Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Tăng thu nhập nhờ giữ rừng.

Bài và ảnh: Phan Thị Loan - Ban Quản lý Khu BTTN Đakrông

Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo vệ môi trường và duy trì sự cân bằng sinh thái trở thành vấn đề cấp thiết. Giữ rừng không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường mà còn có thể trở thành nguồn thu nhập bền vững cho người dân địa phương sống gần rừng đặc dụng của Khu BTTN Đakrông. Với trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số cuộc sống của họ đã gắn bó với rừng từ lúc sinh ra và lớn lên. Vì vậy, người dân tin rằng rừng chính là lẽ sống, linh hồn của cả cộng đồng nên chung sức bảo vệ giữ gìn “lá phổi xanh” để cùng nhau được rừng che chở, hưởng lợi.

Xác định được tầm quan trọng từ công tác quản lý bảo vệ rừng của người dân, đặc biệt là phát huy được nguồn nhân lực tại địa phương vào công tác quản lý bảo vệ rừng. Hàng năm, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông (BQL) đã tiến hành giao khoán bảo vệ rừng cho người dân địa phương trên địa bàn các xã vùng đệm từ các chương trình, đề án được hưởng lợi từ rừng như: Chương trình dịch vụ môi trường rừng các Nhà máy Thủy điện và Chương trình chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA). Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng, BQL phối hợp với Hạt kiểm lâm Khu BTTN Đakrông, chính quyền địa pường thường xuyên theo dỏi, kiện toàn lực lượng bảo vệ rừng. Chính vì vậy, hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng trên diện tích được giao khoán được các tổ triển khai đều đặn, thường xuyên, đặc biệt là vào mùa khô, khi nhiều khu vực có nguy cơ cháy rừng rất cao. Nếu phát hiện những đối tượng khả nghi hoặc phát hiện tình trạng khai thác lâm sản trái phép, tổ tuần tra sẽ lập tức báo BQL- Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Đakrông, chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan để tiến hành ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, quyết tâm không để xâm hại đến tài nguyên rừng.

Thông qua hoạt động giao khoán, đã tạo điều kiện cho người dân các xã vùng đệm có công ăn việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống, đây là nguồn thu nhập đáng kể giúp nâng cao đời sống, giảm thiểu áp lực khai thác rừng để sinh sống. Tham gia vào công tác bảo vệ rừng không chỉ tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, gắn kết cộng đồng mà còn tạo ra mạng lưới hợp nhất giữa các hộ gia đình và địa phương trong công việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Từ đó, sự kết hợp và ý thức cộng đồng được tăng cường, xây dựng niềm tin giữa cộng đồng với Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông và chính quyền địa phương trong quá trình quản lý và phát triển rừng bền vững. Thấy được những lợi ích mà rừng mang lại, người dân nơi đây ý thức được việc bảo vệ rừng không còn để xảy ra tình trạng phá rừng làm nương rẫy, họ đã xem những cánh rừng tại địa phương không chỉ là nguồn sống của mình ra sức cùng nhau bảo vệ mà còn đảm bảo một tương lai tốt đẹp cho các thế hệ mai sau.

Trong thời gian tới, BQL sẽ tiếp tục thực hiện chính sách theo quy định của nhà nước và phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị. Đồng thời, tiếp tục tổ chức các hội nghị họp thôn tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, kết hợp tập huấn quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng trong phát triển sinh kế để việc chi trả dịch vụ môi trường rừng đạt được hiệu quả. Từ đó, giúp các cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư phát triển sinh kế, nâng cao đời sống, từng bước ổn định cuộc sống.

(Hình ảnh: Buổi Hội nghị họp thôn tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và triển khai Chương trình chi trả giảm phát thải khí nhà kính năm 2025 tại thôn Ra Lây, xã Ba Nang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị)

Đang truy cập: 10

Hôm nay: 389

Tổng lượt truy cập: 3.823.109