Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vừa ký ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vừa ký ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Chỉ thị 42-CT/TW  nêu rõ: Những năm gần đây, tình hình thiên tai ở nước ta diễn biến ngày càng phức tạp, cực đoan, bất thường. Các vùng, miền trong cả nước đã phải hứng chịu hầu hết các loại hình thiên tai (trừ sóng thần), gây tổn thất nặng nề về người, tài sản (khoảng 1 - 1,5% GDP/năm), ảnh hưởng lớn đến môi trường, đời sống, sản xuất của nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương lãnh đạo và tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt phòng ngừa, ứng phó; khắc phục hậu quả thiên tai, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
            Trước xu thế biến đổi khí hậu, nước biển dâng diễn ra nhanh, phức tạp, thiên tai ngày càng gia tăng, bất thường, cực đoan, gây thiệt hại ngày càng nghiêm trọng, đặt ra yêu cầu công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới phải có sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm giảm nhẹ thiệt hại, phát triển bền vững đất nước. Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như:
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần xác định công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; quán triệt sâu sắc quan điểm chủ động phòng ngừa là chính, kết hợp với các biện pháp thích ứng phù hợp, tôn trọng quy luật tự nhiên.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Cùng đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. 
               Đặc biệt, nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai bảo đảm kịp thời, đủ độ tin cậy. Chú trọng đầu tư công tác nghiên cứu cơ bản về thiên tai, hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng chuẩn hóa và hiện đại. 
              Rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, từng bước đầu tư xây dựng, nâng cao khả năng chống chịu thiên tai của hệ thống kết cấu hạ tầng; tăng cường quản lý, kiểm soát, không để người dân làm nhà lấn chiếm long sông, suối, khu vực rủi ro thiên tai, giảm nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét; bảo đảm an toàn đê điều, hồ chứa; nâng cao năng lực ứng phó lũ lớn, bão mạnh và siêu bão, sạt lở bờ biển.  
             Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai;  đồng thời cần nâng cao vai trò, năng lực quản lý nhà nước trên cơ sở củng cố, kiện toàn lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai từ Trung ương đến cơ sở; kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng tập trung thống nhất; nâng tầm hoạt động của cơ quan phòng, chống thiên tai các cấp theo hướng chuyên trách; phát triển khoa học - công nghệ, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này; phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn và nhân dân trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai (nội dung chi tiết đính kèm Chỉ thị số 42-CT/TW  kèm theo)

Đang truy cập: 9

Hôm nay: 527

Tổng lượt truy cập: 3.562.900