Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

THỰC TRẠNG SẢN XUẤT CHẢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị theo thống kê có 59 cơ sở chế biến chả, xúc xích các loại, sản lượng từ 5 đến 50 kg/ngày, hầu hết các cơ sở đều có quy mô nhỏ, hộ gia đình. Trong những năm qua Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã tăng cường triển khai công tác kiểm tra, thanh tra  kết hợp với việc thường xuyên tuyên truyền trên nhiều hình thức về đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến nông lâm thuỷ sản trong đó có chế biến nem, chả... nhờ vậy đã nâng cao nhận thức về chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm; Hầu hết các cơ sở sản xuất chả, xúc xích đã sử dụng phụ gia, chất hõ trợ chế biến được phép sử dụng trong thực phẩm theo quy định tại  Thông tư số 24/2019/TT-BYT ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Bộ Y tế, tuy nhiên vẫn còn một số cơ sở vì lợi nhuận nên vẫn cố tình sử dụng hàn the để sản xuất chả.
Hàn the có tên khoa học là Natri borat, nó có tính sát khuẩn nhẹ, đặc biệt nó làm cho sản phẩm tinh bột, thịt, cá, …trở nên dai, giòn, tăng thời gian bảo quản. Tuy nhiên, hàn the có độc tính rất lớn đối với cơ thể nên hàn the không nằm trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong quá trình chế biến thực phẩm.
Hàn the có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính cho người sử dụng. 
Ngộ độc cấp tính: Khi sử dụng thực phẩm có hàm lượng hàn the cao sẽ gây ngộ độc cấp tính với các triệu chứng buồn nôn; tiêu chảy; đau co cứng cơ, co giật; chuột rút vùng bụng, vật vã, cơn động kinh; dấu hiệu kích thích màng não và kích động; tróc da, phát ban; có thể có các dấu hiệu suy thận; nếu nặng có thể thấy nhịp tim nhanh, sốc trụy mạch, da xanh tím, co giật, hoang tưởng và hôn mê. Những thay đổi thường gặp là xuất huyết nội tạng, xung huyết, thoái hóa ống thận, thoái hóa mỡ gan, tổn thương não và tủy sống.
Ngộ độc mãn tính: Khi sử dụng thực phẩm có hàm lượng hàn the thấp thì sẽ tích luỹ trong cơ thể gây các bệnh mãn tính ảnh hưởng đến tiêu hóa, hấp thụ, quá trình chuyển hóa và chức năng của thận với biểu hiện mất cảm giác ăn ngon, giảm cân; nôn, tiêu chảy nhẹ; mẩn đỏ, tróc da; rụng tóc; suy thận; cơn động kinh co giật, da xanh xao, suy nhược không phục hồi được.
Hàn the nằm ngoài danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong thực phẩm ban hành kèm theo Thông tư số 24/2019/TT-BYT ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Bộ Y tế. Do đó, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm tuyệt đối không được dùng hàn the trong thực phẩm với bất cứ hàm lượng và cách thức nào.
Theo quy định tại khoản 4, khoản 5, Điều 5 Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 về quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực quy định: 
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá dưới 10.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. 
Theo Điều 317, Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 20 năm tuỳ vào mức độ nghiêm trọng.
Trong thời gian tới, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản cùng với các đơn vị quản lý liên quan tiếp tục công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật kết hợp với công tác kiểm tra để các cơ sở sản xuất chả nâng cao hiểu biết cũng như ý thức được việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong ngành sản xuất, kinh doanh này. Đối với các cơ sở vi phạm Chi cục sẽ xử lý nghiêm để răn đe nhằm đưa sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng. 
 

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 375

Tổng lượt truy cập: 3.591.097