Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 162/2021/NQ-HĐND

Quảng Trị, ngày 09 tháng 12 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN MỘT SỐ CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI TẠO SẢN PHẨM CHỦ LỰC CÓ LỢI THẾ CẠNH TRANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN 2022-2026

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 6

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật ngân sách nhà nước;

Xét Tờ trình số 202/TTr-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Quy định chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026 định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy định chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2022-2026.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội giám sát thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị Khóa VIII, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2021, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 và thay thế Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND ngày 23/5/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025./.

 


Nơi nhận:

- VPQH, Chính phủ;
- Bộ NN và PTNT;
- Vụ Pháp chế Bộ NN và PTNT;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TVTU, TTHĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- VP: TU, VP Đoàn ĐBQH&HĐND, VP UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- TT HĐND, UBND huyện, thị xã, thành phố;
- TT Công báo tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Đăng Quang

 

QUY ĐỊNH

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN MỘT SỐ CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI TẠO SẢN PHẨM CHỦ LỰC CÓ LỢI THẾ CẠNH TRANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN 2022-2026
(Kèm theo Nghị quyết số 162/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh gồm: Lúa chất lượng cao, cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, dược liệu, gỗ nguyên liệu, con bò và con tôm.

2. Ngoài chính sách hỗ trợ tại Quy định này, các đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ theo các văn bản quy định của Trung ương và của tỉnh còn hiệu lực. Trường hợp các văn bản có cùng nội dung hỗ trợ thì đối tượng thụ hưởng được lựa chọn áp dụng mức hỗ trợ có lợi nhất.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại, hộ gia đình, cá nhân (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân) tham gia phát triển sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng các dịch vụ có liên quan đến cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc thực hiện Nghị quyết này.

3. Không áp dụng đối với các doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Chương II

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN MỘT SỐ CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI TẠO SẢN PHẨM CHỦ LỰC CÓ LỢI THẾ CẠNH TRANH

Điều 3. Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cây trồng

1. Chính sách hỗ trợ phát triển cây cà phê theo hướng cà phê đặc sản, hữu cơ kết hợp trồng xen cây ăn quả.

a) Nội dung, định mức, quy mô hỗ trợ

Hỗ trợ một lần với mức tối đa 70% chi phí giống cây cà phê, giống cây ăn quả trồng xen (Giống sầu riêng, Bơ 034) và vật tư nông nghiệp thiết yếu (bao gồm phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và thảo mộc, chế phẩm vi sinh được sử dụng cho trồng trọt hữu cơ quy định tại QCVN 11041-2: 2017) để thực hiện tái canh cà phê. Định mức hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng/ha đối với hỗ trợ trồng tái canh cà phê và 10 triệu đồng/ha đối với việc cải tạo nâng cao hiệu quả vườn cây. Mỗi năm hỗ trợ tối đa 100 ha.

b) Đối tượng và điều kiện hỗ trợ

Tổ chức, cá nhân có diện tích cà phê thuộc quy hoạch, kế hoạch tái canh cà phê được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vườn cà phê đưa vào tái canh phải được cơ quan chức năng đánh giá đảm bảo điều kiện và quy mô thực hiện tối thiểu 0,5ha; Các giống cà phê tái canh và giống cây ăn quả trồng xen phải đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định và thuộc cơ cấu giống khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ưu tiên các tổ chức, cá nhân đang thực hiện chuyển đổi sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, đặc sản, có hợp đồng liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm tối thiểu từ 5 năm trở lên.

2. Chính sách hỗ trợ phát triển cây hồ tiêu theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

a) Nội dung, định mức, quy mô hỗ trợ

Hỗ trợ một lần với mức tối đa 50% chi phí giống, vật tư nông nghiệp thiết yếu (bao gồm: phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và thảo mộc, chế phẩm vi sinh được sử dụng cho trồng trọt hữu cơ quy định tại QCVN 11041-2: 2017) phục vụ sản xuất hồ tiêu. Định mức hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng/ha đối với tái canh, trồng mới hồ tiêu và 10 triệu đồng/ha đối với phục hồi, cải tạo vườn tiêu nhiễm sâu bệnh, năng suất thấp. Mỗi năm hỗ trợ tối đa 85 ha

b) Đối tượng và điều kiện hỗ trợ

Đối với chính sách hỗ trợ tái canh, trồng mới hồ tiêu theo hướng hữu cơ: Tổ chức, cá nhân tham gia tái canh, trồng mới hồ tiêu theo hướng hữu cơ phải có diện tích hồ tiêu trong vùng quy hoạch; trồng tập trung với diện tích tối thiểu 0,1 ha đối với cá nhân và 0,5 ha đối với tổ chức; vườn tiêu thoát nước tốt trong mùa mưa. Ưu tiên các tổ chức, cá nhân đang thực hiện chuyển đổi sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, có hợp đồng liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm tối thiểu từ 5 năm trở lên.

