Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Hành lang pháp lý mới cho loại hình tổ hợp tác

Luật Hợp tác xã 2023 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV, ngày 20/6/2023 (thay thế Luật HTX 2012) và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Luật Hợp tác xã 2023 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho các Hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác, liên hiệp Hợp tác xã tham gia vào nền kinh tế - xã hội. Đồng thời cũng loại bỏ các quy định cũ gây trở ngại, giúp các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển hiệu quả, năng động và bền vững.

Riêng đối với loại hình tổ hợp tác, Luật HTX 2023 lần này đã bổ sung vào làm đối tượng áp dụng và có một chương riêng gồm 03 điều quy định cho loại hình này bao gồm các nội dung về: Thành lập, hoạt động của tổ hợp tác; Chuyển đổi tổ hợp tác thành hợp tác xã; Chính sách hỗ trợ tổ hợp tác chuyển đổi thành hợp tác.

Ngoài ra, cùng với loại hình hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác cũng được hưởng rất nhiều chính sách hỗ trợ nếu đảm bảo các quy định của Luật Hợp tác xã năm 2023, bao gồm: Chính sách về phát triển nguồn nhân lực, thông tin, tư vấn;  Chính sách đất đai; Chính sách thuế, phí và lệ phí; Chính sách tiếp cận vốn, bảo hiểm; Chính sách ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Chính sách tiếp cận và nghiên cứu thị trường; Chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; Chính sách hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro; Chính sách hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (Hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; Hỗ trợ vốn, giống, khoa học và công nghệ khi tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chuyển đổi sang sản xuất bền vững, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu; Hỗ trợ chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng vùng nguyên liệu khi tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất hoặc thuê đất, đất có mặt nước của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất nông nghiệp tập trung) và Chính sách vay vốn Quỹ hỗ trợ hợp tác xã.

 

Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có khoảng 1.983 THT với 23.910 thành viên, trong đó có 248 THT có đăng ký với chính quyền địa phương. Doanh thu bình quân khoảng 407 triệu đồng/năm. Lợi nhuận bình quân khoảng 91 triệu đồng/năm. Có 09 tổ hợp tác có sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao.

Hiện nay, loại hình tổ hợp tác hoạt động còn rất lỏng lẻo và chưa thực sự hiệu quả, tỷ lệ tổ hợp tác có đăng ký với chính quyền địa phương còn ít, vì vậy việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ còn rất hạn chế. Việc bổ sung quy định mới sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các tổ hợp tác hoạt động, đồng thời tạo cơ hội để tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước dễ dàng hơn, thúc đẩy cho loại hình tổ hợp tác phát triển trong thời gian tới.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, trong đó cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên. Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị.

Như vậy, việc được bổ sung vào đối tượng điều chỉnh của Luật HTX năm 2023, đồng thời đặt ra mục tiêu phát triển trong Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 đã thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta cho phát triển loại hình tổ hợp tác trong thời gian tới. Tổ hợp tác sẽ có đầy đủ hành lang pháp lý và hi vọng đây là cơ hội để loại hình hôt hợp tác phát triển năng động, hiệu quả và bền vững hơn.

Hoa Lệ - Chi cục Phát triển nông thôn

Đang truy cập: 6

Hôm nay: 1188

Tổng lượt truy cập: 3.589.862