Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Chủ động phòng trừ bệnh vàng lá trên cây cà phê

Cà phê là cây trồng chủ lực của huyện Hướng Hóa, là cây có giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân trên địa bàn. Tuy nhiên, hằng năm, sau mùa mưa bão thường xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh gây hại nặng trên vườn cà phê như  bệnh thán thư, bệnh rỉ sắt, bệnh nấm hồng…,  đặc biệt đáng chú ý là bệnh vàng lá thối cổ rể trên nhữngvườn cà phê nhất là trên những vườn cà phê 2 năm tuổi. Đây là một loại bệnh nguy hiểm, lây lan nhanh và khó phòng trừ. Mặc dù không ảnh hưởng đến năng suất nhưng sẽ khiến bà con mất thời gian và tiền của để trồng lại đồng thời làm chậm sự sinh trưởng của vườn cà phê. Để chủ động trong công tác phòng trừ bệnh vàng lá do thối cổ rễ, người trồng cà phê cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Triệu chứng:

Những cây bị bệnh thường bị long gốc, cây bị nhẹ mặc dù lá vẫn còn xanh nhưng một phần cổ rễ đã bị thối đen, đối với cây bị nặng lá vàng, toàn bộ cổ rễ bị thối đen, nhỏ lại so với thân, phần gỗ bên trong bị khô. Bệnh phát triển rất nhanh thường khi cây chớm vàng thì phần cổ rễ đã bị thâm đen.

Description: npo000065

2. Nguyên nhân:

Bệnh do các loài nấm Rhizoctonia solani và Fusarium oxysporum mà chủ yếu là Rhizoctonia solani gây hại. Nguồn bệnh có sẵn ở trong đất hoặc từ cây con đã bị nhiễm bệnh trước khi trồng.

3. Điều kiện phát sinh phát triển:

Bệnh gây hại từ mùa mưa, tập trung trên những vườn cà phê năm thứ 2. Những vườn đất ẩm, ít được xới xáo, thoát nước kém, không có đai chắn gió, mưa to kèm theo gió làm lay gốc, ẩm độ không khí cao bệnh thường phát triển mạnh. Nấm bệnh lây lan nhanh thông qua nguồn nước, thông qua vết thương cơ giới trong quá trình làm cỏ, bón phân, tỉa chồi...

4. Biện pháp phòng trừ:

Bệnh này phòng là chính, dùng thuốc bảo vệ thực vật trị có hiệu quả thấp và khó thực hiện.

a. Đối với cà phê trồng mới.

- Chọn đất có tầng canh tác dày, thoát nước tốt. Những vườn tái canh trồng lại trên vườn cà phê cũ nên trồng luân canh các loại cây họ đậu một vài vụ để cải tạo đất rồi mới trồng cà phê.

- Chọn cây giống có 5 - 6 tháng tuổi, có 5 đến 6 cặp lá, chưa phân cành, không dị dạng, không sâu bệnh, không cụt ngọn để trồng.

- Trồng cây đai rừng cùng lúc hoặc trước lúc trồng cà phê 1-2 tháng để chắn gió trong mùa mưa.

- Bón phân đầy đủ, cân đối, tăng cường bón phân hữu cơ hoặc các loại phân vi sinh để cải tạo đất.

- Vun gốc, khơi rãnh thoát nước để tránh bị ngập úng khi mùa mưa bão.

b. Đối với vườn cà phê năm 2:

- Đóng cọc cố định cây để  không bị lay gốc khi có mưa, gió lớn.

- Tránh tạo vết thương cơ giới phần gốc cây khi làm cỏ, bón phân, vun gốc...

- Đối với những vườn vừa chớm bệnh có thể dùng thuốc có hoạt chất như: Trchoderma viride (Biobus 1.00WP) với lượng dùng 1,2 kg/ha pha 600 lít nước tưới xuống gốc, tưới 2 -3 lần mỗi lần cách nhau 5-7 ngày để cây cà phê nhanh chóng dừng bệnh và phục hồi, hoặc có thể sử dụng ngay dung dịch Nano bạc đồng & Nano đồng oxyclorua HLC theo tỷ lệ mỗi loại 500ml cho 200 lít nước tưới gốc từ 2 lần, mỗi lần cách nhau 7 ngày.

- Những cây đã bị bệnh nặng cần nhổ bỏ, đem đi tiêu hủy (đốt), xử lý đất bằng vôi bột vào hố cây đã nhổ và để phơi ít nhất trong 15 ngày rồi mới tiến hành trồng lại.

Nguyễn Xuân Thế - Trạm TTBVTV Hướng Hóa

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 387

Tổng lượt truy cập: 3.281.229