Đối với chính sách phục hồi, cải tạo vườn tiêu nhiễm sâu bệnh, năng suất thấp: Tổ chức, cá nhân có vườn hồ tiêu đang giai đoạn kinh doanh, trồng tập trung với diện tích tối thiểu 0,1 ha đối với cá nhân và 0,5 ha đối với tổ chức; đã có hệ thống tưới chủ động, có năng suất thấp, bình quân 3 năm liên tục dưới 5 tạ/ha.

3. Chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn quả theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

a) Nội dung, định mức, quy mô hỗ trợ

Hỗ trợ một lần với mức tối đa 50% chi phí giống, vật tư nông nghiệp thiết yếu phục vụ sản xuất theo hướng hữu cơ (bao gồm: phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và thảo mộc, chế phẩm vi sinh được sử dụng cho trồng trọt hữu cơ quy định tại QCVN 11041-2: 2017) và hệ thống tưới tiết kiệm. Định mức hỗ trợ tối đa 50 triệu đồng/ha. Mỗi năm hỗ trợ tối đa 50 ha.

b) Đối tượng và điều kiện hỗ trợ

Tổ chức, cá nhân trồng các loại cây ăn quả gồm cam, bưởi, bơ, chanh leo theo hướng hữu cơ; trồng thành vùng tập trung với diện tích tối thiểu 01 ha. Giống cây ăn quả phải đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, phải thuộc cơ cấu giống khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ưu tiên tổ chức, cá nhân đang thực hiện chuyển đổi sản xuất cây ăn quả theo hướng hữu cơ, có hợp đồng liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm tối thiểu từ 5 năm trở lên.

4. Chính sách phát triển cây lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm

a) Nội dung, định mức, quy mô hỗ trợ

Hỗ trợ với mức tối đa 50% chi phí giống, vật tư nông nghiệp thiết yếu phục vụ sản xuất lúa theo hướng hữu cơ (bao gồm: phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và thảo mộc, chế phẩm vi sinh được sử dụng cho trồng trọt hữu cơ quy định tại QCVN 11041-2:2017). Định mức hỗ trợ tối đa 07 triệu đồng/ha/vụ. Mỗi điểm sản xuất chỉ được hỗ trợ 01 năm với 2 vụ sản xuất liên tục (Đông Xuân và Hè Thu), mỗi vụ hỗ trợ tối đa 250 ha.

b) Đối tượng và điều kiện hỗ trợ

Tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất lúa theo hướng hữu cơ quy mô tập trung tối thiểu 10 ha, ruộng liền vùng, liền khoảnh, chủ động tưới, tiêu; có bản cam kết sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ và hợp đồng liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa hữu cơ tối thiểu từ 3 năm trở lên, ưu tiên hỗ trợ cho hợp tác xã tham gia trồng lúa theo hướng hữu cơ và có liên kết theo quy định.

5. Chính sách hỗ trợ phát triển vùng sản xuất dược liệu tập trung

a) Nội dung, định mức, quy mô hỗ trợ

Hỗ trợ với mức tối đa 50% chi phí giống, vật tư nông nghiệp thiết yếu (bao gồm phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và thảo mộc, chế phẩm vi sinh được sử dụng cho trồng trọt hữu cơ quy định tại QCVN 11041-2: 2017) và hệ thống tưới tiết kiệm. Định mức hỗ trợ tối đa 60 triệu đồng/ha, mỗi năm hỗ trợ tối đa 40 ha.

b) Đối tượng và điều kiện và hỗ trợ

Tổ chức, cá nhân tham gia trồng các loại cây dược liệu đã được các cơ quan chức năng khẳng định có hiệu quả, có khả năng nhân rộng, có thị trường tiêu thụ ổn định như: Nghệ, chè vằng, sả, cà gai leo, an xoa, dây thìa canh, tràm gió, sâm bố chính, quế; trồng thành vùng tập trung với diện tích tối thiểu 02 ha. Ưu tiên các tổ chức, cá nhân đang thực hiện chuyển đổi sản xuất dược liệu theo hướng hữu cơ, có hợp đồng liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm tối thiểu từ 5 năm trở lên.

