đã tiếp cận và có mặt trên thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số Công ty, doanh nghiệp đầu tư trồng, thu mua chế biến dược liệu gắn với các cơ sở sản xuất, chế biến quy mô hộ gia đình, tạo nên các sản phẩm có thương hiệu. Trong đó, một số cơ sở đã tạo ra các sản phẩm dược liệu có thương hiệu, uy tín trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn tỉnh có 01 sản phẩm là thực phẩm chức năng và 18 sản phẩm có nguồn gốc từ cây dược liệu được chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao, 15 sản phẩm đạt 3 sao; 12 chủ thể được chứng nhận OCOP (01 Hợp tác xã, 07 Doanh nghiệp và 04 Hộ sản xuất kinh doanh). Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 32 cơ sở chế biến tinh dầu và sản phẩm có nguồn gốc từ cây dược liệu có quy mô lớn và nhiều cơ sở sản xuất chế biến quy mô hộ gia đình sản xuất theo mùa vụ với công suất chế biến không lớn. Cụ thể: 16 cơ sở chế biến tinh dầu với tổng công suất chế biến 30.000 lít/năm, cần nguồn nguyên liệu 5000 tấn/năm; 10 cơ sở chế biến dạng cao với tổng công suất chế biến 20 tấn cao/năm, cần nguồn nguyên liệu 220 tấn/năm; 6 cơ sở chế biến dạng tinh bột với tổng công suất chế biến 18 tấn/năm, cần nguồn nguyên liệu 500 tấn/năm,... So với công suất hiện tại thì nguyên liệu trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng công suất cho các cơ sở chế biến hoạt động, tuy nhiên do chưa chủ động về vùng nguyên liệu, cũng như việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế nên nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến chưa ổn định và bền vững. Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 cơ sở sản xuất cây giống dược liệu lớn là Hộ kinh doanh Đào Thị Mỹ Phượng (thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ), công suất giống các loài cây dược liệu chính là cây An xoa: 10 vạn cây/năm, cây Chè vằng: 5 vạn cây/năm và Hộ kinh doanh Nguyễn Viết Phương (thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ), sản xuất cây giống An xoa: 2 vạn cây/năm và hàng chục cơ sở, vườn ươm, hộ cá thể sản xuất kinh doanh cây giống dược liệu nhỏ lẻ hoặc ngành nghề chính là cung cấp cây giống nông nghiệp, lâm nghiệp có kết hợp sản xuất, kinh doanh cây giống dược liệu rãi rác trên địa bàn tỉnh.
(Chi tiết phụ lục III, IV đính kèm)
II. Đánh giá chung
1. Tiềm năng, thế mạnh phát triển cây dược liệu trên địa bàn
- Thực vật vẫn là nguồn nguyên liệu chính trong phát triển các loại thuốc mới trên thế giới, vì vậy, cây dược liệu đang là mặt hàng có thị trường tiêu thụ lớn ở trong nước và trên thế giới. Nhiều công ty dược phẩm nước ngoài như: Tokai, Naganoken (Nhật Bản), Bionexx (Pháp), Grandick trading Ltd. (Hồng Kông) đồng ý ký hợp đồng tiêu thụ dược liệu với điều kiện dược liệu Việt Nam được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP;
- Việt Nam là nước nhiệt đới, có một lịch sử lâu đời trong sử dụng cây cỏ tự nhiên và một nền y học cổ truyền có bản sắc riêng để phòng và chữa bệnh cho con người, nên các sản phẩm thảo dược được ưu tiên hàng đầu;
- Cây dược liệu là loại cây trồng được Nhà nước luôn quan tâm, chú trọng để bảo tồn, phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong việc khám chữa bệnh bằng Đông y - Tây y; Nhu cầu dược liệu chế biến rất lớn, nguồn dược liệu trong nước mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu chế biến, còn lại phải nhập từ Trung Quốc với số lượng trên 20.000 tấn mỗi năm;
- Quảng Trị là địa phương có nguồn dược liệu dồi dào, phong phú và chất lượng cao hơn các địa phương khác nhờ những lợi thế đặc thù về địa chất, địa hình và khí hậu thời tiết khắc nghiệt. Từ lâu đời, người dân Quảng Trị, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi đã sử dụng các loại cây dược liệu trên địa bàn để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng rất hiệu quả;
- Cây dược liệu được tỉnh xác định là 01 trong 06 cây chủ lực, có lợi thế cạnh tranh và đã có nhiều văn bản chỉ đạo phát triển trên địa bàn. Nhiều mô hình trồng và chế biến dược liệu thành công, nhiều cơ sở chế biến dược liệu đã hình thành, phát triển, tạo tiền đề thúc đẩy mở rộng diện tích trồng các loại dược liệu trong thời gian tới;
- Nhiều sản phẩm dược liệu đã có thương hiệu, có giá trị kinh tế cao như: Cao cà gai leo An Xuân, Cao chè vằng Mai Thị Thủy, Tinh dầu gừng Huyền thoại, Dầu gội bồ kết Nhiên Thảo, Tràm gió năm gân... Trong đó, nhiều sản phẩm xuất khẩu sang thị trường thế giới (các nước Mỹ, Nga, …);
- Dược liệu có thể đa dạng hóa sản phẩm và phát triển thành các sản phẩm thuộc các ngành hàng trong Chương trình OCOP, bao gồm: Thực phẩm, dưới dạng nông sản tươi sống và chế biến có lợi cho sức khỏe, đồ uống, thảo dược, du lịch nông thôn;
- Quảng Trị có nhiều di tích lịch sử cách mạng cùng với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, đa dạng với nhiều loại địa hình: rừng, núi, động, thác, sông, hồ, biển, đảo… là điểm đến của du lịch lịch sử, tâm linh và du khách thích khám phá vẻ đẹp hoang sơ núi rừng, thác nước và hang động, phù hợp phát triển du lịch gắn với trãi nghiệm dược liệu và giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.
2. Những khó khăn, hạn chế
- Điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra làm ảnh hưởng đến sản xuất, chế biến, chất lượng dược liệu trên địa bàn;
- Việc phát triển dược liệu trên địa bàn chưa có định hướng, còn mang tính tự phát, chưa xác định được những loài cây dược liệu tiềm năng, phù hợp với các vùng sinh thái gắn với bản đồ dược tính để tập trung đầu tư phát triển quy mô lớn, gắn sản xuất với chế biến, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ;
- Tổ chức quản lý về khai thác, bảo tồn và phát triển dược liệu còn nhiều bất cập. Khai thác thiếu khoa học, chưa đi đôi với bảo tồn, phát triển, nạn phá rừng làm nương rẫy của người dân,… dẫn đến tình trạng nguồn cây thuốc quý hiếm trong tự nhiên ngày càng cạn kiệt;
- Công tác nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ Khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo tồn dược liệu còn hạn chế. Việc nghiên cứu phát triển giống, kỹ thuật và thổ nhưỡng nuôi trồng dược liệu để bảo tồn phát triển chưa được quan tâm đúng mức;
- Đầu ra sản phẩm thiếu ổn định, Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phát triển, chế biến dược liệu còn hạn chế; Cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, bảo quản dược liệu ít được quan tâm;
- Cơ sở hạ tầng trong sản xuất, chế biến, nhất là công nghệ sơ chế/chế biến sau thu hoạch còn thiếu và chưa đồng bộ;
- Sản phẩm OCOP có nguồn gốc nguyên liệu từ dược liệu hiện nay chủ yếu theo dạng thực phẩm thông thường, dạng trà và mỹ phẩm. Việc phát triển sản phẩm OCOP dược liệu theo hướng thực phẩm chức năng, thuốc từ dược liệu, thuốc y học cổ truyền gặp nhiều khó khăn do đòi hỏi chi phí đầu tư lớn về hạ tầng, chi phí chứng nhận vùng nguyên liệu (GACP) và chi phí chứng nhận tiêu chuẩn GMP. Số lượng sản phẩm OCOP từ dược liệu chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.
