Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Ngày 15/4/2024, đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì họp trực tuyến Kiểm ngư Việt Nam 10 năm đồng hành cùng ngư dân, thực thi pháp luật và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU vì một ngành thủy sản xanh và phát triển bền vững. Tham gia tại điểm cầu Quảng Trị có đồng chí Nguyễn Hữu Vinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thanh tra Sở, Phòng Kế hoạch – Tài chính Sở,  Chi cục Thủy sản, Ban quản lý khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ; lãnh đạo các Đồn Biên phòng: Triệu Vân, Cửa Tùng và cảng cửa khẩu Cửa Việt.

Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam chính thức ra mắt tại Đà Nẵng vào ngày 15/4/2014. Sau 10 năm hoạt động, tổ chức bộ máy kiểm ngư ở Trung ương và địa phương ven biển đã được hình thành, củng cố. Hiện cả nước có 24/28 tỉnh, thành phố ven biển hình thành tổ chức kiểm ngư. Lực lượng kiểm ngư đã khẳng định được vị trí và thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ thực thi pháp luật thủy sản trên các vùng biển, đồng hành, hỗ trợ ngư dân, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU vì một ngành thủy sản xanh và phát triển bền vững.

Trong 10 năm, lực lượng kiểm ngư Việt Nam thực hiện hơn 400 lượt tàu tuần tra; đã quan sát và phát hiện hơn 65.000 lượt tàu (trong đó tàu cá nước ngoài là trên 1.000 lượt chiếc); số tàu đã kiểm tra hơn 10.000 lượt chiếc. Xử phạt hoặc chuyển cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hơn 11.000 lượt tàu; lập biên bản cảnh báo và xua đuổi, phóng thích nhiều lượt tàu có nước ngoài ra khỏi vùng biển Việt Nam. Lực lượng kiểm ngư cũng đã theo dõi, quản lý chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát hành trình, từng bước giảm dần các hành vi vi phạm khi thác IUU. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm ngư đã hỗ trợ, cứu hộ, cứu nạn hàng trăm tàu cá gặp nạn, cứu vớt hàng nghìn ngư dân trên biển. Đặc biệt, lực lượng kiểm ngư đã kịp thời có mặt tại thực địa, phối hợp với các lực lượng khác tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam và thực thi pháp luật trên biển.

Đối với tỉnh Quảng Trị giai đoạn 1992-2011 lực lượng thanh tra, bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã xử lý 1.029 vụ vi phạm hành chính, với số tiền xử phạt là 641,878 triệu đồng (Năm 2006 chuyển truy tố hình sự một vụ sử dụng chất nổ để khai thác thủy sản; tịch thu 45.5kg thuốc nổ, 123 kíp nổ, 20m dây cháy chậm và tịch thu 20 bộ xung điện; vận động bà con tự giác giao nộp: 132 bộ xung điện); Giai đoạn 2012-2023 xử lý 250 vụ, số tiền xử phạt là 897.850 triệu đồng (Tịch thu 28 bộ xung điện). Bên cạnh đó, đã triển khai cứu hộ hàng trăm cá thể Rùa biển về với đại dương. Nhờ đó, hoạt động khai thác thủy sản bằng các biện pháp hủy diệt được đẩy lùi; công tác chống khai thác IUU có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần cùng với cả nước tháo gỡ “Thẻ vàng” của EC đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam.

Trong thời gian qua, công tác bảo vệ động vật nguy cấp quý hiếm đã được quan tâm triển khai kịp thời vận động tổ chức cứu hộ thả 70 cá thể Rùa biển về với đại dương. Bên cạnh đó, hàng năm tổ chức thả hàng nghìn loại cá giống như: Trắm, trôi, mè, chép ... về với các thủy vực, hồ đập tự nhiên, thả cá mú giống trong khu bảo tồn Biển đảo Cồn Cỏ, thả tôm giống trên vùng biển Quảng Trị để tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Đã ký kết kế hoạch phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Giáo  hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Trị về kế hoạch triển khai thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2022-2025. Qua đó, Hình thành được phong trào phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản đặc biệt là trong dịp kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Thủy sản, lễ Phật đản, lễ Vu Lan và các ngày lễ lớn trong năm của Phật giáo với sự tham gia của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý, lực lượng chức năng, cơ quan truyền thông, các tầng lớp nhân dân và nhận được sự quan tâm tích cực của xã hội.

Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 05/02/2024 về Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Tại hội nghị, các đại biểu của các tỉnh như: Cà Mau, Kiên Giang….đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc và các giải pháp phát triển lực lượng kiểm ngư tại các địa phương, đặc biệt là chế độ, chính sách đối với lực lượng kiểm ngư. Bên cạnh đó, các đại biểu đề xuất giải pháp thực hiện Chương trình quốc gia Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030…

Trong thời gian tới, Cục Kiểm ngư đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển lực lượng kiểm ngư chính quy, tinh nhuệ, hiện đại để đảm bảo thực thi nhiệm vụ theo yêu cầu được Đảng và Nhà nước giao, đảm bảo công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đồng hành cùng ngư dân và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, quy hoạch, chương trình, đề án tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản. Quyết tâm sớm gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC, duy trì kết quả bền vững.

                                       Lê Đức Thắng - Chi cục Thủy sản

Đang truy cập: 7

Hôm nay: 2769

Tổng lượt truy cập: 3.556.442