Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Tỉnh Quảng Trị hiện có khoảng trên 2.200 tàu cá, trong đó có gần 200 tàu cá công suất lớn làm nghề khai thác thủy sản xa bờ. Trung bình mỗi năm, sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 27.000 tấn. Đây là những lợi thế để các địa phương ven biển xây dựng sản phẩm OCOP mang lại giá trị kinh tế cao.

Tại vùng biển xã Hải An, huyện Hải Lăng, nước mắm Mỹ An là một trong những sản phẩm có chất lượng, được đánh giá cao và được phân hạng sản phẩm 4 sao cấp tỉnh vào năm 2022. Ứng dụng phần lớn quy trình công nghệ hiện đại vào sản xuất, nước mắm Mỹ An không cần nhiều công nhân. Họ chỉ tập trung làm việc cho công ty theo thời vụ khi trộn cá và muối hoặc cho ra thành phẩm nước mắm cần đóng chai và dán nhãn. Để có được sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, ngoài quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, chọn nguyên liệu tươi đánh bắt vùng biển gần bờ trong vòng 48 giờ thì tiêu chí đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được công ty đặc biệt chú trọng. Đưa vào hoạt động từ năm 2019, mỗi năm công ty cho ra thị trường 10.000 lít nước mắm thành phẩm và 20.000 kg chợp phục vụ cho người dân làm nước mắm vùng phụ cận.

Để xây dựng sản phẩm OCOP, nhiều chủ thể trên địa bàn tỉnh đã tận dụng lợi thế sản phẩm thủy sản vùng biển để tạo ra những sản phẩm có giá trị vừa đảm bảo sức khỏe, an toàn dinh dưỡng vừa đảm bảo giá trị kinh tế. Các địa phương ven biển của tỉnh Quảng Trị tại huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng đã có những có sản phẩm OCOP thủy sản. Trong đó tiêu biểu là các loại sản phẩm nước mắm, mắm ruốc, mắm cá. Mỗi chủ thể đã có những cách làm phù hợp để đem lại hiệu quả cao không chỉ mang lại giá trị sản phẩm mà còn tạo được uy tín, chỗ đứng trên thị trường. Bên cạnh đó, còn có sự phối hợp, đồng hành và hỗ trợ tích cực từ các cấp chính quyền và các ngành chức năng.

Sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản lớn là lợi thế để các địa phương có thể sản xuất sản phẩm, xây dựng thương hiệu OCOP. Điều này không chỉ mang lại giá trị khẳng định được thương hiệu sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao mà còn giúp các địa phương đạt chuẩn tiêu chí trong việc xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tuy nhiên, hiện nay toàn tỉnh có 141 sản phẩm OCOP được phân hạng 3 sao 4 thì chỉ có 7 sản phẩm trong lĩnh vực thủy sản, còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, thế mạnh. Để phát triển sản phẩm OCOP từ thủy sản ở tỉnh Quảng Trị, cần xem xét các giải pháp đồng bộ và trọng tâm như sau:

Tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP, các mô hình OCOP tiêu biểu từ thủy sản. Khảo sát, đánh giá các loại thủy sản có tiềm năng lớn như tôm, cá, cua, mực, sứa…, nghiên cứu, sáng tạo để phát triển, nâng cấp  các sản phẩm chế biến từ thủy sản như như mắm cá, ruốc, nước mắm, hấp, sấy, chả... Tìm hiểu nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế để phát triển sản phẩm phù hợp, có nét riêng, tạo lợi thế khi tham gia thị trường.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư máy móc, dây chuyền chế biến hiện đại để chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng (hải sản khô, đông lạnh, đóng hộp, snack thủy sản); chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn quốc tế như HACCP, ISO; thực hiện công tác bảo vệ môi trường phù hợp với quy mô sản xuất và quy định của pháp luật.

Xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm, thiết kế bao bì hấp dẫn, thông tin minh bạch về nguồn gốc, giá trị dinh dưỡng, và quy trình sản xuất; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, gắn thương hiệu với các yếu tố địa phương như "Thủy sản Quảng Trị" để tạo sự khác biệt.

Đào tạo, tập huấn kỹ thuật nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, đảm bảo các điều kiện sản xuất kinh doanh, sở hữu trí tuệ, quản lý kinh doanh… cho nông dân doanh nghiệp và hợp tác xã. Hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ nhà nước để đầu tư phát triển sản phẩm. Xây dựng các liên kết chuỗi giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến và các nhà phân phối lớn.

Tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường như: tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế để quảng bá sản phẩm; đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, hoặc Amazon để tiếp cận khách hàng; kết hợp quảng bá sản phẩm OCOP với các tour du lịch địa phương.

Chương trình OCOP là một chương trình mang lại ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất tại các địa phương. OCOP không chỉ góp phần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, phát huy lợi thế nguồn nguyên liệu mà còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Cũng từ đó tạo nên sản phẩm có chất lượng, uy tín trên thị trường, từng bước cho giá trị kinh tế cao. Với tiềm năng lợi thế về nguồn lợi thủy hải sản, tỉnh Quảng Trị hoàn toàn có thể xây dựng được nhiều sản phẩm mang thương hiệu OCOP. Tuy nhiên, ngoài nỗ lực của mỗi chủ thể, các ngành chức năng và các cấp chính quyền cũng cần có sự quan tâm, đồng hành nhiều hơn nữa để người dân các địa phương và các doanh nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác mạnh dạn đầu tư, xây dựng sản phẩm. Bởi giá trị cốt lõi của chương trình này chính là nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra giá trị kinh tế cao, cùng góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương ngày càng phát triển./.

Thanh Bình – Chi cục Phát triển nông thôn

Đang truy cập: 18

Hôm nay: 1630

Tổng lượt truy cập: 3.555.305