Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Những tháng cuối năm 2022, thời tiết diễn biến phức tạp. Dự báo tổng lượng mưa năm nay cao hơn mức trung bình, do tác động của biến đổi khí hậu, nền nhiệt có xu hướng thấp hơn năm trước từ 0,5-1oC, Khi thời tiết chuyển lạnh, đi kèm nhiều đợt mưa phùn, rét đậm, rét hại kéo dài làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ đàn vật nuôi, làm giảm sức đề kháng của gia súc, gia cầm.

 Đặc biệt trong đợt mưa bão vừa qua, khiến nhiều nơi bị ngập lụt kéo theo rác thải, vi sinh vật gây hại tồn tại nhiều trong môi trường, tiềm ẩn những nguy cơ gây ra một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Tụ huyết trùng, lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm, tai xanh ở lợn và các bệnh về đường hô hấp…. 

Để chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại về chăn nuôi trong mùa mưa rét người chăn nuôi cần chủ động phòng, chống đói, rét bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi, và lưu ý một số biện pháp sau: 

     1. Chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho vật nuôi: Tiêm phòng vắc xin là một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất, vì vậy, người chăn nuôi cần chủ động tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin cho từng loại vật nuôi.

- Đối với trâu, bò, dê: Cần tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng, lở mồm long móng, viêm da nổi cục.

- Đối với lợn: Tiêm phòng vắc xin tam liên (tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn), vắc xin dịch tả lợn Châu Phi (nếu có)

- Đối với gia cầm: Tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm

-  Đối với chó, mèo tiêm phòng vắc xin dại

Các loại vắc xin khác người chăn nuôi chủ động thực hiện tiêm vắc xin Ung khí thán trâu bò (đối với những vùng có ổ dịch UKT cũ), Tai xanh (PRRS), Lở mồm long móng cho lợn, E.coli phù đầu (tiêm cho lợn nái và lợn con), Dịch tả vịt, Niu-cát-xơn, Gum-bô-rô, Tụ huyết trùng gia cầm,... theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT và hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh.

Phát hiện sớm, cách ly và xử lý kịp thời khi vật nuôi có những biểu hiện bất thường. Nếu vật nuôi mắc bệnh, chết có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm hoặc động vật nuôi bị chết bất thường mà không rõ nguyên nhân thì phải báo ngay cho nhân viên thú y cấp xã, Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y nơi gần nhất.

     2. Về chuồng trại: Gia cố, tu sửa chuồng trại, đảm bảo cao ráo, dễ thoát nước, dễ vệ sinh, ấm áp về mùa đông, che chắn mưa tạt, gió lùa. Xây hố sát trùng trước cửa chuồng nuôi, thay thuốc sát trùng thường xuyên. Thường xuyên vệ sinh khử trùng tiêu độc chuồng trại, máng ăn, máng uống, môi trường chăn nuôi bằng các loại thuốc khử trùng như: Virkon, Vetvaco-Iodine, Han-Iodine, Benkocid,… .

     3. Chăm sóc, nuôi dưỡng: Thức ăn phải đảm bảo luôn sạch sẽ hợp vệ sinh, đủ dinh dưỡng cho mỗi loại vật nuôi và theo từng giai đoạn phát triển. Bổ sung vào thức ăn, nước uống các loại khoáng chất, vitamin, chất điện giải, men tiêu hoá để nâng cao sức đề kháng cho con vật. Đặc biệt chú ý, những ngày rét đậm rét hại tăng từ 5 - 10% khẩu phần ăn so với ngày thường để vật nuôi có đủ năng lượng chống rét. Đảm bảo đầy đủ nước sạch và dự trữ thức ăn cho gia súc, gia cầm vào mùa mưa r   ét. 

Đối với lợn: Nên có chuồng úm đối với lợn con theo mẹ. Không cọ rửa chuồng hoặc tắm cho lợn vào những ngày mưa rét nhiệt độ xuống dưới 120C. 

Đối với gia cầm: Cần thực hiện tốt quy trình úm cho gia cầm tối thiểu là 21 ngày tuổi, cần có biện pháp chống rét thích hợp (che chắn chuồng tránh bị mưa ướt và gió lùa trực tiếp, tăng nguồn nhiệt bằng cách bổ sung thêm bóng điện, bóng hồng ngoại, không thả gia cầm ra vườn, đồi trong những ngày có rét đậm, rét hại,…).

Đối với trâu, bò: Cung cấp đủ thức ăn thô xanh cho trâu bò, với định mức bằng 10% trọng lượng cơ thể. Đồng thời bổ sung thêm 0,5 – 1kg thức ăn tinh/con/ngày (bột ngô, bột sắn, cám gạo,.. ) để trâu bò có đủ năng lượng chống rét. Đối với những ngày rét đậm cần cho trâu bò uống nước ấm, bổ sung thêm muối ăn với lượng 15gram/10 lít nước nhằm tăng khả năng trao đổi chất và nâng cao sức đề kháng cơ thể. Chủ động dự trữ thức ăn cho trâu bò bằng hình thức ủ chua thức ăn xanh như ủ chua cỏ voi, dây lang, thân cây ngô,… dự trữ cỏ khô, rơm khô; trồng các loại cỏ bổ sung đảm bảo nguồn thức ăn ổn định.       

Ngoài ra cần thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết để có kế hoạch chăn thả hợp lý. Hạn chế việc chăn thả gia súc khi nhiệt độ ngoài trời dưới 150C (đặc biệt là gia súc nhỏ). Thời gian chăn thả tốt nhất: buổi sáng 8h, khi trời đã tan sương; buổi chiều: về trước 16h. Theo dõi diễn biến của thời tiết để điều chỉnh tiểu khí hậu trong chuồng nuôi cho phù hợp. Những ngày mưa phùn, ẩm độ cao cần giữ ấm cho con vật, nhất là đối với gia súc, gia cầm non. Với bê nghé chăn thả muộn, về sớm. Những ngày trời rét dưới 15oC không chăn thả gia súc, gia cầm ra ngoài đồng. 

Để công tác phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả vào mùa mưa rét, người chăn nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp nêu trên, đồng thời, tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi khác tăng cường chấp hành các quy định của pháp luật về chăn nuôi và thú y, pháp luật về bảo vệ môi trường. Đặc biệt cần thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi và Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi làm cơ sở cho việc hỗ trợ khi có thiệt hại do thiên tai, dịch bênh gây ra. Công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các hộ chăn nuôi và cơ quan Thú y, cùng với sự quan tâm từ các cấp chính quyền để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và giảm bớt thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi.

                                                                                                                           Bùi Thị Trang Nhung

                                                                                                                     Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 813

Tổng lượt truy cập: 3.591.535