Qua những đánh giá về tiềm năng, thế mạnh và những khó khăn, hạn chế trong phát triển cây dược liệu trên địa bàn, có thể khẳng định, tỉnh Quảng Trị có nhiều tiềm năng thế mạnh để tổ chức sản xuất, phát triển nhiều loại dược liệu có giá trị với tỷ suất hàng hóa cao. Trên cơ sở những tiềm năng lợi thế, kết hợp với những giải pháp đồng bộ, thời gian đến cây dược liệu sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập của người dân, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Phần III
QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CÂY DƯỢC LIỆU GẮN VỚI CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM (OCOP) ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
I. Cơ hội và thách thức
1. Dự báo thị trường trong nước, thế giới
Cho đến nay, thực vật vẫn là nguồn nguyên liệu chính trong phát triển các loại thuốc mới trên thế giới. Theo ước tính, doanh số thuốc từ cây thuốc và các sản phẩm của nó đạt trên 100 tỷ USD/năm. Các công ty dược phẩm lớn trên thế giới cũng đã trở lại quan tâm đến việc nghiên cứu tìm kiếm các hoạt chất sinh học từ thảo dược và sau đó là phát triển nó thành thuốc chữa bệnh. (Nguồn: Báo cáo Phát triển và buôn bán cây dược liệu và cây hương liệu (MAP): Rút kinh nghiệm từ Phân tích So sánh Trung Quốc và Ấn Độ - www.ilrtindia.org).
Việt Nam có khoảng trên 12.000 loài thực vật bậc cao[1], trong đó có khoảng 4.000 loài thực vật và 400 loài động vật được dùng làm thuốc. Dù có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng nguồn dược liệu trong nước mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu chế biến, còn lại phải nhập từ Trung Quốc với số lượng trên 20.000 tấn mỗi năm (chủ yếu là đối tượng dược liệu trồng), trong khi đó Việt Nam lại xuất khẩu chủ yếu nguyên liệu dược liệu tự nhiên. (Nguồn: Theo báo cáo tại Hội nghị phát triển về cây dược liệu, Bộ Nông nghiệp và PTNT ngày 26/02/2016).
Hiện tại, Việt Nam có khoảng 180 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm và 224 cơ sở sản xuất nhà máy trong nước đạt tiêu chuẩn GMP (Thực hành tốt sản xuất thuốc), vì vậy, ngành Dược đang có những cơ hội, thách thức và chiến lược phát triển giai đoạn mới đầy triển vọng. Thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu của Việt Nam là rất lớn. Hệ thống khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền hiện có 63 bệnh viện y học cổ truyền công lập; 92,7% bệnh viện đa khoa tỉnh có bộ phận y học cổ truyền; khoảng 80% trạm y tế xã có hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và gần 7.000 cơ sở hành nghề y học cổ truyền tư nhân sử dụng dược liệu trong khám chữa bệnh. Như vậy, nhu cầu sử dụng dược liệu rất lớn, mỗi năm tăng khoảng 10%/năm; trong đó, khối bệnh viện y học cổ truyền công lập sử dụng khoảng 300 loại dược liệu khác nhau ở mức khoảng 3.000 tấn mỗi năm. Ngoài ra, nhiều mặt hàng thuốc đông dược đã xuất khẩu sang các nước SNG và Nga, được thị trường ở các nước này chấp nhận.
2. Cơ hội và thách thức
2.1. Cơ hội
- Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, có nền y học cổ truyền và y học dân gian lâu đời, có nhiều cây hương liệu và các món ăn độc đáo có tác dụng chữa bệnh, có lợi khi phát triển các tour du lịch tốt cho sức khỏe, kết hợp trải nghiệm văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng mang đầy đủ ưu điểm và đặc tính của nền du lịch thứ ba để thực hiện nguyên tắc và mục tiêu phát triển bền vững.
- Quảng Trị là địa phương có nguồn dược liệu dồi dào, phong phú và chất lượng cao hơn các địa phương khác nhờ những lợi thế đặc thù về địa chất, địa hình và khắc nghiệt của khí hậu. Với nhu cầu xã hội ngày càng cao và hướng đến sử dụng các sản phẩm dược liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường và có lợi cho sức khỏe thì các sản phẩm thảo dược được ưu tiên hàng đầu. Mặt khác, giá trị kinh tế mang lại từ việc trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh cao hơn hẳn so với các loại cây lương thực khác[2] nên đã tạo động lực cho người dân tham gia trồng cây dược liệu.
- Phát triển dược liệu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP tạo ra sự đa dạng về sản phẩm có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
2.2. Thách thức
- Hạ tầng phục vụ sản xuất và chế biến dược liệu chưa phát triển nhất là hệ thống giao thông, điện, nước,...; Quỹ đất để phát triển dược liệu chưa được quy hoạch, đặc biệt là xác định diện tích trồng dược liệu dưới tán rừng tự nhiên;
- Việc phát triển dược liệu dưới tán rừng tự nhiên phát sinh nhiều thách thức trong quản lý bảo vệ rừng;
- Năng lực cạnh tranh của của các Doanh nghiệp địa phương, các Hợp tác xã yếu; Giá thành sản phẩm còn cao do hiệu suất thấp; Điều kiện gia nhập thị trường khắt khe (yêu cầu nhà xưởng phải đạt tiêu chuẩn để sản xuất); dịch bệnh diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến phân phối sản phẩm;
- Việc phát triển các sản phẩm OCOP gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh; Thói quen định hướng sản xuất; Thiếu năng lực quản trị.
II. Đề xuất danh mục dược liệu tiềm năng phát triển trên địa bàn tỉnh
1. Tiêu chí lựa chọn các loài dược liệu tiềm năng
- Có giá trị kinh tế so sánh cao trên đơn vị diện tích: Tính trên cùng một diện tích sản xuất các cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế hơn các loài cây truyền thống tại địa phương (cây lâm nghiệp, nông nghiệp như keo, sắn, ngô, ...) ít nhất 1,5 lần trở lên;
- Quy mô sản xuất gây trồng lớn: Các loài đã gây trồng được thực tế chứng minh phù hợp với các điều kiện lập địa khác nhau trên địa bàn tỉnh, được người dân địa phương, các doanh nghiệp đầu tư với quy mô diện tích lớn, có thể tạo thành các vùng nguyên liệu tập trung;
- Thị trường tiêu thụ ổn định: Các sản phẩm từ các loài cây dược liệu được tiêu thụ trên địa bàn trong và ngoài nước với số lượng lớn;
- Ưu tiên các loài cây dược liệu dễ gây trồng và có thời gian từ trồng đến thu hoạch dưới 05 năm;
- Phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn tỉnh;
- Hàm lượng dược tính trong các sản phẩm cao, có lợi thế so sánh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường;
- Nằm trong danh mục các loài dược liệu theo công bố của Bộ Y tế, ưu tiên các loài có giá trị kinh tế cao;
- Là nguyên liệu cấu thành sản phẩm chăm sóc sức khỏe hoặc chữa bệnh đã được sử dụng lâu đời của cộng đồng.
