Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

     Trong những năm qua, tổng đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh ngày càng được duy trì ổn định và phát triển; nhiều trang trại, gia trại được hình thành và phát triển với quy mô nuôi số lượng lớn. Bên cạnh đó, các loại dịch bệnh trên vật nuôi diễn biến phức tạp, nhiều bệnh ghép xuất hiện nên khó chẩn đoán, điều trị; làm ảnh hướng đến hoạt động chăn nuôi trên địa bàn. Để giúp cho ngành chăn nuôi ổn định phát triển, giảm thiệt hại khi dịch bệnh gây ra. Xin hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật khám bệnh ở vật nuôi như sau:

  1. Hỏi chủ vật nuôi:

Việc hỏi chủ nhà sẽ giúp ta có những thông tin quan trọng ban đầu về biểu hiện bệnh trên con vật ốm, về phương thức chăn nuôi và các lý do khác làm cho con vật ốm.

-Hỏi về nguồn gốc vật nuôi: Loài, giống, xuất xứ từ đâu (mua giống ở đâu về hay gia đình tự gia đình sản xuất ra được). Nếu mua giống từ nơi khác về thì có thể mang theo mầm bệnh theo hoặc mắc bệnh trong quá trình vận chuyển.

-Hỏi về tuổi: Vật được nuôi bao lâu, còn non, trưởng thành hay đã già thì cảm nhiễm bệnh cũng khác nhau. Có rất nhiều bệnh chỉ xảy ra ở một độ tuổi nào đó (bệnh lợn con ỉa phân trắng chỉ xảy ra ở lợn con, giun đũa bê nghé chỉ xả ra ở bê và nghé).

- Tính biệt: Nếu là gia súc cái thường liên quan đến vấn đề phối giống, chửa, đẻ, sảy thai hoặc các vấn đề khác. Nhiều bệnh có liên quan đến tính biệt của vật nuôi như bệnh sảy thai, viêm vú chỉ có ở gia súc cái.

- Hỏi tình trạng hiện tại của vật nuôi: Còn ăn hay bỏ ăn, gia súc đứng, đi lại được hay nằm.v.v. Qua các thông tin có thể biết được bệnh nặng hay nhẹ và có hướng can thiệp kịp thời.

          - Hỏi biểu hiện của bệnh: Xảy ra từ khi nào, tiến triển của bệnh nhanh hay chậm, con vật ốm có gì khác thường kể từ khi bắt đầu ốm cho đến khi kiểm tra; bệnh đã từng xảy ra khi nào chưa. Có bao nhiêu con chết trong tổng đàn vật nuôi của gia đình, các loại vật nuôi khác trong nhà có bị bệnh không, vật nuôi nhà hàng xóm có bị bệnh như thế không.

Qua đó có thể biết được mức độ nặng nhẹ (chết nhiều hay ít), bệnh cấp tính (tiến triển nhanh) hay mãn tính (tiến triển chậm), mức độ lây lan nhanh hay chậm.

-Tác động môi trường xung quanh: Cho vật nuôi ăn thức ăn gì, thức ăn có thay đổi khác thường không; cho ăn có đủ không, nước uống có đủ và sạch sẽ không? Con vật nuôi nhốt hay thả rông, nếu nuôi nhốt thì chuồng nuôi có khô ráo, sạch sẽ, và có thường xuyên tắm chải cho vật nuôi không?

          Có nhập đàn vật nuôi mới hoặc có mua thịt hoặc sản phẩm chăn nuôi ở chợ mang về nhà không, có khách đến tham quan không?  Qua các thông tin trên, có thể định hướng được: liệu có phải là do nguyên nhân chăm sóc, nuôi dưỡng và sử dụng hoặc có thể là bệnh do lây từ xung quanh qua người hoặc động vật khác (nhất là với các bệnh truyễn nhiễm).

-Tác động của chủ vật nuôi: Đã phòng vắc xin cho con vật chưa, loại vắc xin gì, phòng khi nào? Có cách ly cho con vật ốm và gia súc khỏe không, có điều trị bằng thuốc cho gia súc ốm không; dùng thuốc gì, mua thuốc ở đâu, liều lượng thế nào? Qua đó có thể loại bỏ khả năng xảy ra của các bệnh đã được phòng bằng vắc xin và giúp định hướng cho việc chẩn đoán, điều trị.

  1. Khám quan sát bên ngoài con vật ốm:

-Quan sát để xem tình trạng con vật tại chuồng nuôi và các biểu hiện khác thường của nó, đồng thời kiểm tra lại những thông tin đã được cung cấp từ chủ vật nuôi.

