Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TRÊN TÔM NUÔI

Dịch bệnh trên tôm nuôi hiện nay đã trở nên phổ biến, thường xuyên xảy ra và gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2022, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là 23.438 ha tại 21 tỉnh, thành phố, tăng 15,5% so với năm 2021, trong đó diện tích thiệt hại xác định do dịch bệnh là 7.135 ha (chiếm 30,4% tổng diện tích tôm bị thiệt hại; tăng gần 42% so với cùng kỳ năm 2021), diện tích còn lại do chủ nuôi tôm, cơ quan thú y địa phương không lấy mẫu xét nghiệm bệnh (9.914 ha, chiếm 42,3%) và do các yếu tố khác như môi trường (6.389 ha, chiếm 27,3%). Riêng từ đầu năm 2023 tới nay, cả nước có gần 4.024 ha tôm nuôi tại 7 tỉnh bị thiệt hại, trong đó khoảng 2.239 ha thiệt hại do dịch bệnh (chiếm 55,65%), còn lại 1.785 ha thiệt hại do môi trường, thời tiết và không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, số liệu dịch bệnh chưa sát với thực tế, có thể cao hơn nhiều so với số liệu báo cáo.

Tại Quảng Trị, năm 2022, dịch bệnh trên tôm nuôi đã xảy ra tại địa bàn 06 xã của 02 huyện với tổng diện tích bị bệnh 49,38 ha (trong đó 1,32 ha bị bệnh đốm trắng và 48,06 ha bị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính); Tổng số hóa chất chlorine đã cấp hỗ trợ là 23.095 kg. Ngoài ra, một số hộ nuôi khi xảy ra hiện tượng tôm chết đã tự xử lý mà không báo chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn để kiểm tra, phối hợp lấy mẫu xác định nguyên nhân gây bệnh, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Hiện nay, mới bước vào vụ nuôi chính của năm 2023, tuy nhiên dịch bệnh Hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi đã xảy ra tại các hộ nuôi ở xã Triệu Phước của huyện Triệu Phong với diện tích bị bệnh 2 ha; với diễn biến tình hình dịch bệnh trong thời gian qua, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan là rất cao.

Với tính chất lây lan nhanh và khó kiểm soát, để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, người nuôi cần thực hiện tốt các vấn đề sau:

1. Thả nuôi

- Các hộ nuôi cần thả nuôi đúng theo Hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Công văn số 133/SNN-KHTC ngày 17/01/2023 về việc Hướng dẫn “Khung lịch mùa vụ thả giống nuôi tôm nước lợ năm 2023”.

- Trước khi thả nuôi cần đăng ký kê khai theo quy định.

- Giống thả nuôi khỏe mạnh, có nguồn gốc rỏ ràng và phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền cấp.

2. Chăm sóc

Trong quá trình nuôi cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe của tôm nuôi, diễn biến thời tiết, môi trường ao nuôi, phát hiện và xử lý kịp thời những dấu hiệu không bình thường của tôm. Chỉ sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học, kháng sinh, hoá chất nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố. Tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm cấm, sản phẩm quá hạn; bảo quản thức ăn, thuốc thú y nơi khô ráo, thoáng mát.

3. Phòng, chống dịch bệnh

         3.1. Giám sát dịch bệnh

         - Chủ động triển khai giám sát thông qua việc thu thập thông tin, lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện sớm tác nhân gây bệnh và xác định các yếu tố nguy cơ tại cơ sở nuôi.

         - Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để lấy mẫu giám sát (mẫu tôm nuôi, mẫu môi trường) để phát hiện hoặc xác định mức độ lưu hành bệnh, tác nhân gây bệnh nhằm chủ động triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống.

         3.2. Khi dịch bệnh xảy ra

         - Các hộ nuôi có tôm bị bệnh tuyệt đối không được tháo nước ra bên ngoài khi chưa qua xử lý đúng theo yêu cầu kỹ thuật. Đồng thời phải báo ngay cho chính quyền địa phương, nhân viên Thú y, tổ nuôi tôm cộng đồng để có biện pháp xử lý kịp thời nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan.

