Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hoá – Đakrông  có tổng diện tích 23.114,50 ha thuộc địa bàn hai huyện miền núi Hướng Hoá và Đakrông; trong đó đất có rừng là 16.915,97 ha (rừng tự nhiên 12.097,19 ha; rừng trồng 4.818,78 ha); đất trống, đất khác 5.541,48 ha; đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp 657,05 ha; phân bố trên địa bàn 15 xã, thị trấn thuộc hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông. Địa hình rừng núi phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều khe suối. Dân cư trong vùng chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức về pháp luật còn nhiều hạn chế phong tục sản xuất quảng canh, đời sống chủ yếu dựa vào rừng nên nguy cơ người dân vào rừng để khai thác lâm sản, phát rừng làm rẫy, làm bẫy săn bắt động vật rất lớn ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn.

. Trong năm 2024, Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông đã tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tuần tra, kiểm tra rừng trên địa bàn quản lý nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời nếu có vụ việc xảy ra; tổ chức 28 buổi họp dân tuyên truyền với tổng cộng 2.115 người tham gia; phối hợp với Trung tâm văn hóa thể dục thể thao huyện Hướng Hóa tổ chức tuyên truyền bằng xe lưu động 03 đợt trên toàn bộ địa bàn các xã, thị trấn có rừng của Ban thuộc 02 huyện Hướng Hóa, Đakrông. Năm 2024, Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông đã hỗ trợ giao khoán bảo vệ rừng cho người dân với tổng diện tích 11.060,74 ha. Trong đó: Giao khoán theo Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 8.800 ha với 127 hộ tham gia nhận khoán; giao khoán theo Đề án Chi trả dịch vụ môi trường rừng là 2.260,74 ha với 52 hộ tham gia nhận khoán. Qua đó, đã từng bước nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại cấp cơ sở, người dân đã ý thức hơn trong công tác bảo vệ rừng, cung cấp nhiều thông tin vi phạm luật bảo vệ và phát triên rừng trên địa bàn cho Ban đấu tranh, ngăn chăn và xử lý có hiệu quả.

Hình ảnh: Chốt bảo vệ rừng của BQL RPH Hướng Hóa – Đakrông

Khoảng thời gian trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 sắp tới, số lượng người lao động từ các nơi khác trở về các thôn bản rất nhiều, số lượng người thiếu việc làm, không có thu nhập ngày càng tăng, một số người dân cần tiền để mua sắm phục vụ Tết nên có nguy cơ cao xảy ra tình trạng người dân sẽ vào rừng để khai thác gỗ trái phép đem bán kiếm tiền và phát lấn chiếm đất rừng để làm nương rẫy. Bên cạnh đó, sau Tết cũng là thời gian người dân đốt dọn nương rẫy chuẩn bị cho vụ xuân, đốt đồi cỏ để chăn thả gia súc, dẫn đến nguy cơ cháy lan vào rừng rất cao.

Thực hiện Kế hoạch số 4516/KH-SNN ngày 30/12/2024 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc triển khai đợt cao điểm đấu tranh, ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông đã xây dựng Kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng năm 2025 của đơn vị, việc xây dựng Kế hoạch trong đợt cao điểm này là hết sức quan trọng nhằm thống nhất sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Kế hoạch của đơn vị đã xác định được các vùng có nguy cơ cao về khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật trong đợt cao điểm, phân công cụ thể cán bộ và lãnh đạo phụ trách các vùng; xác định rõ nhiệm vụ là tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng trên địa bàn quản lý nhằm phát hiện ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng; phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng (Kiểm lâm, Công an, Biên phòng) xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng về phá rừng, xâm lấn rừng, khai thác rừng; tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý bảo vệ rừng và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) đến các thôn bản, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng.

Hình ảnh: Lực lượng bảo vệ rừng của Ban đang trao đổi trước khi tuần tra rừng trong đợt cao điểm

Để thực hiện hoạt động một cách có hiệu quả nhất, lãnh đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông đã quán triệt, triển khai các nội dung của Kế hoạch và yêu cầu các Trạm quản lý bảo vệ rừng xây dựng Kế hoạch, xác định các tuyến tuần tra cụ thể tùy theo từng vùng trọng điểm, tổ chức lực lượng tuần tra rừng tổ chức lực lượng tuần tra rừng thường xuyên trong đợt cao điểm, mỗi lượt từ 3-5 người; phát hiện, xử lý và báo cáo kịp thời khi có sự việc xảy ra, tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn, chủ động phối hợp cùng với Kiểm lâm phụ trách địa bàn, chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng, đất rừng. Qua đó, có thể giữ rừng đạt hiệu quả, hạn chế mức thấp nhất tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng; khai thác, vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn quản lý trong đợt cao điểm trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025./.

Đang truy cập: 7

Hôm nay: 163

Tổng lượt truy cập: 3.806.626