Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

(Tapchinongthonmoi.vn) - Là địa phương thường xuyên chịu tác động của thiên tai và dịch bệnh nên nền nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, trong thời gian qua tỉnh Quảng Trị đã tập trung đẩy nhanh thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị. gia tăng, phát triển bền vững. Từ đó ổn định kinh tế - xã hội, tiếp tục khẳng định vị thế nền nông nghiệp là “bệ đỡ” của nền kinh tế của tỉnh.

Trong quá trình cơ cấu lại đó, phải kể đến sự góp sức của Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (Chương trình OCOP). Sau hơn 5 năm triển khai, Chương trình OCOP tỉnh Quảng Trị đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, được xem như giải pháp hữu hiệu trong phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế của địa phương

Hiện nay, toàn tỉnh có 138 sản phẩm OCOP, trong đó có 43 sản phẩm 4 sao, 95 sản phẩm 3 sao. Có 76 chủ thể OCOP, trong đó có 21 chủ thể là hợp tác xã, 9 chủ thể là tổ hợp tác, 22 chủ thể là doanh nghiệp, 24 chủ thể là hộ sản xuất kinh doanh. Có 9 điểm giới thiệu và bán hàng OCOP. Trong đó: Thành phố Đông Hà 5 điểm, huyện Đakrông 1 điểm, TX Quảng Trị 1 điểm, huyện Hải Lăng 01 điểm, huyện Cam Lộ 1 điểm.

Trong tổng số sản phẩm OCOP hiện có của tỉnh Quảng Trị, sản phẩm chế biến từ cây dược liệu chiếm khoảng hơn 1/3 với diện tích 3.550ha tập trung ở các huyện: Hướng Hóa, Ðakrông, Cam Lộ, Gio Linh và Vĩnh Linh với 14 loài cây dược liệu có tiềm năng phát triển gồm: chè vằng, an xoa, tràm, nghệ, thất diệp nhất chi hoa, giảo cổ lam, sâm cau, sả, dây thìa canh, sâm bố chính, cà gai leo, quế, đảng sâm. Ngoài dược liệu thì cây cà phê Arabica của huyện Hướng Hoá là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Quảng Trị. Được xem là một trong những loại cà phê ngon nhất Việt Nam, hiện cà phê của tỉnh Quảng Trị đã có nhiều thương hiệu nổi tiếng như: Cà phê Khe Sanh, Fun cà phê, Ta Lư cà phê…

cay ca phe khe sanh

Hiện cà phê của tỉnh Quảng Trị đã có nhiều thương hiệu nổi tiếng được chứng nhận OCOP

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, nhằm triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP ở địa phương theo hướng có trọng tâm, trọng điểm cần tập trung rà soát, ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về vùng nguyên liệu, văn hóa của địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn; Chú trọng phát triển các sản phẩm có dư địa lớn nhưng chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh như: Dược liệu, thủy hải sản, chăn nuôi, dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.

Quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ, hướng dẫn cho các chủ thể liên kết với người dân xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, ký kết hợp đồng bền vững với người dân. Hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới, nâng cấp sản phẩm đã được công nhận dựa trên ứng dụng công nghệ sơ chế, chế biến quy mô nhỏ và vừa, trong đó ưu tiên: Sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống được nghệ nhân, cộng đồng sáng tạo; sản phẩm được chế biến, chế biến sâu từ sản phẩm đặc sản, nguyên liệu địa phương và tri thức bản địa; sản phẩm gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống; khuyến khích sử dụng phụ phẩm nông nghiệp để tạo các sản phẩm OCOP.

san pham ocop

Chương trình OCOP tỉnh Quảng Trị đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế nông thôn

Theo bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông sản Khe Sanh (xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa) cho biết: “Để phát triển hơn nữa sản phẩm cà phê Khe Sanh (với 2 sản phẩm đạt 4 sao OCOP gồm: Khe sanh coffee - dạng hạt rang và Khe Sanh Coffee - dạng bột), HTX đã liên kết với 7 tổ nhóm gồm hơn 100 hộ nông dân tại các xã Hướng Tân và Hướng Phùng để sản xuất cà phê sạch theo hướng hữu cơ”.