-Quan sát tình trạng hiện tại: Tư thế của con vật, đi đứng có bình thường không, có chân nào bị liệt hoặc bi đau không, đau ở chỗ nào. Trong trường hợp con vật bị viêm khớp hoặc tổn thương ở các cơ quan vận động hay bị bệnh Lở mồm long móng thì đi lại rất khó khăn và con vật có biểu hiện đau.

Con vật còn tỉnh táo hay mệt mỏi, nằm ủ rũ, nếu nằm bệt một chỗ thì tư thế nằm thế nào? Con vật gầy hay béo? trong một số bệnh mãn tính, bệnh do ký sinh trùng và bệnh do dinh dưỡng thì con vật sẽ gầy còm, ốm yếu. Tình trạng ăn uống; Bụng con vật như thế nào, có bị chướng bụng không (Trâu bò bị chướng hơi dạ cỏ thì bụng bên trái sẽ phình to lên).

Các lỗ tự nhiên (mắt lỗ mũi, lỗ đái, hậu môn...) của con vật có dịch viêm chảy ra không; trong nhiều bệnh nhất là khi bị viêm nhiễm, các lỗ tự nhiên sẽ có dịch viêm, mủ, thậm chí là cả máu chảy ra (khi bị bệnh nhiệt thán, các lỗ tự nhiên của trâu bò thường chảy máu màu đen khó đông).

-Quan sát lông, da: Lông mượt hay xơ xác, sạch hay bẩn? Da chỗ nào bị sưng hay tổn thương không, màu sắc của da có thay đổi gì không, có ký sinh trùng ngoài da không? Trong nhiều bệnh, trên da sẽ có các dấu hiệu rất điển hình (lợn bị 1 trong 4 bệnh đỏ thì trên da sẽ có các điểm tụ huyết, xuất huyết).

-Quan sát hô hấp: Con vật thở như thế nào, có khó thở không, cách thở ra sao, nhịp thở nhanh hay chậm và có bị ho không? Các triệu chứng trên thường có trên một số bệnh về đường hô hấp. Ví dụ: khi bị bệnh Dịch tả lợn, con vật thường khó thở và ngồi như chó để thở.

          -Kiểm tra phân: Trạng thái của phân có bình thường hay không, lỏng hay táo bón; màu sắc của phân có thay đổi hay không, trong phân có lẫn mủ, máu, màng nhầy hay không; phân có lẫn giun, sán không, phân có thức ăn chưa tiêu hóa không và phân có mùi thối khắm không?

-Kiểm tra nước tiểu: Số lượng nước tiểu nhiều hay ít, trong nước tiểu có lẫn máu, mủ không, màu sắc của nước tiểu có thay đổi không? (vật nuôi bị xuất huyết nặng ở thận hoặc bị bệnh ký sinh trùng đường máu thì nước tiểu có màu đỏ hoặc nâu đỏ).

3. Khám trực tiếp con vật:

-Kiểm tra thân nhiệt:Dùng nhiệt kế kiểm tra thân nhiệt để xem con vật có bị sốt không? Có bị hạ thân nhiệt không?

-Sờ nắn và khám các cơ quan: Phải quan sát con vật ốm trước, sau đó mới tiến hành khám, sờ nắn nơi bị sưng, phù hoặc tổn thương kiểm tra các hạch gần nơi tổn thương, nơi sưng đau.

Khám phần đầu:Khám miệng dùng miếng vải lót tay túm kéo lưỡi con vật ra khỏi miệng, kiểm tra trong miệng xem có dị vật gì không, miệng lưỡi có bị tổn thương gì không? Khám mắt, mũi xem có dị vật gì không, có viêm nhiễm, có sưng không?

Khám phần chân: Khớp có bị viêm không, gan bàn chân có dị vật không, vành móng, kẽ móng có mụn nước, có tổn thương không?

Khám cơ quan sinh dục:Có dịch viêm, mủ, máu chảy ra không; gia súc đẻ thì có bị sót nhau, sát nhau không hay lộn tử cung không?

Khám vú: Sờ nắn bầu vú gia súc cái xem có bị sưng, nóng, đỏ, đau hoặc có mụn nước lở loét không; tuyến sữa có bình thường không; có máu, mủ chảy ra từ tuyến sữa không?

Việc kiểm tra khám bệnh động vật kỹ lưỡng, đầy đủ, chính xác giúp cho chúng ta chẩn đoán đúng bệnh, nhận định tình hình ca bệnh và đưa ra các giải pháp phòng và trị bệnh có hiệu quả.

           

                                                                               Trần Quốc Lượng

  Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Hải Lăng - Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Đang truy cập: 4

Hôm nay: 204

Tổng lượt truy cập: 3.556.877