Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị diện tích trồng sắn phát triển mạnh. Tuy nhiên, hiện nay người trồng sắn gặp phải khó khăn vì giống sắn KM94 là giống chủ lực nhưng lại bị nhiễm một số bệnh, đặc biệt là bệnh khảm lá vi rút làm giảm về năng suất và hàm lượng tinh bột nên hiệu quả đem lại không cao, đất canh tác bị thoái hoá.  Vì vậy, nhằm góp phần đa dạng hóa, phong phú thêm bộ giống sản xuất cho địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người trồng sắn. Từ năm 2023 Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ đã triển khai thực hiện mô hình sản xuất, thâm canh giống sắn mới sạch bệnh, gắn với nhà máy tiêu thụ tại tỉnh Quảng Trị, với quy mô 25ha/năm, giống sắn được sử dụng là giống STB1.
 

      Giống sắn STB1 ban đầu có tên là HL2004-32, là con lai của tổ hợp lai KM444 (thụ phấn tự do) lai tạo năm 2003 tại Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc. Từ năm 2004-2011, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có củ đã chọn lọc, đánh giá và khảo nghiệm dòng sắn HL2004-32 ở các vùng sinh thái thuộc Trung du miền núi phía Bắc; Từ năm 2012, Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây có củ giao dòng sắn HL2004-32 cho Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ đánh giá và phát triển. Năm 2012, Viện KHKT Nông nghiệp Bắc Trung Bộ đã đổi tên dòng sắn HL2004-32 thành giống sắn STB1 và tiến hành đánh giá giá trị canh tác và sử dụng của giống sắn trên. Giống sắn STB1 đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận sản xuất thử giống cây trồng nông nghiệp theo quyết định số 411/QĐ-BNN-TT vào ngày 16 tháng 2 năm 2017. Năm 2021, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ ban hành tiêu chuẩn cơ sở cho giống sắn STB1 và tự công bố lưu hành theo thông báo số 1187/TB-TT-CLT ngày 22 tháng 11 năm 2021 của Cục Trồng trọt.
      Giống STB1 có dạng cây thẳng, ít phân cành, chiều cao trung bình 285cm, màu sắc thân xanh xám, màu sắc ngọn tím, vỏ củ màu xám,.. đường kính thân to, khả năng chống gãy đổ tốt, nhiễm nhẹ với một số sâu bệnh hại chính, có khả năng thích ứng trên đất đỏ bazan, đất bạc màu ven biển 2 tỉnh Nghệ An và Quảng Trị. Hàm lượng tinh bột của giống sắn STB1 đạt 30,92 đến 33,82%, năng suất củ tươi của giống sắn STB1 đạt 38,7 – 52,3 tấn/ha.
      Ngày 22/8/2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị phối hợp cùng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ đã tổ chức lớp đào tạo nhân rộng mô hình sản xuất thâm canh giống sắn mới STB1 tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Nhằm tập huấn kỹ thuật sản xuất và nhân rộng mô hình, đánh giá khả năng sinh trưởng phát triển, khả năng chống chịu sâu bệnh, đặc biệt là bệnh khảm lá sắn ở giai đoạn chuẩn bị thu hoạch.


      Khóa đào tạo gồm có hơn 30 học viên chủ yếu là nông dân đến từ các xã trồng sắn trọng điểm của tỉnh Quảng Trị. Các học viên tham gia nhiệt tình, đầy đủ, trao đổi, thảo luận sôi nổi, chia sẽ kinh nghiệm thực tế trong thâm canh cây sắn với tinh thần xây dựng cao. Đóng góp nhiều ý kiến để cùng nhau phát triển giống sắn mới STB1 để nhanh chóng dần đưa vào bổ sung cho bộ giống sắn của tỉnh Quảng Trị.
      Từ mô hình cho thấy, cây sắn rất thích hợp cho vùng Bắc Trung Bộ, cây sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ mọc đạt trên 90%, độ thuần đồng ruộng tốt, hàm lượng tinh bột đạt trên 29%. So với giống đối chứng địa phương đang được bà con nông dân trong vùng trồng phổ biến thì giống STB1 có các chỉ tiêu bằng hoặc tốt hơn. Cây sắn ở Quảng Trị hiện tại bị một số sâu bệnh gây hại, nhất là bệnh khảm lá vi rút. Tuy nhiên, giống sắn STB1, tỷ lệ nhiễm bệnh nhẹ hơn các giống khác (tỷ lệ bị khảm lá giống STB1 là 10% , trong lúc going KM94 (hơn 30%). Năng suất sắn trong mô hình ước tính đạt 36 tấn/ha.
      Mô hình chuyển giao giống sắn mới sạch bệnh (STB1), giống thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại tỉnh Quảng Trị, ngoài mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất, còn cung cấp nguồn giống sạch, đạt năng suất củ và hàm lượng tinh bột cao, sản phẩm được cam kết bao tiêu toàn bộ giúp người dân yên tâm sản xuất./.


Thanh Tùng, Trần Thúy - TTKN

 

Đang truy cập: 14

Hôm nay: 298

Tổng lượt truy cập: 3.533.132