2. Các loài cây dược liệu tiềm năng cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển
Căn cứ kết quả điều tra, đánh giá và bộ tiêu chí lựa chọn, bước đầu đề xuất 14 loài cây dược liệu có tiềm năng phát triển cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển theo trục sản phẩm trên địa bàn tỉnh như sau:
- Nhóm cây dược liệu có quy mô lớn, phân bố ở nhiều tỉnh (cấp quốc gia): Các loài cây dược liệu có quy mô thị trường lớn, có thể xuất khẩu do tính đa dụng của chúng: Tràm các loại (gió, năm gân), Nghệ.
- Nhóm cây có thế mạnh của tỉnh (cấp tỉnh): Các cây dược liệu đặc thù của tỉnh: Chè vằng, An xoa,...
- Nhóm cây đặc thù của cộng đồng (cấp cộng đồng): Các cây được chọn gắn với sản phẩm, theo chu trình OCOP như: Bảy lá một hoa, Giảo cổ lam, Sâm cau, Sả, Dây thìa canh, Sâm bố chính, Cà gai leo, Khôi tía, Đẳng sâm,…
- Nhóm cây có thế mạnh thị trường, cần được khảo nghiệm, đánh giá từ đó nhân rộng trên địa bàn của tỉnh Quảng Trị: Quế.
Trong đó những cây phù hợp với trồng dưới tán rừng: Bảy lá một hoa, Giảo cổ lam, Sâm cau, Khôi tía; Những cây trồng tập trung, quy mô lớn: Nghệ, Chè vằng, Sả, Cà gai leo, An xoa, Dây thìa canh, Tràm gió, Sâm bố chính, Đẳng sâm, Quế.
3. Định hướng phát triển
3.1. Đa dạng hóa sản phẩm
- Sản phẩm từ dược liệu đi theo hướng sản phẩm thuộc ngành hàng thực phẩm của Chương trình OCOP: Bao gồm các dược liệu dạng rau-củ-quả tươi sống; dược liệu đã qua chế biến dưới dạng bánh, bột, mứt,… Theo hướng này, dược liệu được trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP và Organic Việt Nam (nếu định hướng thị trường trong nước) và GACP, GlobalGAP hoặc Organic quốc tế (nếu định hướng xuất khẩu). Hướng này cần chi phí đầu tư thấp hơn, có thể phát triển được nhiều sản phẩm OCOP do điều kiện sản xuất không quá khắt khe. Đây là hướng đi dễ thực hiện, càn ít thời gian để đẩy sản phẩm dược liệu ra thị trường, ít tốn kém chi phí đầu tư, không phải đầu tư các phòng thí nghiệm phức tạp. Nhược điểm là quy mô vùng nguyên liệu và khả năng nhân rộng không lớn do ít có các hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn đủ mạnh để có thể xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ.
- Sản phẩm từ dược liệu đi theo hướng sản phẩm thuộc ngành hàng đồ uống của Chương trình OCOP: Bao gồm các loại trà từ thảo dược (trà thô, trà tan); đồ uống đóng chai/lon, cao thực phẩm; các loại đồ uống có cồn, như nước uống lên men, rượu vang. Theo hướng này, dược liệu được trồng đạt tiêu chuẩn tương tự như với ngành hàng thực phẩm. Nhà xưởng được xây dựng đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản xuất nông sản hoặc đồ uống. Hướng này cũng cần chi phí đầu tư thấp hơn, có thể phát triển được nhiều sản phẩm OCOP.
- Sản phẩm từ dược liệu đi theo hướng sản phẩm thuộc ngành hàng thảo dược của Chương trình OCOP, bao gồm: Thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc từ dược liệu, thuốc Y học cổ truyền,... Tất cả các sản phẩm thuộc ngành hàng này đều phải tuân thủ các điều kiện khắt khe khi sản xuất và kinh doanh, do đó mức đầu tư cao hơn rất nhiều, khó phù hợp với các sảm phẩm OCOP do cộng đồng thực hiện. Đặc biệt đối với nhóm sản phẩm thực phẩm chức năng, thuốc từ dược liệu, các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần chi phí rất lớn để xây dựng nhà máy, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, do đó gặp khó khăn trong phát triển các sản phẩm OCOP thuộc nhóm này.
- Sản phẩm từ dược liệu đi theo hướng sản phẩm thuộc ngành hàng thủ công mỹ nghệ, lưu niệm của Chương trình OCOP: Chủ yếu là các sản phẩm được đóng gói và trình bày thành các đơn vị nhỏ bán cho khách du lịch để làm quà biếu, thường dưới dạng thực phẩm (tươi sống và chế biến), đồ uống, tinh dầu, mỹ phẩm.
- Sản phẩm từ cây dược liệu đi theo hướng nguyên liệu chất lượng cao cho các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến dược liệu, thực phẩm chức năng. Theo hướng này, dược liệu được trồng đạt tiêu chuẩn GACP hoặc các tiêu chuẩn khác theo yêu cầu của thị trường đích.
Tùy theo tính chất, khả năng nhận rộng, chất lượng, sự khác biệt của từng loại cây dược liệu để lựa chọn định hướng phát triển sản phẩm cho phù hợp. Có thể lựa chọn nhiều cách làm khác nhau cho cùng 1 loại dược liệu tiềm năng, chọn cách làm từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, làm dần dần, từng bước để phát huy hiệu quả cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới.
3.2. Gắn với dịch vụ du lịch
- Do đặc thù của tỉnh có lợi thế về văn hóa, cảnh quan, các hoạt động du lịch, cần gắn các hoạt động kinh tế dược liệu với du lịch, đặc biệt là nền du lịch thứ ba, thông qua xây dựng các trục văn hóa - thảo dược, tạo các vùng tham quan trải nghiệm dược liệu, cụm chăm sóc sức khỏe thảo dược và các điểm bán hàng, giới thiệu, quảng bá sản phẩm từ dược liệu tại các khu vực, cụm có thế mạnh.
- Phát triển sản phẩm từ dược liệu đi theo hướng sản phẩm thuộc ngành hàng dịch vụ du lịch của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP): Là các sản phẩm dịch vụ dưới dạng điểm du lịch trải nghiệm thảo dược, tại đó du khách được tham quan, trải nghiệm ở các công đoạn phù hợp như gieo trồng, chăm sóc, thu hái, chưng cất, chiết xuất hoặc chăm sóc sức khỏe (ăn, uống, tắm,...) và điều trị (thiền, tắm, masage,...), kèm theo đó là dịch vụ lưu trú dưới dạng home stay, farm stay và forest stay.
- Phát triển các bài thuốc dân gian cổ truyền của người Quảng Trị, đặc biệt là đồng bào thiểu số Vân Kiều, Pa Kô. Phát triển dược liệu theo hướng này có thể gắn với xây dựng các sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng gắn với nét văn hóa đặc sắc; OCOP du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp sinh thái. Hướng đi này sẽ tạo ra được các sản phẩm OCOP đặc trưng, gắn phát triển du lịch với phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh.
III. Quan điểm, mục tiêu, phạm vi và đối tượng của đề án
1. Quan điểm
- Huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra các sản phẩm dược liệu có thương hiệu gắn với sản phẩm OCOP đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Phát triển dược liệu phải gắn với khai thác hợp lý nguồn dược liệu tự nhiên, quý hiếm của tỉnh, nhằm giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái gắn với khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và kết hợp với y dược hiện đại.
- Chuyển hướng từ “sản xuất dược liệu” sang “kinh tế thảo dược” dựa trên lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, thị trường, giá trị gia tăng và nâng cao hiệu quả, hợp tác liên kết.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu tổng quát
- Phát triển cây dược liệu phù hợp với từng vùng sinh thái, trên cơ sở sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng về điều kiện tự nhiên, xã hội gắn với quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu trồng và tự nhiên, gắn với cơ sở chế biến và phát triển các sản phẩm OCOP.
- Phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra các sản phẩm dược liệu có thương hiệu đủ sức cạnh tranh trên thị trường, gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng trồng dược liệu gắn với cơ sở chế biến, cơ cấu sản phẩm đa dạng bảo đảm an toàn và chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường dược liệu trong và ngoài tỉnh, hướng tới xuất khẩu.
- Nâng cao năng lực nghiên cứu, quản lý trong công tác chọn tạo sản xuất giống, quy trình sản xuất dược liệu an toàn, nâng cao năng suất và chất lượng dược liệu đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước.
- Thu hút các nhà đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu, thuốc và thực phẩm chức năng. Xây dựng các mô hình khép kín từ nuôi, trồng, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ cây dược liệu.
- Gắn phát triển dược liệu với phát huy các giá trị lịch sử, giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều và Pa Kô, giữ gìn bản sắc dân tộc, sử dụng các bài thuốc cổ truyền gắn với du lịch sinh thái cộng đồng.
2.2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn 2022 - 2025
- Phấn đấu đến năm 2025, đưa diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh lên 4.500 ha, trong đó trồng mới ít nhất 1.000 ha:
+ Trồng mới cây dược liệu có quy mô sản xuất tập trung ít nhất là 200 ha đối với những cây dược liệu có tiềm năng: Nghệ, Chè vằng, Sả, Cà gai leo, An xoa, Dây thìa canh, Tràm, Sâm bố chính, Quế, Đẳng sâ…;
+ Trồng mới cây dược liệu dưới tán rừng ít nhất 800 ha đối với những cây dược liệu có tiềm năng: Bảy lá một hoa, Giảo cổ lam, Sâm cau, Khôi tía,…
- Xây dựng, nâng cấp 20 cơ sở ươm giống cây dược liệu để chủ động nguồn giống đảm bảo chất lượng phát triển dược liệu trên địa bàn;
- Xây dựng và nâng cấp ít nhất 20 cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm có nguồn gốc từ cây dược liệu;
- Có thêm 30 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ cây dược liệu, trong đó có ít nhất 01 sản phẩm được công nhận sản phầm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao.
b) Đến năm 2030
- Phấn đấu đưa diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh lên trên 6.000 ha, trong đó trồng mới thêm ít nhất 1.500 ha:
+ Trồng mới cây dược liệu có quy mô sản xuất tập trung ít nhất 500 ha (Chè vằng, Tràm, Nghệ, Sả, Cà gai leo, An Xoa, Dây thìa canh, Sâm bố chính, Đẳng sâm, Quế);
+ Trồng mới dưới tán rừng ít nhất 1.000 ha (Bảy lá một hoa, Sâm cau, Giảo cổ lam, Khôi tía,...)
- Nâng cấp và đầu tư mở rộng cơ sở ươm giống cây dược liệu đạt 25-30 cơ sở để chủ động nguồn giống có chất lượng phát triển dược liệu trên địa bàn.
- Có thêm 40 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ cây dược liệu, trong đó có ít nhất 2 sản phẩm được công nhận sản phầm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao;
- Xây dựng và nâng cấp thêm 10 cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm có nguồn gốc từ cây dược liệu;
3. Phạm vi và đối tượng
3.1. Phạm vi
- Phạm vi thực hiện: Trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.
- Thời gian: Thực hiện từ năm 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
3.2. Đối tượng
- Cây dược liệu: Tập trung phát triển 14 loài dược liệu: Chè vằng, Tràm, Nghệ, Sả, Cà gai leo, An Xoa, Dây thìa canh, Bảy lá một hoa, Đẳng sâm, Sâm cau, Giảo cổ lam, Quế, Sâm bố chính và Khôi tía. Các cây dược liệu khác tạo thành sản phẩm cổ truyền của các dân tộc trong tỉnh đạt tiêu chí là sản phẩm OCOP.
- Sản phẩm: Các sản phẩm thuộc các ngành hàng OCOP (thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm – thủ công mỹ nghệ) và dịch vụ du lịch.
- Chủ thể thực hiện: Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại, hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng trọt, sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng các dịch vụ trên địa bàn tỉnh có liên quan đến 14 cây dược liệu có khả năng nhân rộng và thị trường tiêu thụ ổn định. Ưu tiên các dự án có liên kết, hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tổ chức sơ chế, chế biến; chuyển giao khoa học công nghệ.
IV. Nhiệm vụ đề án
1. Tạo nguồn nguyên liệu dược liệu từ thực vật
1.1. Định hướng quy hoạch, phát triển các vùng nguyên liệu từ cây dược liệu theo các tiểu vùng
a) Đối với các loài cây dược liệu đã được nghiên cứu, đưa vào sản xuất, chế biến tiêu thụ trên địa bàn tỉnh
- Nghệ (Curcuma longa): Phát triển trên địa bàn các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa, Triệu Phong, Hải Lăng,...
- Chè vằng (Jasminum subtriplinerve): Phát triển trên địa bàn các huyện Cam Lộ, Gio Linh, Đakrông, Hải Lăng, Hướng Hóa, thành phố Đông Hà,...
- Sả (Cymbopogon sp.): Phát triển trên địa bàn các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Đakrông, Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị,...
- Cà gai leo (Solanum procumbens): Phát triển trên địa bàn các huyện Cam Lộ, Gio Linh, Đakrông,...
- An xoa (Helicteres hirsuta): Phát triển trên địa bàn các huyện Cam Lộ, Đakrông, Gio Linh, Triệu Phong,...
- Dây thìa canh (Gymnema sylvestre): Phát triển trên địa bàn các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ,...
- Tràm (Melaleuca sp.): Phát triển trên địa bàn vùng cát các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh,...
- Sâm bố chính (Hibiscus sagittifolius): Phát triển trên địa bàn các huyện Triệu Phong, Gio Linh, Cam Lộ, Đakrông,...
- Đẳng sâm (Codonopsis pilosula): Phát triển dưới tán rừng tự nhiên trên địa bàn các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh, Gio Linh,... Có thể mở rộng mô hình trồng ngoài rừng tự nhiên trên địa bàn các huyện Hướng Hóa và Đakrông.
- Quế (Cinnamomum sp.): Phát triển trên địa bàn các huyện Cam Lộ, Đakrông, Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong, thành phố Đông Hà,...
b) Đối với các loài cây dược liệu ngoài tự nhiên có giá trị y học, kinh tế cao, có tiềm năng phát triển
- Bảy lá một hoa (Paris polyphylla): Phát triển dưới tán rừng tự nhiên trên địa bàn các huyện Đakrông, Hướng Hóa,...
- Giảo cổ lam (Gynostemma pentaphyllum): Phát triển trên địa bàn huyện Đảo Cồn Cỏ, Đakrông, Hướng Hóa,...
- Sâm cau (Curculigo orchioides): Phát triển dưới tán rừng tự nhiên trên địa bàn các huyện Cam Lộ, Hướng Hóa, Đakrông, Đảo Cồn Cỏ,...
- Khôi tía (Ardisia silvestris/gigantifolia): Phát triển dưới tán rừng tự nhiên trên địa bàn các huyện Đakrông, Hướng Hóa,...
1.2. Tạo nguồn chuẩn hóa
Hình thành các vùng trồng dược liệu tập trung, dược liệu dưới tán rừng gắn với hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm từ các doanh nghiệp, hợp tác xã. Hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, chế biến các sản phẩm từ dược liệu trồng tập trung và trồng dưới tán rừng tự nhiên. Chuẩn hóa nguồn nguyên liệu dược liệu thông qua hỗ trợ chứng nhận sản xuất đạt các tiêu chuẩn như: GACP (thực hành tốt trồng trọt và thu hái), VietGAP (Thực hành nông nghiệp tốt ở Việt Nam), GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu), Orgnanic (nông nghiệp hữu cơ), Fair trade (thương mại công bằng).
