Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Chuyển đổi số mang ý nghĩa quan trọng với tất cả các ngành trong thời đại công nghệ 4.0, là xu thế toàn cầu và ngành nông nghiệp cũng không ngoại lệ. Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn là yêu cầu tất yếu khách quan và là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của cả hệ thống, của ngành, doanh nghiệp, khoa học công nghệ và đặc biệt là người nông dân; là phương thức để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong chuỗi sản xuất, chế biến, thị trường và nền kinh tế.

Lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị được xác định là ngành kinh tế chủ lực. Do đó, chuyển đổi số trong nông nghiệp đang được tỉnh chú trọng quan tâm, nhằm giúp nâng cao năng suất, lợi nhuận, tối ưu hóa sản xuất và đem lại nhiều cơ hội phát triển; kết nối nông dân với các tổ chức chế biến, thương mại và người tiêu dùng; mang lại cho ngành nông nghiệp một phương thức quản lý, sản xuất, kinh doanh hiện đại, chất lượng cao, khai thác hiệu quả tiềm năng vốn có của địa phương. Các mô hình thực hiện chuyển đổi số không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho người dân mà còn từng bước làm thay đổi nhận thức và nâng cao trình độ của người nông dân trong công tác tổ chức sản xuất mới.
       Xác định vai trò của chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã từng bước ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ vào triển khai các hoạt động khuyến nông, như trong công tác đào tạo huấn luyện, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình, chương trình dự án... góp phần làm thay đổi tập quán canh tác của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh; khuyến khích, hỗ trợ họ áp dụng chuyển đổi số, xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao vào thực tiễn sản xuất, từng bước thay đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả, thiếu liên kết chuỗi giá trị... Một số mô hình ứng dụng chuyển đổi số trong các khâu tiêu biểu như: mô hình sản xuất lúa hữu cơ sử dụng mạ khay, máy cấy và phun thuốc BVTV, chế phẩm, phân bón lá bằng máy bay không người lái; mô hình trồng hồ tiêu, cà phê, cam, bưởi da xanh ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tích hợp hệ thống châm phân tự động; mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (Biofloc); mô hình ứng dụng công nghệ giống keo nuôi cấy mô trong trồng rừng lâm nghiệp; mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học, kiểu chuồng khép kín, tự động cấp thoát nước và điều khiển nhiệt độ, không khí; … Đồng thời, nhiều mô hình sản xuất đã ứng dụng công nghệ sấy, bảo quản, sơ chế biến nông sản, dán tem truy suất nguồn gốc... tạo ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng, có giá trị kinh tế cao. Các mô hình thực hiện chuyển đổi số không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho người dân mà còn từng bước làm thay đổi nhận thức và nâng cao trình độ của người nông dân trong công tác tổ chức sản xuất mới. Thông qua chuyển đổi số đã mang đến những giá trị mới bền vững cho sản xuất nông nghiệp và cho thấy tầm quan trọng, tính cấp thiết của quá trình này. Không chỉ vậy, chuyển đổi số nông nghiệp đã giúp nông dân sản xuất với chi phí thấp, nhưng bán ra với giá cao. Người sản xuất được kết nối trực tiếp, đưa nông sản tới tay người tiêu dùng hạn chế khâu trung gian. Đồng thời, giúp mọi người kết nối với nhau dễ dàng, thuận lợi hơn.
         Ngoài ra, thực hiện chủ trương chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, Trung tâm khuyến nông tỉnh đã có những tiếp cận về chuyển đổi số trong việc thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị như: ứng dụng chữ ký số trong việc thực hiện nhiệm vụ, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, các mô hình sản xuất hiệu quả lên trang web của Sở Nông nghiệp và PTNT cũng như của đơn vị nhằm phổ biến nhanh, kịp thời, đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phổ biến quy trình sản xuất, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao; mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, điển hình tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp và hoạt động Khuyến nông đến đông đảo bà con nông dân, lãnh đạo các cấp, ngành để kịp thời tiếp cận ứng dụng vào thực tiễn chỉ đạo và sản xuất tại địa phương. Đặc biệt trong tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 vừa qua, tại các thời điểm cao điểm khi mà các hoạt động di chuyển đình trệ, hạn chế tập trung đông người, giãn cách xã hội… nhưng các hoạt động như kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật, tập huấn, hội thảo, hội họp,.. vẫn được Trung tâm triển khai thực hiện đúng tiến độ và có hiệu quả thông qua hình thức trực tuyến trên nền tảng Zoom, bên cạnh đó Trung tâm đã cho thành lập các nhóm Zalo theo lĩnh vực, nhiệm vụ như: nhóm “Lãnh đạo, phòng Khuyến nông”, nhóm “các đơn vị thuộc khuyến nông”, các nhóm riêng của các phòng, các trạm có sự tham gia của lãnh đạo Trung tâm… nhằm kết nối, trao đổi nhanh nhất giữa các thành viên trong các nhóm, gửi hình ảnh, video-clip làm cơ sở phân tích, chỉ đạo và xử lý công việc kịp thời…Image
         Với những kết quả đạt được, thời gian tới đội ngũ cán bộ Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân thực hiện chuyển đổi số trên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP, đặc sản và nông sản an toàn giúp nông dân đưa giá trị sản phẩm nông nghiệp của mình đến tận tay người tiêu dùng trong nước và thị trường ngoài nước. Đó cũng chính là cơ hội để mỗi cán bộ làm công tác Khuyến nông có thêm sự trải nghiệm mới mẻ, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong phát triển chiến lược chuyển đổi số của tỉnh Quảng Trị nói chung và ngành nông nghiệp tỉnh nhà nói riêng trong thời kỳ công nghệ 4.0 như hiện nay.
         Để tiếp tục tăng cường việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đề xuất một số giải pháp sau:
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các khâu và truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, tiếp cận thị trường, định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn...
         Tăng cường xây dựng các chương trình, mô hình sản xuất phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, định hướng thị trường, sản xuất hàng hóa, khuyến khích người nông dân tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ khuyến nông cộng đồng, câu lạc bộ khuyến nông... Chú trọng, xây dựng các mô hình áp dụng khoa học công nghệ, áp dụng quy trình tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo an toàn sinh học và vệ sinh môi trường nhằm thúc đẩy chương trình chuyển đổi số của ngành đạt kế hoạch đề ra, phù hợp và hiệu quả.
         Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo tập huấn, hội nghị, hội thảo, xây dựng các mô hình khuyến nông về sự cần thiết cũng như vai trò, lợi ích của ứng dụng công nghệ số vào tổ chức, quản lý điều hành, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong thời kỳ công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế./.

Thanh Tùng, Minh Thắng - TTKNQT

 

Đang truy cập: 6

Hôm nay: 160

Tổng lượt truy cập: 3.558.967