Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

  Ngày 19/8/2023, Hội đồng tư vấn đánh giá, kiểm tra định kỳ đối với nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh (sau đây gọi tắt là Hội đồng - được thành lập bởi Quyết định số 208/QĐ-SKHCN ngày 07/8/2023 của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị) do ông Đào Ngọc Hoàng – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Chủ trì đã tiến hành kiểm tra định kỳ tiến độ thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, Đề tài: “Nghiên cứu bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững loài hàu Răng cưa khổng lồ Hyotissa hyotis Linnaeus, 1758 tại Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ”.

       Theo đó, Đề tài: “Nghiên cứu bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững loài hàu Răng cưa khổng lồ Hyotissa hyotis Linnaeus, 1758 tại Khu bảo tồn biển đảo Cồn cỏ” do Ban Quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ (sau đây gọi tắt là Ban Quản lý) chủ trì thực hiện với mục tiêu xác định được hiện trạng nguồn lợi Hàu răng cưa khổng lồ; Xây dựng được Quy trình sản xuất giống nhân tạo hàu răng cưa khổng lồ; Xây dựng được mô hình nuôi hàu răng cưa khổng lồ dựa trên sự đồng quản lý của khu bảo tồn biển và người dân phù hợp tại vùng biển Cồn Cỏ. Thời gian thực hiện 30 tháng, bắt đầu từ ngày 01/01/2023.

Đến thời điểm hiện tại, Ban Quản lý đã hoàn thành các báo cáo chuyên đề về tổng quan nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái, nguồn lợi, giá trị dinh dưỡng, bảo tồn loài hàu Răng cưa khổng lồ trên thế giới và tại Việt Nam; Báo cáo chuyên đề về Đặc điểm sinh thái  và phân bố của Hàu răng cưa khổng lồ ở vùng biển ven đảo Cồn Cỏ; đánh giá được tiêu chí  để lựa chọn vùng nuôi và phương thức quản lý chăm sóc hàu Răng cưa, đảm bảo điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội trên biển đảo Cồn Cỏ sự liên quan đến bảo tồn, khai thác bền vững nguồn lợi, mật độ, trữ lượng, sản lượng của hàu Răng cưa và đã hoàn thiện báo cáo đặc điểm sinh thái, phân bố, nền đáy, môi trường, phân bố theo độ sâu, phân bố vùng địa lý, sinh vật liên quan đến hàu Răng cưa khổng lồ. Trong thời gian tới, Ban Quản lý tiếp tục nghiên cứu triển khai thực hiện các nghiên cứu về đặc điểm sinh học sinh sản của Hàu răng cưa và tiến hành thử nghiệm sản xuất giống nhân tạo tại đảo Cồn Cỏ; Xây dựng mô hình nuôi hàu Răng cưa khổng lồ Hyotissa hyotis Linnaeus, 1758 trên bãi tự nhiên quanh đảo dựa trên sự đồng quản lý của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ và người dân; tổ chức tập huấn, tuyên truyền các kiến thức khoa học, pháp luật về hàu Răng cưa cho cộng đồng ngư dân trên đảo, đưa ra những khuyến cáo về mùa vụ, kích thước, số lượng khai thác, ngư cụ, phương pháp khai thác bền vững loài hàu Răng cưa tại biển đảo Cồn Cỏ.

Kết quả kiểm tra thực tế, Hội đồng đánh giá đơn vị chủ trì đã triển khai thực hiện theo đúng tiến độ đã đề ra. Trong thời gian tới, Hội đồng yêu cầu đơn vị chủ trì tiếp tục triển khai theo dõi, ghi lại hình ảnh hiện trạng, quá trình sinh trưởng và phát triển của hàu Răng cưa, chủ động bố trí nguồn lực để tập trung vào khâu sản xuất giống nhân tạo Hàu răng cưa tại đảo Cồn Cỏ được thành công./.

Tác giả: Trần Anh Ngọc Hiền – Thư ký Đề tài

Đang truy cập: 8

Hôm nay: 113

Tổng lượt truy cập: 3.558.920