2. Chế biến
- Đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố để thu hút các dự án đầu tư sơ chế, chế biến dược liệu đạt tiêu chuẩn phục vụ cho việc tiêu thụ hết sản lượng nguyên liệu sản xuất.
- Hỗ trợ đầu tư thiết bị, công nghệ bào chế, chế biến dược liệu (thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu thô, thuốc phiến) cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất để đủ điều kiện sản xuất tối thiểu theo yêu cầu. Hỗ trợ xây dựng các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất dược liệu đạt các tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế (GMP).
3. Tạo sản phẩm và dịch vụ (phát triển mới và nâng cấp sản phẩm cũ)
- Nghiên cứu nền tảng: Triển khai các đề tài nghiên cứu cơ bản định hướng về cây thuốc các dân tộc ở Quảng Trị (đặc biệt là 2 dân tộc Vân Kiều và Pa Kô), từ đó phát hiện các tiềm năng, xác định cơ sở khoa học, và nghiên cứu phát triển sản phẩm mới dưới dạng đồ ăn, thức uống, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc.
- Phát triển sản phẩm từ thảo dược: Các loại nông sản tươi sống có lợi cho sức khỏe, nông sản chế biến và đồ uống từ thảo dược, hương liệu, mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc phiến, thuốc từ dược liệu.
- Hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kiểm nghiệm, công bố chất lượng sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, xác lập quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ,… Xây dựng các sản phẩm dược liệu đạt tiêu chí OCOP 4 sao, 5 sao.
- Khảo sát, xây dựng và triển khai các chuỗi giá trị du lịch thảo dược: Nghiên cứu đánh giá các tuyến/sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với khai thác các giá trị văn hóa lịch sử, các bài thuốc dân gian cổ truyền để đề xuất các sản phẩm trãi nghiệm từ dược liệu, các sản phẩm cộng đồng từ các bài thuốc dân gian quý.
4. Phát triển thị trường
- Kết nối thị trường: Gắn kết các chủ thể sản xuất, kinh doanh tại cộng đồng với các chủ thể khác trong chuỗi giá trị (như các doanh nghiệp du lịch, các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, các nhà hàng,...) nhằm kéo dài chuỗi giá trị, phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm,... Xác định nhu cầu thị trường, gồm yêu cầu phần cốt lõi của sản phẩm/dịch vụ, các phân khúc thị trường, độ lớn thị trường, giá cả.
- Bổ sung danh mục sản phẩm từ cây dược liệu trồng trên địa bàn tỉnh vào danh mục cây thuốc điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh và từng bước mở rộng ra ngoài tỉnh. Tổ chức hội nghị, hội thảo nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại thương hiệu sản phẩm cây dược liệu của tỉnh và định hướng ra thị trường quốc tế. Đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, bảo hộ, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm được sản xuất, chế biến từ cây dược liệu.
- Tăng cường quảng bá hình ảnh các vùng sản xuất dược liệu tập trung gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm; kết nối tiêu thụ sản phẩm dược liệu làm quà cho du khách tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh. Xây dựng khu trung tâm trưng bày, giới thiệu và kinh doanh quy mô lớn về dược liệu, tổ chức các tour du lịch cho khách trong và ngoài nước được tham quan và trải nghiệm sử dụng các sản phẩm dược liệu đặc trưng của địa phương. Tổ chức các lễ hội về dược liệu quy mô lớn lồng ghép với các dịp lễ, hội do địa phương tổ chức, nhằm truyền thông và quảng bá các hình ảnh về vùng trồng dược liệu và giới thiệu về dược liệu Quảng Trị tới du khách. Xây dựng cơ chế để liên kết các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh du lịch với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh dược liệu, tạo ra sự cộng hưởng truyền thông giá trị văn hóa thảo dược.
- Nghiên cứu nhu cầu thị trường, nắm bắt kịp thời những biến động của thị trường để dự báo và có sự điều chỉnh phù hợp trong từng giai đoạn sản xuất, chế biến và kinh doanh góp phần nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm dược liệu.
- Tích cực tham gia các tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại về dược liệu trong tỉnh, ngoài tỉnh và quốc tế. Xây dựng thương hiệu một số cây dược liệu bản địa mang tính đặc hữu, có giá trị kinh tế cao, đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường.
5. Ứng dụng khoa học công nghệ (cơ giới hóa, chuyển đổi số, công nghệ 4.0)
- Ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong nghiên cứu chọn tạo giống
và kỹ thuật trồng, khai thác, bảo quản sau thu hoạch và chế biến cây dược liệu cho năng suất, chất lượng cao, nhằm tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng, hạ giá thành, có sức cạnh tranh trên thị trường, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh và các nhu cầu khác trong và ngoài tỉnh.
- Xây dựng Chương trình phát triển thương hiệu các sản phẩm dược liệu chủ lực trên địa bàn tỉnh và công cụ quản lý thương hiệu như: Đăng ký sở hữu trí tuệ, xây dựng, lôgô, mã vạch, mã QR,...
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý nguồn tài nguyên dược liệu, kiểm tra chất lượng và truy xuất nguồn gốc dược liệu; Khuyến khích các tổ chức khoa học công nghệ, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, tiếp nhận, làm chủ và ứng dụng công nghệ để trồng và sản xuất nguyên liệu dược liệu làm thuốc.
- Triển khai hồ sơ điện tử các lô trồng và chế biến, truy xuất nguồn gốc trong lĩnh vực sản xuất và công nghệ nhận diện khách quen, đặt hàng và thanh toán phi tiếp xúc trong lĩnh vực dịch vụ.
6. Phát triển và liên kết các chủ thể kinh tế tham gia OCOP (cấu trúc lại các chủ thể đã tham gia OCOP và hình thành mới)
- Hỗ trợ một số doanh nghiệp, hợp tác xã để có thể đóng vai trò chủ chốt, có thể thực hiện chế biến các dược liệu thô thành sản phẩm cao cấp hơn, bao gồm: dược liệu đóng gói, cao định chuẩn, các chế phẩm hoàn thiện (viên nén, viên nang, trà tan,...) cung cấp cho thị trường thuốc và thị trường bán lẻ. Hạt nhân của các doanh nghiệp chủ chốt này là các nhà xưởng chiết xuất và sản xuất có trình độ công nghệ cao nhất trong chuỗi.
- Gắn kết các chủ thể sản xuất, kinh doanh tại cộng đồng với các chủ thể khác trong chuỗi giá trị (như các doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, các cửa hàng OCOP, chuỗi bán lẻ, các nhà hàng,...) nhằm kéo dài chuỗi giá trị, phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh cây dược liệu phát triển.
- Đầu tư cho doanh nghiệp tham gia xây dựng chuỗi liên kết từ tạo vùng nguyên liệu đến tiêu thụ sản phẩm đầu ra; đầu tư sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với hoạt động sản xuất kinh doanh dược liệu, để phát huy được các kết quả của nghiên cứu khoa học để ứng dụng vào thực tiễn.
- Tổ chức sản xuất, tạo liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất chế biến dược liệu phối hợp với người dân, chính quyền địa phương xây dựng, phát triển vùng sản xuất nguyên liệu các loài cây thuốc theo quy hoạch, đặc biệt đối với những loại dược liệu đang có nhu cầu lớn phù hợp với điều kiện sinh thái và địa lý của từng địa phương.
- Xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế và chế biến dược liệu và phân phối dược liệu; khuyến khích hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết trồng, tiêu thụ dược liệu theo chuỗi giá trị.
