Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Kinh tế trang trại là loại hình tổ chức sản xuất quan trọng ở nông thôn, góp phần quan trọng trong việc thay đổi bộ mặt của nông nghiệp, nông thôn. Phát triển kinh tế trang trại đã khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng; hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung có quy mô lớn, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới. Mặc dù trang trại trên địa bàn tỉnh phổ biến là trang trại nhỏ với quy mô nhỏ, tuy nhiên vai trò tích cực và quan trọng của kinh tế trang trại đang dần được thể hiện rõ nét trên cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

Kinh tế trang trại là loại hình tổ chức sản xuất quan trọng ở nông thôn, góp phần quan trọng trong việc thay đổi bộ mặt của nông nghiệp, nông thôn. Phát triển kinh tế trang trại đã khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng; hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung có quy mô lớn, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới. Mặc dù trang trại trên địa bàn tỉnh phổ biến là trang trại nhỏ với quy mô nhỏ, tuy nhiên vai trò tích cực và quan trọng của kinh tế trang trại đang dần được thể hiện rõ nét trên cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

 

 

       Sau khi Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT quy định tiêu chí kinh tế trang trại có hiệu lực, Chi cục Phát triển nông thôn đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Hướng dẫn số 1010/HD-SNN ngày 11/6/2020 về việc triển khai thực hiện Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT quy định tiêu chí kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

       Theo báo cáo số liệu từ các huyện, tính đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 146 trang trại, trong đó có 52 trang trại chăn nuôi, 16 trang trại trồng trọt, 07 trang trại thủy sản, 02 trang trại lâm nghiệp, 69 trang trại tổng hợp đạt tiêu chí quy định theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT của bộ Nông nghiệp và PTNT. Quy mô diện tích đất đai bình quân khoảng 3,6 ha/trang trại, nguồn vốn bình quân các trang trại là 3,07 tỷ đồng/trang trại, số lao động bình quân khoảng 3-4 lao động/trang trại và doanh thu bình quân: 2,23 tỷ đồng/trang trại

        Nhìn chung, các trang trại trên địa bàn tỉnh đều hoạt động kinh doanh có hiệu quả, khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của đất đai, đạt hiệu quả khá cao về năng suất, sản lượng trên mỗi đơn vị diện tích so với đất nông hộ và cá nhân quản lý. Sự phát triển của các trang trại thời gian qua đã mang lại hiệu quả đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội như: tạo công ăn việc làm cho một lực lượng lao động ở nông thôn, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình chủ trang trại, sử dụng ngày càng hiệu quả đất đai, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa theo hướng bền vững.

        Các chính sách hỗ trợ ưu đãi về vốn của nhà nước phần nào đã tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất. Cơ sở hạ tầng được đầu tư cơ bản ở một số vùng thuận lợi cho quá trình giao thông, vận chuyển hàng hóa. Các chủ trang trại ngày càng quan tâm đến khoa học kỹ thuật công tác khuyến nông được phổ biến kịp thời, áp dụng nhiều giống cây trồng vật nuôi có năng suất cao, thúc đẩy các mô hình khác phát triển

        Một số trang trại chăn nuôi hiện nay đã hợp tác với nhau thành lập Tổ hợp tác, HTX (HTX chăn nuôi Cát Vàng Trung Giang; Hợp tác xã Đoàn Kết, Cam Lộ; Hợp tác xã Thống Nhất.. ); hầu hết các trang trại chăn nuôi đều liên kết với các công ty để sản xuất theo hình thức trang trại bỏ vốn xây dựng cơ sở hạ tầng: chuồng trại, điện nước, hệ thống xử lý nước thải... phần con giống, thức ăn, đầu ra do các công ty đảm nhiệm. Với phương thức chăn nuôi này các trang trại giảm được chi phí đầu tư cũng như hạn chế được rủi ro về thị trường tiêu thụ khi có sự biến động về giá cả; một số trang trại có liên kết với công ty sản xuất, chế biến nông sản trong tiêu thụ sản phẩm như các trang trại nuôi lợn, nuôi gà, nuôi trồng thủy sản liên kết với các công ty sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản trong việc cung cấp thức ăn, phòng chữa bệnh cho đàn vật nuôi.

        Nhiều trang trại cơ bản hoạt động hiệu quả và có chiều hướng hoạt động mở rộng sản xuất, kinh doanh. Làm tốt công tác liên kết phòng trừ dịch bệnh, hỗ trợ khoa học công nghệ, tiêu thụ sản phẩm nên không để xảy ra thiệt hại nhiều khi thị trường biến động và thiên tai dịch bệnh. Các trang trại vẫn ổn định được sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giá thành đảm bảo có lợi nhuận cao..