6. Chính sách hỗ trợ phát triển cây dược liệu dưới tán rừng

a) Nội dung, định mức, quy mô hỗ trợ

Hỗ trợ với mức tối đa 70% chi phí giống theo định mức kinh tế kỹ thuật mỗi loại cây. Định mức hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng/ha, mỗi năm hỗ trợ tối đa 150 ha.

b) Đối tượng và điều kiện hỗ trợ

Tổ chức, cá nhân tham gia trồng các loại cây dược liệu dưới tán rừng đã được các cơ quan chức năng khẳng định có hiệu quả, có khả năng nhân rộng, có thị trường tiêu thụ ổn định như: Bảy lá một hoa, giảo cổ lam, đẳng sâm, sâm cau, khôi tía; có quy mô tập trung liền vùng với diện tích tối thiểu 05 ha. Ưu tiên các tổ chức, cá nhân đang thực hiện chuyển đổi sản xuất dược liệu theo hướng hữu cơ, có hợp đồng liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm tối thiểu từ 5 năm trở lên.

7. Chính sách hỗ trợ trồng rừng nguyên liệu chất lượng cao

a) Nội dung, định mức, quy mô hỗ trợ

Hỗ trợ 50% chi phí cây giống Keo lai nuôi cấy mô, phân bón để trồng rừng nguyên liệu chất lượng cao. Mỗi tổ chức, cá nhân được hỗ trợ tối đa 5,0 ha; định mức hỗ trợ tối đa 4 triệu đồng/ha; mỗi năm hỗ trợ tối đa 1.000 ha.

b) Đối tượng và điều kiện hỗ trợ

Tổ chức, cá nhân tham gia trồng rừng nguyên liệu chất lượng cao có diện tích trồng rừng liền vùng tối thiểu từ 2 ha trở lên, mật độ trồng 1.660 cây/ha; có cam kết trồng rừng chu kỳ dài từ 8 năm trở lên mới được khai thác; khuyến khích ưu tiên đối với hộ gia đình, cá nhân tham gia hợp tác xã trồng rừng theo chứng chỉ chỉ quản lý rừng bền vững có liên kết với Doanh nghiệp chế biến hoặc tiêu sản phẩm.

Điều 4. Chính sách hỗ trợ phát triển vật nuôi

1. Chính sách hỗ trợ trồng cỏ, trồng ngô sinh khối làm thức ăn cho bò

a) Nội dung, định mức, quy mô hỗ trợ

Hỗ trợ 50% chi phí trồng cỏ, trồng ngô sinh khối làm thức ăn cho bò gồm giống, vật tư nông nghiệp thiết yếu (bao gồm phân bón, vôi bột); mức hỗ trợ tối đa 24 triệu đồng/ha trồng cỏ và 07 triệu đồng/ha trồng ngô sinh khối; mỗi năm hỗ trợ tối đa không quá 20 ha trồng cỏ và 20 ha trồng ngô sinh khối.

b) Đối tượng, điều kiện hỗ trợ

Tổ chức, cá nhân đầu tư chăn nuôi bò đạt quy mô trang trại trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, có diện tích đất để trồng cỏ, trồng ngô sinh khối nuôi bò từ 1.000m2 trở lên/trang trại.

2. Chính sách hỗ trợ chăn nuôi bò chuyên thịt thâm canh

a) Nội dung, định mức, quy mô hỗ trợ

Hỗ trợ 50% chi phí giống, vật tư thiết yếu (bao gồm: thức ăn tinh, thuốc thú y, vắc xin) đối với các mô hình chăn nuôi bò chuyên thịt thâm canh. Định mức hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/mô hình; mỗi năm hỗ trợ tối đa 5 mô hình.

b) Đối tượng và điều kiện hỗ trợ

Tổ chức, cá nhân đầu tư chăn nuôi bò thịt thâm canh, quy mô nuôi tối thiểu từ 10 con bò trở lên; các giống bò được hỗ trợ gồm: nhóm bò Zebu, lai Zebu hoặc các giống bò ngoại, lai ngoại chuyên thịt BBB, DroughtMaster, Charolaise và một số giống chất lượng cao khác; giống bò nuôi chuyên thịt thâm canh phải có tỷ lệ máu ngoại đạt từ 50% trở lên.