- Hình thành Hiệp hội Dược liệu tỉnh Quảng Trị để làm đầu mối tổ chức liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ dược liệu, bảo vệ quyền lợi cho các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển dược liệu.
7. Xây dựng hệ thống hỗ trợ
- Phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm dược liệu: Thực tế nhiều loại dược liệu đang nhập khẩu nhưng ở Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu; dược liệu nhập khẩu không chỉ được dùng cho mục đích sản xuất thuốc của chính doanh nghiệp nhập khẩu mà còn cung cấp cho các doanh nghiệp khác để sản xuất thuốc, ngoài ra còn cung cấp cho các bệnh viện có chức năng khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, các cơ sở kinh doanh dược liệu và hệ thống các phòng khám chẩn trị y học cổ truyền trong cả nước, sản xuất thực phẩm chức năng và các nhu cầu khác.
- Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển cây dược liệu: Cần có chính sách hỗ trợ phát triển từ vùng nguyên liệu đến bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, nâng cao khả năng thương mại hóa sản phẩm và đến tiếp cận thị trường.
- Các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động chế biến, tiêu thụ dược liệu phải có hợp đồng đầu tư sản xuất, cam kết thu mua, chế biến dược liệu theo quy định của pháp luật.
- Xây dựng các trung tâm giống, trên cơ sở tái cấu trúc các đơn vị sản xuất giống hiện có trong tỉnh, tập trung vào các loài cây có quy mô lớn (Tràm, Quế,...).
- Bảo tồn các cây thuốc bản địa kết hợp với du lịch: Xây dựng vườn bảo tồn cây thuốc, dưới dạng vườn cây thuốc, rừng thuốc tại các vùng có hoạt động du lịch, đặc biệt là 2 nhóm dân tộc Vân Kiều và Pa Kô ở Hướng Hóa và ĐakRông.
8. Đào tạo nguồn nhân lực
- Đầu tư trực tiếp nguồn lực vào việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác đào tạo và huấn luyện, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất và chế biến dược liệu, quy hoạch, xây dựng vùng trồng dược liệu. Đào tạo nhân lực cho cán bộ quản lý các cấp về nghiệp vụ phù hợp với các vị trí công tác liên quan đến phát triển dược liệu; Đào tạo ứng dụng công nghệ 4.0 trong toàn chuỗi giá trị.
- Đẩy mạnh và biên soạn các tài liệu hướng dẫn về quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và chế biến các loài cây dược liệu có triển vọng phát triển.
- Tổ chức các hội thảo về việc xây dựng ý tưởng sản xuất kinh doanh và phát triển các sản phẩm dược liệu, hướng đến xây dựng các chuỗi liên kết sản phẩm dược liệu theo hướng sản phẩm OCOP.
9. Quản trị chất lượng
- Triển khai hệ thống quản trị chất lượng tại từng tổ chức kinh tế (các Hợp tác xã, Doanh nghiệp vừa và nhỏ) nhằm bảo đảm sự tuân thủ các tiêu chuẩn đã công bố, theo định hướng xanh và có trách nhiệm.
- Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm nông sản: Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý chất lượng nông sản tại các cơ sở sản xuất trồng trọt ban đầu, các cơ sở chế biến sản phẩm có nguồn gốc dược liệu; tăng cường công tác quản lý chất lượng giống, vật tư nông nghiệp.
V. Giải pháp thực hiện
1. Giải pháp tuyên truyền
Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về chủ trương định hướng, chính sách của nhà nước đối với ngành dược liệu. Nâng cao nhận thức của nhân dân trong vùng quy hoạch về hiệu quả của sản xuất dược liệu, khai thác dược liệu lâu năm, dược liệu dưới tán rừng hợp lý, không phát triển sản xuất tự phát.
Tuyên truyền để giúp người dân và cộng đồng nâng cao nhận thức về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), về sản phẩm OCOP, khuyến khích chủ thể tích cực tham gia phát triển sản phẩm, tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và người dân hiểu và ưu tiên sử dụng các sản phẩm dược liệu để chăm sóc sức khoẻ.
Tuyên truyền, quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài, internet..) về tình hình sản xuất và tác dụng của tiêu dùng sản phẩm cây dược liệu, góp phần thúc đẩy tiêu thụ phát triển.
2. Giải pháp về quy hoạch
Tập trung đánh giá rà soát kết quả thực hiện công tác quy hoạch Ngành nông nghiệp nói chung và triển khai quy hoạch vùng trồng dược liệu nói riêng. Cần quan tâm các khu vực, tiểu vùng sinh thái sản xuất và bảo tồn dược liệu quý, hiếm trên địa bàn tỉnh. Việc quy hoạch mang tính chất lâu dài cho giai đoạn 2022 – 2025 và tầm nhìn đến 2030 để kêu gọi, xúc tiến hợp tác, liên kết đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp nói chung, dược liệu nói riêng đồng thời, giúp các tổ chức, cá nhân, Doanh nghiệp yên tâm, có kế hoạch đầu tư sản xuất, phát triển bài bản lâu dài.
Quy hoạch vùng dược liệu từ tự nhiên có trữ lượng lớn, phát triển từng loài dược liệu phù hợp với hiện trạng phân bố, điều kiện tự nhiên của từng tiểu vùng khí hậu, nhất là các huyện trọng điểm phát triển dược liệu như: Cam Lộ, Đakrông và Hướng Hóa… để khuyến khích phát triển các dược liệu phù hợp; có kế hoạch khai thác bền vững gắn với bảo tồn nguồn dược liệu từ tự nhiên có trữ lượng lớn.
Bố trí diện tích rừng và đất lâm nghiệp, diện tích đất nông nghiệp phù hợp để phát triển vùng trồng dược liệu tập trung quy mô lớn; gắn công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với phát triển dược liệu; đẩy mạnh việc giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất và chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp phù hợp sang nuôi trồng dược liệu để phát triển vùng nuôi trồng dược liệu tập trung.
Khuyến khích tích tụ đất đai để tạo các vùng trồng cây dược liệu tập trung theo các phương thức góp đất, thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo thỏa thuận và tự nguyện giữa người có đất với người có nhu cầu sử dụng đất phù hợp với quy định của pháp luật.
Tiến hành rà soát, xây dựng, điều chỉnh bổ sung quy hoạch vùng nhằm xây dựng cơ cấu cây trồng một số loài dược liệu theo vùng và phát huy tiềm năng sẵn có cây dược liệu trên địa bàn tỉnh; trồng và sản xuất dược liệu phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và định hướng xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025; định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu. Xây dựng quy chế quản lý quy hoạch và thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt.
3. Giải pháp về cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bảo tồn, phát triển dược liệu
3.1. Chính sách của Trung ương
Hướng dẫn thực hiện và tạo điều kiện cho các Doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở sản xuất tiếp cận các chính sách có liên quan ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu của Trung ương như: Nghị quyết 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 29/6/2020 của Quốc hội khóa 14 về phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 15/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa 15 về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết 25/2021/QH15 ngày 04/8/2021 của Quốc hội khóa 15 về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ về chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn…
3.2. Chính sách đặc thù của địa phương
3.2.1. Hỗ trợ tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHCN trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản dược liệu
- Nội dung và định mức hỗ trợ: Tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHCN trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản dược liệu. Hỗ trợ 100% chi phí, định mức hỗ trợ 06 triệu đồng/lớp, mỗi năm tập huấn 10 lớp.
- Điều kiện hỗ trợ: Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất tham gia trồng, sơ chế, chế biến, bảo quản cây dược liệu trên địa bàn tỉnh.