“Nhằm hướng tới sản xuất cây cà phê an toàn sinh thái, HTX đã vận động bà con không lạm dụng hóa chất gây ảnh hưởng đến chất lượng hạt cà phê, mà thay vào đó là tập trung sản xuất cà phê sạch theo hướng hữu cơ để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, từ đó tạo thị trường ổn định cho sản phẩm. Ngoài ra, sản xuất theo hướng trên sẽ giúp sản phẩm của địa phương phát triển tốt hơn, giá trị cao hơn, mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân, từ đó tạo nên thương hiệu đặc trưng của cà phê Arabica Catimor Hướng Hoá – loại cà phê được ưa chuộng trên toàn thế giới và một trong những loại cà phê ngon nhất Việt Nam” bà Nguyễn Thị Hằng cho hay.

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn (PTNT) tỉnh Quảng Trị Hoàng Minh Trí, bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình OCOP hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn và vướng mắc như: Ý tưởng sản phẩm đăng ký tham gia nhiều, tuy nhiên số lượng chủ thể mới còn ít; một số địa phương vùng ven biển chưa khai thác hết dư địa về kinh tế để phát triển sản phẩm OCOP; nhiều sản phẩm có tiềm năng, có thế mạnh vùng nguyên liệu để ổn định sản xuất lâu dài nhưng chưa được địa phương ưu tiên phát triển và đăng ký tham gia Chương trình; chưa có nhiều HTX tổ chức các hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm chuyên ngành, do đó không có sản phẩm đủ điều kiện tham gia Chương trình OCOP; các sản phẩm OCOP vẫn còn gặp khó khăn trong tìm kiếm, mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu; sản phẩm OCOP tham gia các chuổi bán lẻ hiện đại, siêu thị còn ít; chưa có sản phẩm OCOP 5 sao; chưa có chủ thể xây dựng các chứng nhận quản lý chất lượng quốc tế, chưa có sản phẩm xuất khẩu ra các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc....

Hiện tại, công tác tuyên truyền về Chương trình còn hạn chế, đặc biệt là nội dung tuyên truyền cho người dân, chủ thể sản xuất. Một số địa phương vào cuộc chưa thực sự quyết liệt, một số cán bộ còn thiếu kinh nghiệm, còn lúng túng trong triển khai, tổ chức, hướng dẫn thực hiện. Việc khảo sát, rà soát các sản phẩm tiềm năng chưa thực sự tốt. Trong khi, một số sản phẩm sau khi công nhận OCOP chưa làm tốt công tác phát triển sản phẩm, phát triển thị trường; một số chủ thể đang tái cơ cấu lại, xây dựng mới cơ sở sản xuất nên không đủ điều kiện bắt buộc của tiêu chí OCOP; một số chủ thể cho rằng hồ sơ, thủ tục phức tạp nên không mặn mà đăng ký tham gia.

chuong trinh ocop quang tri

Bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình OCOP tỉnh Quảng Trị hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn và vướng mắc

Hiện trên địa bàn tỉnh có một số sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch tiềm năng, tuy nhiên so với các tiêu chí của Chương trình cần phải hoàn thiện, tiêu chuẩn hóa mới đủ điều kiện, một số điểm vướng quy hoạch sử dụng đất, một số điểm vướng chủ thể.

Trong khi nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 phải nâng cấp, tiêu chuẩn hóa và công nhận thêm 20 - 25 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 4 sao; đánh giá và công nhận lại cho các sản phẩm đã được UBND tỉnh công nhận năm 2021, hỗ trợ nâng hạng sao cho các sản phẩm đã được công nhận giai đoạn 2021 – 2023; tiếp tục hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP 5 sao; phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, phấn đấu đến năm 2025 có 1 – 2 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, 1 – 3 sản phẩm OCOP 5 sao; củng cố hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ sản xuất với HTX, doanh nghiệp; có 4 - 6 HTX nông nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP; Tư vấn, hướng dẫn phát triển sản phẩm, xây dựng hồ sơ sản phẩm cho 100% chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP; 100% sản phẩm OCOP được giới thiệu và bán trên các sàn thương mại điện tử; tổ chức tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài (nếu có).

"Để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa chương trình OCOP của tỉnh, phát triển cả về số lượng, chất lượng thì nguồn vốn là đòn bẩy quan trọng thực hiện chương trình, bao gồm: Vốn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; ngân sách cấp huyện; vốn tín dụng; vốn của các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất tự huy động; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án và vốn huy động hợp pháp khác".

Ông Hoàng Minh Trí - Chi Cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh Quảng Trị.

 

 

Đang truy cập: 11

Hôm nay: 1046

Tổng lượt truy cập: 3.589.720