Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Quảng Trị đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp

Giám đốc Sở NN - PTNT Quảng Trị VÕ VĂN HƯNG cho biết, UBND tỉnh đang xây dựng Đề án “Thí điểm chính sách tích tụ ruộng đất gắn với đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn 2025”, trình HĐND tỉnh vào kỳ họp cuối năm nay. Mục tiêu chính của Đề án nhằm tháo gỡ các rào cản, khuyến khích nông dân làm ăn lớn và đẩy mạnh cơ giới hóa, nhất là khâu thu hoạch, chế biến, bảo quản.

“TVTU QTrị đã có chủ trương không thu hồi đất của dân đang sản xuất, sinh sống, làm ăn để cấp cho DN thuê đầu tư vào nông nghiệp như thời gian qua, mà khuyến khích người dân và DN liên doanh, liên kết sx. Với cách làm mới này, người dân không sợ mất đất

Cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn

 

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã xác định: Tập trung tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới là ưu tiên hàng đầu. Xin ông đánh giá những kết quả tỉnh đạt được sau hơn 2 năm Nghị quyết đi vào cuộc sống?

 

 Sau hơn 2 năm triển khai Nghị quyết, nhiều chính sách đã được ban hành; cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nên bộ mặt nông nghiệp, nông thôn Quảng Trị có nhiều đổi mới. Năm 2017, thu nhập bình quân đạt 39,24 triệu đồng/người; 8/8 chỉ tiêu lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đều đạt và vượt kế hoạch; 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng gấp 2,1 lần so với năm 2015... Bằng nhiều cách làm hay, ngành cùng với các địa phương đã đưa ra thị trường những sản phẩm sạch, nông sản hữu cơ như: Gạo hữu cơ Quảng Trị; gạo sạch Triệu Phong; rau sạch Nguyên Khang; dưa lưới Nguyên Khang...

 

Đặc biệt, việc thu hút đầu tư, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp (DN) để sản xuất theo chuỗi giá trị đã mang lại thu nhập cao cho người sản xuất. Tiêu biểu như liên kết với Tập đoàn Đại Nam sản xuất gạo hữu cơ mang lại hơn 1,8 tỷ đồng, lãi hơn 810 triệu đồng so với sản xuất đại trà trên cùng một diện tích; sản xuất gạo sạch Triệu Phong giúp nông dân bán lúa với giá gấp đôi so với lúa thường; sản xuất rau sạch theo công nghệ nhà lưới, nhà kính mang lại thu nhập bình quân 100 triệu đồng/sào; sản xuất rau an toàn thu nhập hơn 400 triệu đồng/ha... Ngoài ra, việc khuyến khích nâng cao hệ số sử dụng đất bằng việc thâm canh tăng vụ, xen canh cây ngắn ngày với cây công nghiệp, cùng với phát triển các làng nghề như: Nấu dược liệu Định Sơn; chế biến nghệ vàng... đã giúp nâng cao giá trị thu nhập từ 2 - 3 lần trên cùng đơn vị diện tích.

 

- Bên cạnh những kết quả tích cực như ông vừa nêu, khó khăn lớn nhất của nông nghiệp tỉnh là gì, thưa ông?

 

- Khó khăn của ngành nông nghiệp tỉnh còn rất nhiều. Trước hết, quá trình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ chiều rộng sang chiều sâu, hướng tới giá trị gia tăng và phát triển bền vững, còn nhiều hạn chế cần phải tập trung mọi nguồn lực để tháo gỡ. Cụ thể, khó khăn lớn nhất hiện nay là đất đai sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; diện tích canh tác bình quân thấp, chỉ từ 0,2 - 0,3ha/nông dân, dẫn đến việc cơ giới hóa, ứng dụng KH - CN gặp nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ; việc thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng bị hạn chế, không khuyến khích người dân đầu tư mở rộng.

 

Bên cạnh đó, việc quy hoạch, rà soát quy hoạch các vùng sản xuất cây trồng, con nuôi chủ lực cũng chưa được quan tâm đầu tư. Hầu hết các địa phương chưa quy hoạch được khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quỹ đất sạch để thu hút nhà đầu tư lớn. Ngoài ra, nguồn lực của tỉnh hạn chế, nguồn vốn huy đồng từ xã hội phát triển nông nghiệp còn thấp.

Mô hình trồng rau sạch rất cần sự liên kết về tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị và mở rộng quy mô sản xuất

 Mở rộng liên kết theo chuỗi giá trị

 

- Thưa ông, để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng 3 - 3,5% trong năm 2018, đồng thời phát triển nông nghiệp hàng hóa, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung vào các giải pháp cụ thể nào?

 

- Chúng tôi xác định, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm là bước đi tất yếu để thay đổi diện mạo ngành nông nghiệp và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Quảng Trị. Do đó, Sở sẽ tăng cường tuyên truyền, chủ động tham mưu cụ thể hóa nội dung các nghị quyết, Đề án lớn mà Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành trên lĩnh vực nông nghiệp; chủ động, phối hợp với các địa phương để đánh giá, tổng kết các mô hình đã có hiệu quả để đề xuất cơ chế hỗ trợ và nhân rộng nhanh, mở rộng quy mô trên địa bàn toàn tỉnh; tiếp tục đồng hành với DN, HTX mở rộng diện tích liên kết theo chuỗi giá trị để sản xuất một số nông sản chủ lực.

 

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các địa phương rà soát quy hoạch vùng sản xuất 6 cây trồng, 2 con nuôi chủ lực, tập trung chuyển đổi các vùng sản xuất kém hiệu quả sang đối tượng cây trồng, vật nuôi khác như: Ngô nguyên liệu, thủy sản, rau màu, nhằm nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích. Đồng thời, phối hợp với các địa phương lựa chọn, dành quỹ đất sạch, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng để kêu gọi thu hút nhà đầu tư tiềm năng phát triển nông nghiệp.

 

Cùng với đó, Sở hoàn thiện Đề án “Thí điểm chính sách tích tụ ruộng đất gắn với đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn 2025” để UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh ban hành vào kỳ họp cuối năm 2018, nhằm tháo gỡ rào cản trong sản xuất, khuyến khích nông dân làm ăn lớn và đẩy mạnh cơ giới hóa, nhất là khâu thu hoạch, chế biến, bảo quản… Mặt khác, tiếp tục đổi mới, cải cách TTHC; đa dạng hóa các hình thức huy động nguồn lực đầu tư để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, tạo chuyển biến trong kinh tế nông thôn…

 

- Xin cảm ơn ông!

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 58

Tổng lượt truy cập: 3.597.973