3.2.2. Hỗ trợ phát triển trồng dược liệu tập trung có giá trị kinh tế cao và sức tiêu thụ mạnh trên thị trường.
a) Hỗ trợ phát triển các vùng sản xuất dược liệu tập trung: Áp dụng theo Khoản 5, Điều 3, Nghị quyết số 162/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021 của HĐND tỉnh về Quy định chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026.
b) Hỗ trợ phát triển cây dược liệu dưới tán rừng: Áp dụng theo Khoản 6, Điều 3, Nghị quyết số 162/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021 của HĐND tỉnh về Quy định chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026.
3.2.3. Hỗ trợ lãi suất vay vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất giống cây dược liệu; đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị phục vụ sơ chế, chế biến, bảo quản dược liệu: Áp dụng theo Khoản 6, Điều 5, Nghị quyết số 162/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021 của HĐND tỉnh về Quy định chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026.
3.2.4. Chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm dược liệu đạt chứng nhận sản phẩm OCOP đối với các tổ chức, cá nhân có tham gia liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ dược liệu trên địa bàn tỉnh: Áp dụng theo Khoản 3, Điều 5, Nghị quyết số 162/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021 của HĐND tỉnh về Quy định chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026.
3.2.5. Hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm có nguồn gốc nguyên liệu từ cây dược liệu đạt chứng nhận sản phẩm OCOP: Áp dụng theo Khoản 5, Điều 5, Nghị quyết số 162/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021 của HĐND tỉnh về Quy định chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026.
4. Giải pháp xúc tiến thương mại, hợp tác quốc tế
- Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu dược liệu Quảng Trị, xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu thụ sản phẩm, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại về dược liệu trong và ngoài tỉnh.
- Xây dựng nhãn hiệu của một số cây dược liệu bản địa mang tính đặc trưng, có giá trị kinh tế cao; tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh công tác bảo tồn, khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu và bảo tồn đa dạng sinh học. Hợp tác nghiên cứu khoa học, chia sẻ kinh nghiệm, thu hút đầu tư phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực dược liệu; nghiên cứu ứng dụng và tiếp nhận chuyển giao các công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện tỉnh Quảng Trị, thân thiện môi trường để tạo đột phá trong phát triển dược liệu và tạo ra các sản phẩm có giá trị điều trị cao, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
- Hợp tác đào tạo nguồn lực phục vụ công tác quản lý, kỹ thuật viên dược cổ truyền, kỹ thuật viên nuôi trồng dược liệu và đào tạo nghề lao động trồng dược liệu cho các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh dược liệu.
- Thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước, dự án khởi nghiệp có liên kết “5 nhà” (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học và ngân hàng).
5. Giải pháp về đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu
- Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ công tác nghiên cứu, chọn tạo và sản xuất giống cây dược liệu, cây thuốc phục vụ công tác nuôi trồng và phát triển dược liệu ở quy mô lớn phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh; Đầu tư cho công tác bảo tồn, bảo vệ và tái sinh dược liệu. Đầu tư kinh phí sự nghiệp cho các đơn vị nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng và chế biến dược liệu. Đầu tư nghiên cứu, phát triển các bài thuốc dân gian cổ truyền của đồng bào dân tộc thành các sản phẩm trãi nghiệm dược liệu gắn với phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp sinh thái;
- Giai đoạn 2022 - 2025, tập trung đầu tư có trọng điểm một số vùng bảo tồn, vùng trồng đạt chuẩn GACP và cơ sở chế biến dược liệu đạt chuẩn GMP nhằm xây dựng thương hiệu dược liệu Quảng Trị, làm mô hình điểm cho giai đoạn tiếp theo, giai đoạn 2026 – 2030, tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô vùng sản xuất và chế biến;
- Đầu tư cho công tác bảo tồn, bảo vệ và tái sinh dược liệu; Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác nghiên cứu tại các vùng trồng dược liệu trọng điểm; Đầu tư kinh phí sự nghiệp khoa học cho các đơn vị nghiên cứu về dược liệu phù hợp, tăng cường công tác thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến tại các vùng dược liệu quy mô lớn. Nghiên cứu hình thành trung tâm kinh doanh và thu mua dược liệu tại các vùng trọng điểm; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất cây giống dược liệu phục vụ nhu cầu trồng mới của tỉnh;
- Khuyến khích các hình thức liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân, trong đó doanh nghiệp hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm và người dân tổ chức sản xuất, cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp tiêu thụ;
- Xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối dược liệu. Tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật cho các cơ sở nghiên cứu phát triển giống dược liệu, các trường dạy nghề theo hướng đồng bộ, hiện đại,... Khuyến khích các hộ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ những diện tích sản xuất không hiệu quả sang mô hình trồng dược liệu hiệu quả, phù hợp với nhu cầu thị trường.
VI. Kinh phí và nguồn kinh phí
Giai đoạn 2022-2025: 51.716 triệu đồng. Trong đó:
- Ngân sách nhà nước: 30.920 triệu đồng, bao gồm:
+ Ngân sách tỉnh: 22.520 triệu đồng
+ Ngân sách huyện: 8.400 triệu đồng
- Tổ chức, cá nhân đối ứng: 20.796 triệu đồng.
(Chi tiết Phụ lục V,VI đính kèm)
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức triển khai các nội dung của Đề án, theo dõi tổng hợp quá trình thực hiện Đề án.
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tổ chức điều tra, quy hoạch phân vùng, địa bàn khai thác dược liệu tự nhiên, bảo tồn và phát triển dược liệu, chọn, tạo giống, nuôi trồng dược liệu.
Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, chế biến các loài dược liệu chính và phổ biến cho các tổ chức, cá nhân tham gia bảo tồn, phát triển vùng, vườn cây dược liệu trên địa bàn tỉnh.
Tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổng thể và chủ trì thực hiện các nội dung chính sách ưu đãi của Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Hàng năm, phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện Đề án gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.
Đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện, những kiến nghị, đề xuất hằng năm trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án, báo cáo UBND tỉnh.
Tham mưu thực hiện việc sơ kết, tổng kết và đề xuất Chương trình giai đoạn tiếp theo.
2. Sở Khoa học và Công nghệ
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được hỗ trợ từ Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia để đổi mới công nghệ chế biến, bảo quản dược liệu sau thu hoạch;
Tham mưu việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về chế biến dược liệu, công tác bảo tồn nguồn gen đặc hữu, quý hiếm, nhân rộng các mô hình phát triển nguồn dược liệu;
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh lựa chọn các nhiệm vụ khoa học công nghệ phục vụ phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh;
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm dược liệu mang địa danh của tỉnh, hướng dẫn hồ sơ bảo hộ sở hữu trí tuệ các bài thuốc y học cổ truyền.
3. Sở Công thương
Chủ trì tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường thương hiệu các sản phẩm dược liệu trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT và các sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách nhằm huy động các nguồn lực để phát triển vùng nguyên liệu, các sản phẩm từ dược liệu gắn với khai thác tài nguyên bản địa và Chương trình phát triển mỗi xã một sản phẩm.
Tích cực vận động thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các tổ chức, cá nhân đăng ký đầu tư phát triển dược liệu, chế biển, bảo quản các sản phẩm dược liệu tại địa phương.
5. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Kế hoạch và đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch hàng năm của Đề án.
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí thực hiện đề án.
6. Sở Thông tin và Truyền thông
Hướng dẫn các cơ quan báo chí, cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn thực hiện thông tin, tuyên truyền đến toàn thể cán bộ và nhân dân trong tỉnh về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện Đề án “Khuyến khích phát triển cây dược liệu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tập trung tuyên truyền về chủ trương tập trung, tích tụ ruộng đất nông nghiệp của tỉnh; các cơ chế chính sách đề án phát triển cây dược liệu, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các sở, ngành, địa phương xây dựng các chuyên mục thông tin, tuyên truyền theo nội dung của Đề án.