         - Không giấu dịch, phối hợp với cơ quan chuyên môn lấy mẫu gửi xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh.

         - Trường hợp tôm nuôi nhiễm các bệnh thông thường tùy vào tình hình thực tế từng ao nuôi để có giải pháp xử lý phù hợp, hiệu quả.

         - Trường hợp tôm nuôi bị nhiễm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh đốm trắng, bệnh Hoại tử gan tụy,... hay tôm có hiện tượng chết nhanh, nhiều thì chủ cơ sở xử lý:

         + Trường hợp tôm đạt kích cỡ thương phẩm có thể thu hoạch nhưng không được để tôm và nước rơi vãi ra vùng nuôi, sau đó xử lý nước ao bằng Chlorine với nồng độ 30ppm (30 kg/1.000m3 nước). Sau 7 ngày mới được tháo nước ra. Phơi ao và cải tạo ao kỹ trước khi thả nuôi trở lại. Toàn bộ dụng cụ, trang thiết bị liên quan đến ao nuôi phải được vệ sinh sạch sẽ bằng Chlorine.

         + Trường hợp tôm còn nhỏ xử lý tiêu hủy bằng Chlorine với nồng độ 30ppm.

         3.3. Đối với cơ sở nuôi chưa có bệnh ở trong vùng có dịch

         - Áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và thường xuyên vệ sinh tiêu độc môi trường, khu vực nuôi tôm.

         - Hạn chế đi lại qua các ao nuôi, vùng nuôi đang có tôm bị bệnh.

         - Tăng cường chăm sóc và nâng cao sức đề kháng cho tôm nuôi.

         - Không thả mới hoặc thả bổ sung động vật thủy sản mẫn cảm với bệnh dịch đang xảy ra.

         - Áp dụng quy trình nuôi tiên tiến và ít thay nước để hạn chế dịch bệnh.

          - Tăng cường giám sát chủ động nhằm phát hiện sớm tôm mắc bệnh, báo cáo với chính quyền địa phương hoặc nhân viên thú y xã và áp dụng biện pháp phòng chống kịp thời.

         4. Chẩn đoán xét nghiệm bệnh tôm

         4.1. Thủ tục nhận mẫu

         - Đối với mẫu xét nghiệm theo yêu cầu của chủ cơ sở: gửi mẫu kèm theo những thông tin của mẫu.

         - Đối với mẫu xét nghiệm để xin hỗ trợ hóa chất: chủ cơ sở phải báo với nhân viên thú y xã để phối hợp triển khai lấy mẫu.

         4.2. Cách lấy mẫu

         Chọn ao nuôi có hiện tượng tôm chết, dạt bờ, lấy đều ở quanh hồ:

         - Tôm yếu, chết bỏ vào lọ có cồn 70 hoặc 900 để cố định.

         - Tôm sống bỏ vào bì nilon cột kỹ có nước hoặc bỏ vào thùng bảo ôn có đá lạnh.

         - Ghi đầy đủ thông tin: Tên chủ cơ sở, địa chỉ, diện tích bị bệnh, ngày thả nuôi, ngày bị bệnh, ngày lấy mẫu, dấu hiệu bệnh, yêu cầu xét nghiệm.

         4.3. Địa điểm nhận mẫu:

         Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị

         Km3 - Đường 9D - Đông Lương - Đông Hà - Quảng Trị

         Điện thoại: 0233.3709895

         4.4. Các chỉ tiêu xét nghiệm

         - Bệnh Đốm trắng và Hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm. Phí xét nghiệm 500.000 đồng/mẫu/chỉ tiêu.

         - Đối với các bệnh khác nếu cơ sở có nhu cầu xét nghiệm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y có thể hỗ trợ liên lạc, bảo quản, vận chuyển mẫu đến đơn vị xét nghiệm và chủ cơ sở nuôi phải chịu toàn bộ chi phí.

                                                                                     

                                             Phạm Quang Tuyến - Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Đang truy cập: 40

Hôm nay: 2093

Tổng lượt truy cập: 3.555.766