Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

 

Tại tỉnh Quảng Trị, tính đến nay, dịch bệnh tả lợn Châu Phi đã xảy ra trên đàn lợn của 1.475 hộ chăn nuôi tại 162 thôn, bản của 50 xã, phường, thị trấn và đã có 7.591 con lợn buộc phải tiêu hủy. Ổ dịch đầu tiên được phát hiện tại thôn Mỹ Chánh, huyện Hải Lăng vào ngày 27/3/2019, tiếp theo đó lần lượt phát sinh ở TP Đông Hà, các huyện: Gio Linh, Vĩnh Linh, Hướng Hóa, Triệu Phong và TX.Quảng Trị. Hiện nay, bệnh vẫn đang lây lan tại các địa phương trong tỉnh.

Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai quyết liệt, khá đồng bộ nhiều biện pháp phòng chống. Từ khi bắt đầu hoạt động đến thời điểm giải thể, các chốt kiểm dịch động vật trên địa bàn đã kiểm tra được 5.644 phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Tỉnh đã cấp kinh phí mua 5.600 kg hóa chất, Trung ương hỗ trợ 10.000 kg hóa chất. Đến nay, hơn 13.600 kg hóa chất đã được cung ứng cho các địa phương để phòng chống dịch...

Hiện các ổ dịch vẫn đang có chiều hướng lây lan, nhất là phát sinh ở những vùng có mật độ chăn nuôi cao, đặc biệt ở  một số hộ nuôi quy mô lớn có điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. Bên cạnh đó, người chăn nuôi còn chủ quan, lơ là, việc vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ thịt và sản phẩm từ lợn bị bệnh vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, một số nơi còn lúng túng trong việc chỉ đạo tổ chức phòng chống và xử lý khi ổ dịch xảy ra.

Để khống chế, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho rằng: Điều quan trọng nhất lúc này là phải đổi mới công tác phòng chống, thực hiện phòng chống dịch như: phải lấy phương châm phòng là chính, đặc biệt ở cơ sở và người dân là chính, tuyên truyền cho người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cũng đề nghị các địa phương khẩn trương thành lập tại cơ sở các tổ phản ứng nhanh xử lý ổ dịch như tổ tuyên truyền, tổ tiếp nhận thông tin, tổ tiêu hủy lợn bệnh, tổ tiêu độc khử trùng. Cùng với đó, làm tốt hơn nữa khâu kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ, buôn bán và tiêu thụ lợn, thịt lợn và chủ động xây dựng kế hoạch phát triển trâu, bò, dê, gia cầm và thủy sản để bù đắp phần thực phẩm thiếu hụt do dịch tả lợn xảy ra ở đàn lợn gây nên.

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 429

Tổng lượt truy cập: 3.534.226