7. Sở Y tế
Tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển y dược cổ truyền kết hợp với hiện đại theo Chương trình phát triển y dược cổ truyền kết hợp với hiện đại của Thủ tướng Chính phủ.
Rà soát tham mưu UBND tỉnh ban hành bổ sung danh mục loài dược liệu có giá trị y tế và kinh tế để bổ sung vào danh mục các loài dược liệu có thể phát triển và tập trung đầu tư. Quản lý chất lượng dược liệu theo quy chuẩn kỹ thuật.
Có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ban ngành chức năng liên quan trên địa bàn tỉnh trong việc kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện GACP tại các cơ sở trồng trọt, thu hái, chế biến dược liệu hoạt động trên địa bàn tỉnh có hồ sơ công bố sản xuất dược liệu theo GACP.
8. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Phối hợp với các cơ quan ban ngành tuyên truyền, các cơ chế chính sách phát triển cây dược liệu dược liệu tập trung trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các sở, ngành, địa phương xây dựng các chuyên mục tuyên truyền, trưng bày, triển lãm, quảng bá thương hiệu sản phẩm theo nội dung của Chương trình.
9. Ban Dân tộc tỉnh
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa về chủ trương, chính sách phát triển cây dược liệu nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống; vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
10. Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Quảng Trị
Chỉ đạo các Ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tập trung ưu tiên nguồn vốn để cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; trong đó ưu tiên vốn cho các doanh nghiệp đầu tư dự án chế biến sâu dược liệu. Chỉ đạo các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
Chỉ đạo tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp/hợp tác xã để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp/hợp tác xã, người dân trong tiếp cận vốn để kịp thời đầu tư phát triển sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cây dược liệu.
11. Liên minh Hợp tác xã tỉnh
Phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành thống nhất chỉ đạo, vận động, hướng dẫn các tổ chức thành viên thực hiện đề án hiệu quả;
Hỗ trợ các hợp tác xã quảng bá, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm OCOP; đồng thời hỗ trợ vốn cho các đơn vị để ngày càng đa dạng sản phẩm OCOP của hợp tác xã.
12. Đề nghị Hội Đông Y tỉnh
Sưu tầm, kế thừa và khuyến cáo các nhà thuốc, phòng khám chữa bệnh ứng dụng các bài thuốc quý, bài thuốc gia truyền trong công tác khám chữa bệnh trên địa bàn; tổ chức nuôi trồng, thu hái, bào chế thuốc để sử dụng; có kế hoạch bảo tồn nguồn dược liệu trong tỉnh. Vận động người có bài thuốc gia truyền cống hiến cho Hội với mục đích bảo tồn và phát triển nền đông y của tỉnh. Phối hợp với các ngành có liên quan tuyên truyền chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với thuốc y dược cổ truyền cho các tổ chức cá nhân là chủ nhân cây thuốc, bài thuốc có nguồn gốc nuôi trồng tại tỉnh.
13. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh
Phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành thống nhất chỉ đạo, vận động, hướng dẫn các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội các cấp phối hợp với chính quyền cùng cấp đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tham gia; huy động, cân đối các nguồn lực hỗ trợ để thực hiện Đề án.
14. UBND các huyện, thị xã, thành phố
Tuyên truyền phổ biến Chương trình và các quy định pháp luật về phát triển nguồn dược liệu đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; chủ động đề xuất, xây dựng các nhiệm vụ thuộc Chương trình; bố trí kinh phí hàng năm để thực hiện Chương trình trên địa bàn.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ để phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan trong việc quy hoạch rừng dược liệu tự nhiên, vùng trồng phát triển nguồn nguyên liệu; ưu tiên quỹ đất cho xây dựng nhà máy chế biến dược liệu; ưu tiên bố trí giao đất, giao rừng cho các dự án, đề án phát triển dược liệu thế mạnh của địa phương, đặc biệt vùng nuôi trồng bảo tồn, phát triển các loại dược liệu quý hiếm.
Ký kết hợp đồng trách nhiệm bao tiêu sản phẩm giữa địa phương với các doanh nghiệp, đảm bảo dược liệu của địa phương khi nuôi trồng, chế biến ra có đầu ra tiêu thụ ổn định. Xây dựng chuỗi giá trị dược liệu, sản phẩm dược liệu; mỗi huyện xây dựng 2-3 mặt hàng sản phẩm tham gia giới thiệu quảng bá tại tỉnh và các tỉnh, thành khác trong cả nước về các sản phẩm từ dược liệu và dược liệu trồng tại địa phương.
Có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các xã khảo sát kỹ vị trí, địa điểm bố trí đất trồng cây dược liệu phù hợp và tổng hợp nhu cầu sử dụng đất phát triển dược liệu, cập nhật diện tích quy hoạch trồng dược liệu vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện.
Tiếp tục nghiên cứu đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu của các khu vực có khả năng thích nghi để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu; Định hướng phát triển những sản phẩm dược liệu chủ lực, dược liệu quý hiếm cần được bảo tồn nguồn gen và đầu tư phát triển thành vùng sản xuất tập trung, ổn định gắn với thị trường tiêu thụ.
Kiểm tra, giám sát việc thực hiện và định kỳ hàng năm báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả thực hiện Đề án để tổng hợp tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc thực hiện.
15. Kiểm tra, giám sát và đánh giá
Hàng năm, UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra, giám sát để nắm được tình hình triển khai thực hiện Đề án, để kịp thời chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế, từ đó, đưa ra các biện pháp thực hiện sát thực tế, có hiệu quả. Đôn đốc thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung hoạt động, chính sách của Đề án. Phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong quá trình thực hiện Đề án./.
[1] Chiếm khoảng 4-5% tống số loài thực vật bậc cao đã biết trên thế giới và khoảng 25% số loài thực vật bậc cao đã biết ở châu Á.
[2] Trồng chè vằng thu khoảng 135 triệu đồng/ha, lãi 90-100 triệu đồng/ha/năm; cà gai leo doanh thu từ 160 – 200 triệu đồng/ha, lãi 100-130 triệu đồng/ha; sản xuất và tiêu thụ sâm Bố Chính lãi 140 triệu đồng/ha/năm,… trong khi thu nhập từ cây sắn chỉ từ 30-40 triệu đồng/ha/năm.
- Tổng hợp danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm quy định khai thác thủy sản bất hợp pháp (Đợt 40)
- Thông báo công khai hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản.
- Thông báo danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm quy định khai thác thủy sản bất hợp pháp (Đợt 38)
- Thông báo kết quả quan trắc môi trường phục vụ vùng nuôi tôm tập trung – Đợt 20.2023
- Thông báo danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm quy định khai thác thủy sản bất hợp pháp. (Đợt 37)
Gửi câu hỏi
- 6060/ĐA/UBND - Đề án khôi phục đàn lợn sau bệnh Dịch tả lợn Châu phi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai...
- 795/HD-SNV - Biểu mẫu báo cáo thống kê công tác văn thư năm 2018
- 564/HD-SNV - Đề cương hướng dẫn quy chế công tác văn thư, lưu trữ
- 01/2019/TT-BNV - Thông tư của Bộ Nội vụ Quy định quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử...
- 3474/QĐ-UBND - Thông tin về cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) huyện Gio Linh
Đang truy cập: 1
Hôm nay: 791
Tổng lượt truy cập: 3.589.465