        Một số trang trại bước đầu có hướng đi mới để phát triển kinh tế hiệu quả bằng cách kết hợp giữa phát triển sản xuất nông nghiệp gắn hoạt động kinh doanh du lịch, tiêu biểu như trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, hiện nay có 02 trang trại tổng hợp đang thực hiện vừa chăn nuôi vừa kinh doanh dịch vụ du lịch, ăn uống và cho khách đến câu cá, doanh thu chủ yếu của trang trại này chủ yếu là từ kinh doanh ăn uống bằng các sản phẩm nuôi trồng được như gà, heo bản, vịt trời, cá nước ngọt… (Trang trại của ông Lê Hữu Bằng, xã Vĩnh Tú, diện tích trang trại 12 ha, sản xuất nuôi cá nước ngọt, vịt trời, gà, heo bản, nhà hàng kinh doanh ăn uống và câu cá thư giản. Doanh thu bình quân hàng năm từ 2,0-2,2 tỷ đồng, lợi nhuận 500-600 triệu đồng/năm; Trang trại của ông Lê Văn Thắng, xã Kim Thạch với lợi thế có diện tích Rú Đưng 17 ha, UBND xã Kim Thạch đã cho hộ gia đình anh Thắng Thuê đất 05 năm với diện tích 04 ha, đã phát triển trang trại tổng hợp nuôi cá, nuôi bò, heo bản và kết hợp với kinh doanh dịch vụ ăn uống, câu cá thư giản. Doanh thu bình quân hàng năm từ 1,5-1,7 tỷ đồng, lợi nhuận 300-400 triệu đồng/năm)

        Hoạt động trang trại nông nghiệp kết hợp kinh doanh dịch vụ du lịch tại địa phương cho thấy kết quả hoạt động rất hiệu quả, đây là mô hình cần phải đầu tư nhân rộng để phát triển trên địa bàn. Việc phát triển loại hình trang trại có hoạt động du lịch sẽ thúc đẩy nông nghiệp sạch phát triển, đồng thời thu hút và tạo công ăn việc làm tại chỗ cho con em địa phương, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển. Đồng thời, phát triển trang trại có hoạt động du lịch sẽ là cầu nối để quảng bá sản phẩm nông nghiệp của địa phương và kết hợp phát triển du lịch sinh thái nhằm hạn chế ảnh hưởng ô nhiễm môi trường.

       Bên cạnh những lợi ích và kết quả đạt được, loại hình kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn: Chính sách phát triển kinh tế trang trại chủ yếu lồng ghép qua các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, chưa có chính sách cụ thể dành riêng cho loại hình kinh tế trang trại; Trình độ quản lý, kỹ thuật của các chủ trang trại chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; Các chủ trang trại điều hành sản xuất theo kinh nghiệm, hầu hết chưa qua đào tạo, tập huấn; Khả năng tiếp cận thị trường và tiêu thụ sản phẩm của các chủ trang trại còn hạn chế, việc liên kết tiêu thụ còn yếu; Năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao, chủ yếu là sản phẩm thô, chưa qua chế biến, tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, khó cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu; hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp. Việc liên kết trong sản xuất- chế biến và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế còn rất hạn chế; Hầu hết các trang trại có quy mô nhỏ, nguồn vốn còn ít, chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của nhà nước, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng ưu đãi; hiệu quả sử dụng đất đai, mặt nước chưa cao...

       Để loại hình kinh tế trang trại phát triển hiệu quả trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp như: Xây dựng đề án phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nhằm đề ra nhóm giải pháp đồng bộ cụ thể cho phát triển kinh tế trang trại trong thời gian tới; Rà soát, điều tra đánh giá toàn diện thực trạng hoạt động của các trang trại, gia trại trên địa bàn tỉnh, tìm ra các hạn chế, khó khăn mà các trang trại đang gặp phải để tìm cách tháo gỡ; Tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực cho các chủ trang trại, phổ biến tuyên truyền các chủ trương, chính sách của nhà nước về kinh tế trang trại cho các cán bộ quản lý nhà nước và các chủ trang trại trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ các trang trại dễ dàng tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của nhà nước; Xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển kinh tế trang trại gắn với liên kết sản xuất- chế biến và tiêu thụ thông qua hợp đồng kinh tế, gắn với các chuỗi giá trị nông sản an toàn và có giá trị kinh tế cao góp phần nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy các trang trại hoạt động sản xuất kinh doanh chuyên nghiệp hơn trong nền kinh tế thị trường hiện nay; Nâng cao khả năng tiếp cận thị trường cho các chủ trang trại, tập huấn và tổ chức tham quan, trao đổi kinh nghiệm thực tế với các chủ trang trại lớn trong và ngoài tỉnh nhằm nâng cao hiểu biết về khoa học kỹ thuật, các vấn đề kinh tế, làm thay đổi tư duy kinh tế, cách làm ăn của các chủ trang trại; Các cấp, các ngành cần có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát và tạo điều kiện thuận lợi cho các trang trại phát triển đúng hướng, có quy hoạch, hình thành vùng sản xuất tập trung, có quy mô và đảm bảo chất lượng.

Đang truy cập: 19

Hôm nay: 65

Tổng lượt truy cập: 3.533.862