3. Chính sách hỗ trợ mua bình chứa Nitơ lỏng để vận chuyển, bảo quản tinh phối giống nhân tạo gia súc

a) Nội dung, định mức, quy mô hỗ trợ

Hỗ trợ 50% giá trị bình chứa Nitơ lỏng dung tích tối thiểu từ 3 lít trở lên cho người làm dịch vụ phối giống nhân tạo gia súc. Định mức hỗ trợ tối đa 4 triệu đồng/1 bình/1 người. Mỗi năm hỗ trợ tối đa 15 bình.

b) Đối tượng, điều kiện hỗ trợ

Người làm dịch vụ phối giống nhân tạo gia súc trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã qua đào tạo, tập huấn có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận; có nhu cầu, có đơn đăng ký hỗ trợ và được Ủy ban nhân dân cấp xã chấp thuận; có cam kết bảo quản, sử dụng bình trong thời gian từ 5 năm trở lên. Bình có dung tích tối thiểu từ 3 lít trở lên.

4. Chính sách hỗ trợ thực hiện dự án nuôi tôm công nghệ cao

a) Nội dung, định mức, quy mô hỗ trợ

Hỗ trợ 30% chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng (bao gồm các hạng mục: Hệ thống bể/ao ương, bể/ao nuôi; hệ thống cấp thoát, xử lý nước; hệ thống nhà kính, nhà lưới; hệ thống mái che và hệ thống máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất). Định mức hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng/dự án; mỗi năm hỗ trợ tối đa 05 dự án.

b) Đối tượng, điều kiện hỗ trợ

Hỗ trợ nhân rộng vùng nuôi tập trung theo quy hoạch, sản xuất có hiệu quả về kinh tế, đảm bảo môi trường đối với tổ chức, cá nhân đầu tư nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và thành phố Đông Hà (bao gồm: nuôi tôm 2 giai đoạn, 3 giai đoạn; nuôi tôm bể nổi tròn trong nhà lưới; nuôi tôm trong nhà kính; nuôi tôm ứng dụng công nghệ Biofloc, công nghệ vi sinh; nuôi tôm áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao khác), có tổng diện tích các ao nuôi tối thiểu 0,3 ha. Có dự án đầu tư nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được UBND cấp huyện trở lên phê duyệt; chưa được hỗ trợ theo chính sách này trước đó; đầu tư đầy đủ cơ sở hạ tầng theo dự án đã được phê duyệt; kết quả sản xuất đạt sản lượng tối thiểu 7,5 tấn/vụ nuôi, năng suất tối thiểu 25 tấn/ha/vụ nuôi đối với tôm thẻ chân trắng hoặc sản lượng tối thiểu 2,5 tấn/vụ nuôi, năng suất tối thiểu 8 tấn/ha/vụ nuôi đối với tôm sú. Hỗ trợ một lần sau khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng và sản xuất đạt năng suất, sản lượng theo yêu cầu đề ra.

Điều 5. Một số chính sách hỗ trợ khác

1. Chính sách hỗ trợ chứng nhận sản xuất cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả theo tiêu chuẩn hữu cơ

a) Nội dung, định mức, quy mô hỗ trợ:

Hỗ trợ 01 lần chi phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Định mức hỗ trợ 20 triệu đồng/dự án đối với chứng nhận hữu cơ Việt Nam, 30 triệu đồng/dự án đối với chứng nhận hữu cơ Quốc tế. Quy mô tối thiểu 02 ha/dự án, mỗi năm hỗ trợ tối đa 10 dự án cho cà phê và hồ tiêu, 5 dự án cho cây ăn quả.

b) Đối tượng và điều kiện hỗ trợ

Tổ chức, cá nhân thực hiện trồng cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả phải tập trung, liền vùng, quy mô tối thiểu 02 ha, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam và Quốc tế.

