Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Cải cách hành chính (CCHC) là nội dung quan trọng của nền hành chính nhà nước, góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, duy trì sự phát triển của đất nước, qua đó, hiện thực hóa mục tiêu chính trị của Đảng. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Chương trình Tổng thể Cải cách Hành chính công ở Việt Nam đã xác định rõ 6 lĩnh vực cải cách là cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công; Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, chính quyền số.

Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa là đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực lâm nghiệp; thực hiện chức năng chính là quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa. Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) của Ban quản lý đã được Lãnh đạo Ban quan tâm chỉ đạo thực hiện trên tất cả các lĩnh vực và đạt được những kết quả tích cực. Năm 2024, Ban quản lý đã xây dựng Kế hoạch số 64/KH-BQL ngày 2/02/2024 về cải cách hành chính và kế hoạch số 79/KH-BQL ngày 16/2/2023 về tuyên truyền cải cách hành chính của đơn vị. Trong đó, lĩnh vực cải cách hành chính đơn vị đang đẩy mạnh và thực hiện tốt nhất là xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số mà đặc biệt là chú trọng là ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Cụ thể, Ban quản lý đã trang bị hơn 10 GPS cầm tay, 19 điện thoại thông minh có cài đặt Smart mobile cho 16 viên chức bảo vệ rừng chuyên trách và 02 đội tuần tra bảo vệ rừng và tháo gỡ bẫy. Sử dụng GPS cầm tay và phần mềm Smart mobile để ghi lại tọa độ, hình ảnh các điểm xảy ra hành vi xâm phạm rừng (như bẫy bắt động vật rừng, khai thác gỗ, lấn chiếm rừng…), dấu vết động vật rừng và các loài thực vật rừng quý hiếm. Sử dụng máy bẫy ảnh để ghi lại hình ảnh của các loài động vật, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý hiếm…Đây sẽ là cơ sở dữ liệu quan trọng để bộ phận chuyên môn tiến hành xây dựng báo cáo đánh giá và bản đồ các khu vực thường xảy ra các vi phạm về bảo vệ rừng, bản đồ phân bố các loài động vật rừng và thực vật rừng quý hiếm để đưa ra giải pháp kịp thời nhằm thực hiện tốt công tác QLBVR. Chúng tôi đã ứng dụng các phần mềm Mapinfo, QGIS … để xây dựng các bản đồ trong quản lý tài nguyên rừng, thiết kế các hạng mục lâm sinh, PCCCR.  Sử dụng phần mềm bản đồ trên điện thoại (Locus Map), trang bị 14 phần mềm Vtool để hỗ trợ lực lượng bảo vệ rừng trong quá trình tuần tra, kiểm tra rừng được thuận lợi hơn, giảm thiểu việc sử dụng bản đồ giấy và giúp tra cứu các thông tin một cách nhanh nhất liên quan đến vị trí (lô, khoảnh, tiểu khu), trạng thái rừng hoặc xác định các điểm có dấu hiệu biến động rừng, khu vực nghi ngờ xảy ra cháy rừng…

  Bên cạnh đó đơn vị tiếp tục, cập nhật bổ sung trang cơ sở dữ liệu về động thực vật rừng của Khu BTTN Bắc Hướng Hóa, qua đó các thông tin về: tên la tinh, tên địa phương, đặc điểm, phân bố, tình trạng nguy cấp, hình ảnh của các loài động thực vật được số hóa nhằm tra cứu thông tin một cách nhanh chóng phục vụ cho công tác nghiên cứu cũng như quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học.

 

Trong thời gian tới, Ban quản lý dự kiến mua sắm và sử dụng thiết bị bay flycam, ảnh vệ tinh … để rà soát hiện trạng rừng, phục vụ bảo vệ và phát triển rừng, phát hiện sớm các vi phạm, các điểm biến động rừng và đất lâm nghiệp.

  Có thể nói ứng dụng các thiết bị công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã góp phần rất hiệu quả trong công tác quản lý bảo vệ rừng, giám sát, bảo tồn đa dạng sinh học ở Ban quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa nói riêng và ngành Lâm nghiệp nói chung, phát hiện sớm, để ngăn chặn kịp thời giúp giảm thiểu các vụ phá rừng, lấn chiếm rừng trái phép. 

Trần Thị Kim Liễu - BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa

Đang truy cập: 6

Hôm nay: 988

Tổng lượt truy cập: 3.589.662