Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

     Thực hiện tốt công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật là một trong những giải pháp, mắt xích quan trọng nhằm ngăn ngừa các loại dịch bệnh động vật phát sinh và lây lan, bảo vệ chăn nuôi, đồng thời đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.

Để tổ chức và triển khai công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh Quảng Trị, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã ủy quyền bố trí các Kiểm dịch viên là lãnh đạo cấp Phòng, Trạm Chăn nuôi và thú y các huyện, thành phố, thị xã phụ trách thực hiện tại các địa bàn nhằm đáp ứng kịp thời và hiệu quả khi các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký vận chuyển động vật ra khỏi địa bàn cấp tỉnh. Các trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh chăn nuôi và chế biến sản phẩm động vật có trách nhiệm đăng ký với cán bộ Kiểm dịch về ngày, giờ xuất phát để thực hiện kiểm tra trên cơ sở tờ khai đăng ký thời gian. Nếu động vật khỏe mạnh, không mắc bệnh truyền nhiễm động vật nguy hiểm; phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y thì cán bộ Kiểm dịch sẽ thực hiện quy trình kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch; đồng thời thông báo cho cơ quan chức năng nơi động vật, sản phẩm động vật được vận chuyển đến biết để phối hợp kiểm tra.

Trong thời gian qua, công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi tỉnh đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông động vật, sản phẩm động vật, góp phần hạn chế dịch bệnh phát sinh, lây lan và thúc đẩy chăn nuôi phát triển.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị đã cấp 1.277 hồ sơ (1.269 hồ sơ động vật, 08 hồ sơ SPĐV). Kiểm dịch được 601 con trâu, bò; 72.963 con lợn thịt, trong đó có  5.124 con từ tỉnh Thừa Thiên Huế vận chuyển về điểm trung chuyển của Công ty CP tại thành phố Đông Hà và 67.839 con lợn được nuôi trên địa bàn tỉnh; 172.481 con gia cầm; 2.963 con chó; 23.622 con dê và 146.500 kg sản phẩm động vật.

Tuy nhiên, thực tiễn công tác này còn gặp rất nhiều hạn chế, khó khăn. Do ý thức chấp hành Luật Thú y và các quy định về kiểm dịch của người sản xuất, kinh doanh trong chăn nuôi và chế biến sản phẩm động vật còn khá hạn chế, nhiều người cố tình trốn tránh việc kiểm dịch. Mặt khác, Theo quy định của Luật Thú y không thực hiện kiểm dịch nội tỉnh nên một số chủ hàng cố tình lợi dụng, né tránh, không đăng ký thực hiện kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra ngoại tỉnh. Đồng thời, kể từ ngày 01/7/2023 theo quy định của Luật Thanh tra, chức năng thanh tra của Chi cục Chăn nuôi và Thú y không có do đó khi phát hiện hoặc kiểm tra đột xuất gặp phải trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về kiểm dịch vận chuyển, buôn bán, giết mổ hoặc vi phạm về công tác phòng chống dịch bệnh động vật thì việc xử lý phạm hành chính trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y gặp khó khăn.

Hình ảnh: Kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển lợn ra khỏi tỉnh tại Kho trung chuyển lợn của Công ty chăn nuôi CP Việt Nam ở Khe Lấp, Phường 3,

thành phố Đông Hà, Quảng Trị

Trong thời gian tới, dự báo tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp có nguy cơ xuất hiện bùng phát lây lan trên đàn vật nuôi, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Do đó, Chi cục tiếp tục chỉ đạo các Kiểm dịch viên, Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, kiểm dịch tận gốc đối với động vật và sản phẩm động vật; phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật chưa qua kiểm dịch thú y theo quy định. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm; chỉ vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật an toàn dịch bệnh, nguồn gốc rõ ràng; ...

Mặt khác, để thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, ngăn ngừa các loại dịch bệnh lây lan, giúp chăn nuôi phát triển ổn định, các cấp, ngành liên quan và các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ, chế biến, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra trong công tác kiểm dịch vận chuyển; xử lý nghiêm các cơ sở nhập động vật, sản phẩm động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Thú y với Công an, Quản lý thị trường trong việc kiểm dịch, kiểm soát động vật, sản phẩm động vật xuất, nhập trên địa bàn tỉnh. Tăng cường phối hợp trao đổi thông tin giữa các tỉnh về vận chuyển động vật, sản phẩm động vật xuất và nhập trên địa bàn./.

Hồ Minh Cảnh - Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Đang truy cập: 4

Hôm nay: 1986

Tổng lượt truy cập: 3.590.660