2. Chính sách hỗ trợ chứng nhận sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ

a) Nội dung, định mức, quy mô hỗ trợ

Hỗ trợ 01 lần chi phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Mức hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng/dự án đối với chứng nhận hữu cơ Việt Nam, 30 triệu đồng/dự án đối với chứng nhận hữu cơ Quốc tế. Quy mô tối thiểu 05 ha/dự án, mỗi năm hỗ trợ không quá 40 dự án. Riêng đối với dự án có quy mô trên 50 ha định mức hỗ trợ tối đa 150 triệu đồng/dự án, mỗi năm hỗ trợ 01 dự án.

b) Đối tượng và điều kiện hỗ trợ

Tổ chức, cá nhân có tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa hữu cơ phải tập trung, liền khoảnh, liền vùng, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam và Quốc tế.

3. Chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm dược liệu đạt chứng nhận sản phẩm OCOP đối với các tổ chức, cá nhân có tham gia liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ dược liệu trên địa bàn tỉnh.

a) Hỗ trợ chi phí chứng nhận vùng nguyên liệu sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; định mức hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/đơn vị, mỗi năm hỗ trợ tối đa 3 đơn vị.

b) Hỗ trợ chi phí chứng nhận kiểm soát chất lượng như: ISO 22000, HACCP, GAP và một số chứng nhận tương đương; định mức hỗ trợ tối đa 30 triệu đồng/đơn vị, mỗi năm hỗ trợ tối đa 3 đơn vị.

c) Hỗ trợ chi phí cấp chứng nhận GMP, định mức hỗ trợ không quá 300 triệu đồng/đơn vị, hỗ trợ tối đa 02 đơn vị cho cả giai đoạn 2022-2026.

4. Chính sách hỗ trợ chứng nhận VietGAP đối với trang trại chăn nuôi bò

a) Nội dung, định mức, quy mô hỗ trợ

Hỗ trợ 40% chi phí chứng nhận VietGap đối với trang trại chăn nuôi bò; định mức hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng/trang trại, mỗi năm hỗ trợ tối đa 5 trang trại.

b) Đối tượng, điều kiện hỗ trợ

Tổ chức, cá nhân đầu tư chăn nuôi bò đạt quy mô trang trại áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt VietGAP.

5. Chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại

a) Tổ chức, tham gia các sự kiện, hội thi, hội chợ, triển lãm, phiên chợ, đoàn giao thương, hội nghị kết nối cung cầu quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP trong tỉnh, trong nước và ngoài nước. Định mức hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng/sự kiện; mỗi năm hỗ trợ tối đa 01 tỷ đồng cho tất cả các sự kiện.

b) Hỗ trợ tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực, OCOP tham gia các hội thi nông sản đặc sản được tổ chức trên phạm vi toàn quốc, ưu tiên các sản phẩm như cà phê đặc sản, hồ tiêu hữu cơ, gạo hữu cơ được hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng/đơn vị tham gia. Mỗi đơn vị chỉ được hỗ trợ 1 lần/năm và mỗi năm hỗ trợ tối đa 3 đơn vị tham gia.

c) Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, phát triển và hoàn thiện sản phẩm kết nối vào các chuỗi cung ứng: Hỗ trợ tư vấn thiết kế mẫu mã, bao bì, nhãn hiệu hàng hóa; thiết kế nhận diện thương hiệu; xây dựng đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm; In ấn bao bì, nhãn mác, tạo hệ thống truy xuất nguồn gốc; xây dựng và áp dụng hệ thống ISO cho lĩnh vực sản xuất, cung ứng sản phẩm. Định mức hỗ trợ 100% chi phí, tối đa không quá 200 triệu đồng/1 đơn vị; mỗi năm hỗ trợ tối đa 01 tỷ đồng.

6. Chính sách tín dụng

Cho vay vốn hỗ trợ lãi suất để đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để sản xuất giống cây dược liệu; đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị phục vụ sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản; vay vốn phát triển rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ qua gỗ lớn từ nguồn ngân sách tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Điều 6. Nguồn kinh phí thực hiện

1. Hằng năm ngân sách tỉnh cân đối bố trí tối thiểu 17 tỷ đồng để thực hiện chính sách theo quy định này.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã cân đối bố trí ngân sách cấp huyện đối ứng theo tỷ lệ ngân sách tỉnh 70%, ngân sách huyện 30% để thực hiện chính sách đảm bảo mục tiêu đề ra.

3. Huy động, lồng ghép nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia; các chương trình, dự án đầu tư trong và ngoài nước; nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân./.

Đang truy cập: 43

Hôm nay: 1943

Tổng lượt truy cập: 3.555.616