Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Với tiềm năng, điều kiện địa lý, khí hậu địa hình và đất đai rất đa dạng, phong phú, từ đó đã tạo nên cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh ta những giá trị, chất lượng khác biệt, là tiền đề, lợi thế để phát triển thành các sản phẩm OCOP chất lượng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 141 sản phẩm OCOP. Trong đó có 43 sản phẩm 4 sao, 98 sản phẩm 3 sao. Có 79 chủ thể OCOP, trong đó có 23 chủ thể là hợp tác xã, 09 chủ thể là tổ hợp tác, 22 chủ thể là doanh nghiệp, 25 chủ thể là hộ sản xuất kinh doanh.

Chương trình đã góp phần khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, củng cố, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, phát triển sản xuất từ tiềm năng và lợi thế tài nguyên sẵn có. Nhiều sản phẩm OCOP đã trở thành thương hiệu nổi tiếng của tỉnh như gạo hữu cơ (Gạo sạch Triệu Phong, gạo hữu cơ Quảng Trị), Khe Sanh Coffee, cao chè vằng Mai Thị Thủy, tinh dầu tràm Mộc San, cao cà gai leo An Xuân, hạt tiêu Cùa… Chương trình OCOP trở thành một chương trình chuyên đề lớn trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện cho sản phẩm đặc trưng của Quảng Trị vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Số lượng chủ thể mới còn ít. Nhiều sản phẩm có tiềm năng, có thế mạnh nhưng chưa được khai thác và đăng ký tham gia, có khá nhiều chủ thể và sản phẩm hết thời hạn công nhận OCOP không tham gia đánh giá, phân hạng lại. Nhiều sản phẩm thiếu tính đặc sắc, khác biệt. Các sản phẩm OCOP vẫn còn gặp khó khăn trong tìm kiếm, mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm, vào cuộc triển khai Chương trình, nhiều xã chưa có sản phẩm OCOP; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan còn lỏng lẻo, chưa có sự thống nhất để tập trung tiêu chuẩn hóa sản phẩm nên hiệu quả chưa cao, chưa đúng trọng tâm, chồng chéo.

Với quan điểm tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của các địa phương; thúc đẩy phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực, đặc trưng gắn với vùng nguyên liệu địa phương, sản phẩm làng nghề, trên địa bàn tỉnh; chú trọng chất lượng nguồn gốc xuất xứ, không chạy theo số lượng, không phô trương thành tích; các sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP phải khẳng định được chất lượng, thương hiệu và yếu tố của thị trường. Để triển khai Chương trình đúng hướng, có hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất: Tiếp tục quán triệt tầm quan trọng, ý nghĩa, nguyên tắc của Chương trình OCOP, chu trình OCOP thường niên. Tập trung đẩy mạnh và đa dạng hóa hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cho các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị phân phối, người tiêu dùng. Thông tin, tuyên truyền về nội dung Chương trình OCOP, những thành tựu và kết quả thực hiện Chương trình; những gương điển hình tiên tiến và mô hình sản xuất tiêu biểu. Kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc và những bất cập, tồn tại trong quá trình triển khai Chương trình OCOP ở các địa phương. Phát động các phong trào thi đua sáng tạo, khởi nghiệp trong xây dựng sản phẩm OCOP tại các địa phương.

Thứ hai: Phát triển sản phẩm OCOP gắn với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, ưu tiên các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế cạnh tranh, phát triển sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu, liên kết vùng nguyên liệu bền vững. Đẩy mạnh chế biến, đóng gói, và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đăng ký thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm OCOP. Gắn kết phát triển sản phẩm OCOP với việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Khai thác tiềm năng du lịch nông thôn để phát triển bền vững. Phát triển sản phẩm OCOP gắn với thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường.

Thứ ba: Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ triển khai Chương trình OCOP. Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực về quản trị, marketing cho các bộ quản lý, điều hành của các doanh nghiệp, HTX, các cơ sở/hộ sản xuất; đào tạo lao động gắn với nhu cầu sản xuất sản phẩm OCOP.

Thứ tư: Thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương, của tỉnh có liên quan đến chương trình. Hỗ trợ chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ trong sản xuất và chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc; các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm OCOP đáp ứng các quy định của thị trường trong nước và xuất khẩu; bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận) cho sản phẩm OCOP. Tư vấn phát triển sản phẩm OCOP, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất tham gia Chương trình; hỗ trợ hoàn thiện bao bì, nhãn mác, kiểm nghiệm, công bố chất lượng; hỗ trợ xây dựng các liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP. Hỗ trợ tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP. Trong đó chú trọng hỗ trợ các nội dung thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream); hỗ trợ xây dựng, phát triển các điểm bán hàng OCOP; tuần lễ OCOP ngoài tỉnh; nâng cao năng lực tổ chức, tham gia xúc tiến thương mại, phát triển thị trường đặc biệt là thị trường xuất khẩu;  Tham gia các sự kiện, diễn đàn khu vực, quốc tế về OCOP, các sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP trong nước và quốc tế để mở rộng cơ hội thị trường của sản phẩm OCOP, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm OCOP

Thứ năm: Triển khai các bước của chu trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của sản phẩm, phát huy các điều kiện về nguồn nguyên liệu, lao động địa phương, lợi thế về chất lượng sản phẩm. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, công nhận sản phẩm đúng thực chất, đúng tiêu chí. Đẩy mạnh giám sát của cộng đồng về sản phẩm, chất lượng sản phẩm, phát triển vùng nguyên liệu; duy trì sự đặc sắc, nét văn hóa của các sản phẩm địa phương; thúc đẩy sự tham gia và có cơ chế chia sẻ lợi ích phù hợp của cộng đồng vào sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP; phát triển vùng sản xuất nguyên liệu, sử dụng lao động địa phương. Tổ chức kiểm tra, giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm OCOP, việc sử dụng nhãn hiệu OCOP. Kiểm tra, giám sát việc tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh.

Giá trị cốt lõi của Chương trình OCOP chính là nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra giá trị kinh tế cao, cùng góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương ngày càng phát triển. Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp trên sẽ giúp Chương trình OCOP đạt được hiệu quả cao, góp phần quan trọng vào xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế bền vững.

Thanh Bình – Chi cục Phát triển nông thôn

Đang truy cập: 9

Hôm nay: 937

Tổng lượt truy cập: 3.588.530